Quản lý chặt chẽ lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường
(BĐ) - Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở TN&MT về tình hình thực hiện nhiệm vụ 10 tháng năm 2022 và triển khai nhiệm vụ thời gian tới vào chiều 10.11. Dự buổi làm việc còn có đại diện các sở, ngành, hội, đoàn thể tỉnh.
Theo Sở TN&MT, 10 tháng qua, ngành TN&MT đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành 11 quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của cấp huyện; kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) tỉnh Bình Định; danh mục công trình, dự án nhà nước thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng và danh mục công trình, dự án có sử dụng dưới 10 ha đất lúa, dưới 20 ha đất rừng phòng hộ, dưới 20 ha đất rừng đặc dụng năm 2023; quy định về vận chuyển và xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh; quy định ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất và giá đất cụ thể tái định cư năm 2023 phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh; quy định về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh; kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Bình Định.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu Sở TN&MT phải tập trung hai lĩnh vực lớn. Đó là công tác bảo vệ môi trường phải được cải thiện rõ rệt; quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản phải làm chặt tay hơn.
Đồng chí Phạm Anh Tuấn chỉ đạo Sở TN&MT rà soát lại các phương án quản lý, thu gom rác thải, nước thải để phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở Tài chính tính toán giải pháp đầu tư trước mắt và lâu dài, hướng dẫn các huyện đầu tư phương tiện chuyên dụng thu gom rác thải, xây dựng các bãi xử lý rác thải đạt chuẩn, hạn chế việc chôn lấp chất thải như hiện nay. Xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, yêu cầu các DN lắp đặt hệ thống camera giám sát chất lượng môi trường; xây dựng các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Đối với các hệ sinh thái rừng, đầm, ao, hồ cần phải được bảo tồn, không được tác động đến các hệ sinh thái này, phải tính toán đến vấn đề quản lý, bảo vệ môi trường gắn với bảo tồn các hệ sinh thái…
Đồng chí Phạm Anh Tuấn yêu cầu Sở TN&MT phối hợp các sở, ngành liên quan bàn bạc, thảo luận đề xuất với UBND tỉnh hai phương án thu gom rác thải sinh hoạt tăng qua các năm theo phương án 2 (mức tăng trung bình) và phương án 3 (mức tăng cao) để UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về công tác bảo vệ môi trường vào tuần tới.
Đối với công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chỉ đạo Sở TN&MT phải rà soát thật kỹ theo nhu cầu thực tế để cấp phép sử dụng, khai thác hợp lý; chú trọng quản lý từ xa hoạt động khai thác khoáng sản bằng hệ thống camera, cân điện tử để giám sát, kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp Sở TN&MT rà soát lại việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của các địa phương đã đạt chuẩn. Nếu địa phương nào không duy trì tốt việc thực hiện tiêu chí môi trường thì đề nghị xóa danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới…
NGỌC NHUẬN