Cần hoàn thiện quy trình phạt nguội
Chủ trương xử phạt nguội lỗi vi phạm luật giao thông được bắt đầu triển khai từng bước ở Việt Nam từ năm 2016. Tuy nhiên, những rắc rối xung quanh việc tống đạt, thực thi các quyết định xử phạt vẫn còn chưa được giải quyết triệt để.
Trước ngày mang xe đi đăng kiểm định kỳ, tôi tra thông tin phương tiện trên cổng thông tin cảnh sát giao thông và phát hiện có một thông báo vi phạm với trạng thái chưa xử phạt, tại Đà Nẵng từ một năm trước đó.
Tuy nhiên, tôi không thể biết mình mắc lỗi gì, mức phạt là bao nhiêu. Vào thông báo đó, tôi chỉ được cung cấp một số điện thoại, và khi gọi thì cũng không được cung cấp bất cứ thông tin nào, ngoài một lời mời vào làm việc với Phòng cảnh sát giao thông Đà Nẵng.
Vấn đề đặt ra ở đây là cái thông báo vi phạm kể trên, không kèm theo biên bản vi phạm, cũng như quyết định xử phạt, có nghĩa là nó chưa có giá trị về mặt pháp lý. Nhưng, chỉ với thông báo đó, cơ quan đăng kiểm vẫn từ chối đăng kiểm phương tiện của người dân.
Ảnh minh họa: Vietnamnet.
Ở đây có hai điều không đúng.
Thứ nhất, cơ quan trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm là xác nhận tình trạng kỹ thuật đảm bảo an toàn để lưu hành chiếc xe, không phải cơ quan thực thi các quyết định xử phạt hành chính. Vì thế, cơ quan đăng kiểm không có quyền từ chối đăng kiểm phương tiện khi phương tiện đó đủ điều kiện theo quy định.
Thứ hai, cho dù cơ quan đăng kiểm có trách nhiệm phối hợp để đảm bảo thực thi các quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến phương tiện, thì cũng cần căn cứ các quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Trong trường hợp kể trên, quyết định xử phạt chưa được ban hành, cơ quan đăng kiểm không có đủ căn cứ để thực hiện việc từ chối đăng kiểm.
Về nguyên tắc là vậy, nhưng trên thực tế, tình huống này sẽ khiến người dân và cơ quan đăng kiểm tranh luận, cãi cọ, phiền hà và tốn kém năng lượng.
Phạt nguội là một việc cần thiết, đảm bảo sự công bằng, chính trực của lực lượng đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời nâng cao tinh thần tự giác chấp hành quy định pháp luật của người dân.
Tuy nhiên, để việc phạt nguội thực sự trở thành một phương pháp góp phần thúc đẩy văn hóa giao thông và tôn trọng luật pháp, đầu tiên, việc tổ chức phạt nguội cần đảm bảo các yếu tố ngay thẳng và văn minh.
Trở lại với câu chuyện cụ thể ở trên. Nếu như chiếc xe của tôi bị phát hiện vi phạm luật giao thông ở Đà Nẵng, và trên thực tế Cảnh sát giao thông Đà Nẵng đã phát hành thông báo online, thì điều đó cho thấy Cảnh sát giao thông Đà Nẵng hoàn toàn tự tin về khả năng chứng minh lỗi vi phạm của phương tiện.
Vậy thì tại sao Cảnh sát giao thông không công bố biên bản và quyết định xử phạt cùng với thông báo vi phạm? Tôi không tìm ra bất kỳ một lý do nào để khiến cho việc công bố quyết định xử phạt bị cản trở.
Có thể, người dân không công nhận mình đã mắc lỗi, khi đó họ có thể yêu cầu cung cấp bằng chứng, hoặc nếu tự tin, họ có thể khiếu nại quyết định xử phạt trong thời hạn nhất định.
Tôi tin rằng, nếu lực lượng cảnh sát giao thông có đủ bằng chứng chứng minh vi phạm của phương tiện, người sử dụng phương tiện sẽ hoàn toàn tâm phục khẩu phục để đóng tiền nộp phạt.
Trong trường hợp người vi phạm không nộp phạt, dù đã quá thời hạn, cơ quan đăng kiểm khi đó có thể căn cứ vào quyết định xử phạt (tất nhiên có quy định từ chối đăng kiểm nếu chưa thực hiện nộp phạt theo quyết định).
Đi lại là một quyền hiến định của người dân. Và để thực hiện quyền này, người dân có trách nhiệm phải tuân thủ các quy định pháp luật để đảm bảo không xâm phạm quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân.
Nộp phạt là một việc phải tuân thủ. Tuy nhiên, để người dân thực hiện trách nhiệm tuân thủ luật pháp, trước tiên, luật pháp cần được thực thi với một quy trình rõ ràng và minh bạch.
Theo Phạm Trung Tuyến (VOV)