Chương trình OCOP 2022: Ưu tiên sản phẩm giàu tiềm năng phát triển
Theo kế hoạch, tháng 11.2022, Bình Định sẽ tổ chức đánh giá, xếp hạng và công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022. So với các năm trước, tiêu chí lựa chọn các sản phẩm OCOP có nhiều điểm mới, trong đó chú trọng các sản phẩm giàu tiềm năng, có sự khác biệt.
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (Sở NN&PTNT), điểm khác quan trọng là các tiêu chí đánh giá sẽ sâu hơn, tập trung làm rõ các định dạng, chất lượng sản phẩm, chú trọng tính đặc trưng địa phương trong sản phẩm đó. Thêm nữa, tỉnh sẽ ưu tiên cho những sản phẩm OCOP tạo được dấu ấn, có tiềm năng đầu tư phát triển nâng cao. Hơn nữa, so với những năm trước, yếu tố câu chuyện đi kèm theo sản phẩm được chú trọng đưa vào thang điểm đánh giá.
Nói về những điểm khác biệt, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, phân tích: Sản phẩm OCOP không thể chỉ cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, số lượng, mà còn phải tính đến những“giá trị mềm” - tức là các yếu tố lịch sử địa phương, văn hóa truyền thống của vùng đất và con người nơi sản phẩm thành hình. Ví dụ cũng là rượu gạo ngon nhưng rượu Bàu Đá có vị thế khác với các loại rượu thông thường, cái khác đó được tạo ra từ uy tín cả trăm năm, về mức độ phổ biến của thương hiệu và những thông tin liên kết khác khiến trường liên tưởng được nối dài thêm như: Đất Vua, di tích Champa, thành Hoàng Đế… Năm nay, tỉnh triển khai kế hoạch đánh giá, công nhận và xếp hạng sản phẩm OCOP trong tháng 11. Ban tổ chức sẽ chú trọng các sản phẩm giàu “giá trị mềm” để đầu tư phát triển bởi Chương trình OCOP còn gắn liền với Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới.
Theo kế hoạch, năm nay huyện Hoài Ân lựa chọn 11 sản phẩm của 6 đơn vị tham gia phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022. Cả 11 sản phẩm đều được lựa chọn kỹ càng - ưu tiên các sản phẩm chủ lực của địa phương như trà, mật ong dú, bún khô... Ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho biết: Các sản phẩm của Hoài Ân chú trọng khai thác các yếu tố đặc trưng của địa phương, có tiềm năng phát triển nâng cao, mở rộng. Đặc biệt, với yêu cầu sản phẩm OCOP giàu “giá trị mềm” tạo được sự khác biệt, chúng tôi sàng lọc rất kỹ, ưu tiên chọn sản phẩm đặc sắc. Chẳng hạn, khi nói về mật ông dú có thể không có sản lượng lớn để thành sản phẩm hàng hóa như mật ong thông thường, nhưng nó có sự khác biệt về chất lượng, độ hiếm, phổ ứng dụng. Mật ong dú Hoài Ân đã trở thành quà biếu cao cấp mà nhiều đơn vị, khách hàng khai thác tour, tuyến về du lịch nông nghiệp trên địa bàn huyện rất chuộng.
Sản phẩm bún khô Kicafood của hộ kinh doanh Lê Thị Cảnh (Hoài Ân) là một trong những sản phẩm được UBND huyện Hoài Ân lựa chọn tham gia bình chọn OCOP năm 2022. Ảnh: T.D
Tương tự, huyện Phù Mỹ đưa 11 sản phẩm tham gia cuộc phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Theo ông Trần Minh Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, trước khi đưa sản phẩm tham gia phân hạng, huyện đã tổ chức đánh giá ở cơ sở, lựa chọn những sản phẩm giàu ưu thế, có tiềm năng phát triển lớn như bí đao Mỹ Thọ, chình mun đầm Trà Ổ. Hai sản phẩm này đã xuất hiện trong một số tour du lịch về Phù Mỹ và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Chình mun là một trong những sản phẩm OCOP của huyện Phù Mỹ được hỗ trợ phát triển theo hướng trở thành đặc sản cao cấp phục vụ du lịch. - Trong ảnh: Một mô hình nuôi chình thương phẩm tại xã Mỹ Thắng. Ảnh: THU DỊU
Đến nay, toàn tỉnh có 133 sản phẩm của 114 tổ chức kinh tế đã được chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên (trong đó, 6 sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao, 14 sản phẩm 4 sao và 113 sản phẩm 3 sao). Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ giới thiệu, quảng bá toàn bộ sản phẩm OCOP của tỉnh, khơi dòng tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử VNPost; hỗ trợ xây dựng 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại TP Quy Nhơn và huyện Vân Canh. Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã xây dựng và phát hành 1.000 cuốn cẩm nang giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh Bình Định. Đồng thời, phối hợp với các địa phương hướng dẫn, triển khai Chương trình OCOP năm 2022, phấn đấu đến cuối năm 2022, có trên 30 sản phẩm mới được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh và đánh giá, công nhận lại 50 sản phẩm đã hết thời hạn.
THU DỊU