Nuôi sá sùng, nghề mới nhiều triển vọng
Sá sùng đang được xem là một trong những đối tượng nuôi mới phù hợp ở vùng ven đầm Đề Gi. Năm 2022, từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III triển khai mô hình nuôi sá sùng tại xã Cát Minh, huyện Phù Cát, với 5 hộ tham gia, tổng diện tích 10.000 m2. Kết quả bước đầu cho thấy, sá sùng thích nghi và phát triển tốt trong ao nước lợ, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng ở khu vực đầm Đề Gi, mở ra nhiều triển vọng cho người dân tại địa phương.
Sá sùng có tên gọi khác là sa trùng, là một loài hải sản họ Sipuncula (họ sá sùng). Hình dạng của sá sùng giống với một loài giun khổng lồ nhiều màu sắc, thường dài khoảng 5 - 10 cm khi còn tươi, cá biệt một số con dài đến 15 - 40 cm. Sá sùng có bộ ruột giống với giun đất, sau 4 - 6 tháng nuôi, sá sùng có thể đạt kích cỡ thương phẩm 100 con/1 kg.
Sá sùng được xem là một trong những đối tượng nuôi mới phù hợp ở vùng ven đầm Đề Gi. Ảnh: M.T
Trong quá trình nuôi, các hộ chăn nuôi đã tiến hành các bước làm đất, thả giống, cho ăn… theo đúng quy trình kỹ thuật do cán bộ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III hướng dẫn. Hiện nay, các hộ nuôi đang bắt đầu thu hoạch sá sùng và kết quả rất khá. Ước tính lợi nhuận có thể đạt tới mức 445 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình đạt mục tiêu đa dạng hóa đối tượng nuôi trong ao nuôi trồng thủy sản nước lợ kém hiệu quả sang nuôi sá sùng.
Để triển khai mô hình trên, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã tiến hành khảo sát các khu vực có điều kiện phù hợp với việc nuôi sá sùng là vùng ao đất ven biển có độ mặn nguồn nước ổn định lớn. Đây là vùng có điều kiện sinh thái phù hợp do sá sùng đã sinh trưởng rất tốt trong điều kiện tự nhiên tại địa phương, tỷ lệ sống đạt trên 70%. Đây là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Bá Tài, người tham gia triển khai mô hình cho biết: Thức ăn nuôi sá sùng chủ yếu là thức ăn tận dụng như cá vụn, cám; các chi phí còn lại không đáng kể. Sá sùng là một loại thực phẩm dinh dưỡng cao, được ví là nhân sâm của biển, nhưng người tiêu dùng chưa quen, đầu ra chưa ổn định nên rất cần nhà nước hỗ trợ trong giai đoạn đầu.
Ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, cho biết: Từ kết quả mô hình này có thể khẳng định triển vọng nghề nuôi sá sùng rất khả thi.Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh truyền thông, nhân rộng mô hình ở những địa phương có điều kiện phù hợp, hướng dẫn kỹ thuật nuôi để tăng thu nhập cho người dân; sử dụng có hiệu quả các diện tích ao đìa bỏ hoang, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
MINH TIẾN