Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh: Phòng là chính - chống kiên quyết
Trao đổi với Báo Bình Định, đồng chí Trần Cang, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh cho biết, việc thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cũng như ban hành chương trình công tác cụ thể của Ban Chỉ đạo thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các nghị quyết của Trung ương, nhất là trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy TRẦN CANG.
* Đồng chí có thể nói rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh?
- Ngay sau khi có quyết định của Trung ương về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh (Ban Chỉ đạo), thì ngày 30.6.2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh trực thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ban Chỉ đạo đã ban hành quy chế làm việc, quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên, ban hành chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2022 và chương trình công tác của Ban Chỉ đạo trong năm 2023 về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chính là chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh mà trọng tâm là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương; trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng nghiên cứu, hướng dẫn nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho phù hợp với hoạt động của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan đơn vị; chỉ đạo các hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra và xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp dư luận xã hội quan tâm; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan dân cử, đoàn thể, chính trị xã hội, báo chí truyền thông và người dân tham gia các hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Có thể nói, việc thành lập Ban Chỉ đạo là nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện kiên quyết, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương về những quan điểm, chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng; tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh.
* Vậy quan điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh là gì thưa đồng chí?
- Quan điểm chung nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh “phòng là chính - chống kiên quyết”. Phải nói, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công tác phức tạp, khó khăn cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Do đó, công tác này không chỉ cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng các sở, ngành cơ quan, đơn vị mà còn cần có sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể và người dân. Phải xem công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố lòng tin của người dân đối với hệ thống chính trị của Đảng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, hướng đến sự hài lòng của người dân, góp phần phát triển KT-XH tỉnh nhà và hạnh phúc của nhân dân.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải thực hiện đồng thời các giải pháp từ cơ chế, chính sách, giáo dục ý thức, trách nhiệm của công chức, viên chức, quản lý công vụ, quản lý công chức, viên chức đến tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, chính trị tại địa phương.
Trong ảnh: Một góc thành phố biển Quy Nhơn. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
* Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh hiện nay và thời gian tới như thế nào, thưa đồng chí?
- Với quan điểm phòng là chính - chống kiên quyết, thời gian qua tỉnh ta đã và đang tập trung những giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình địa phương, trong đó tập trung những giải pháp phát huy vai trò người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan đơn vị. Trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, quản lý công vụ, công chức, viên chức và tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm được dư luận, xã hội quan tâm, bức xúc và dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản công.
Có thể nói, tình hình tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh ta không như một số địa phương khác. Tuy nhiên cũng có xảy ra một số biểu hiện tiêu cực mà nhân dân quan tâm. Do đó, trong chương trình công tác năm 2023, Ban Chỉ đạo tỉnh đề ra những nội dung để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những biểu hiện này; tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh mà dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng chuyên môn của các cơ quan tham mưu cho cấp uỷ lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
* Xin cảm ơn đồng chí!
KIỀU ANH (Thực hiện)