Bài phát biểu tổng kết nội dung các phiên thảo luận của đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Kết quả 6 phiên thảo luận đã phân tích sâu những hạn chế, khó khăn, đồng thời đề xuất những giải pháp từ kinh nghiệm thực tiễn của chính các cơ quan báo Đảng hoặc từ nghiên cứu của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách đối với những vấn đề nóng nhất của hệ thống báo Đảng toàn quốc hiện nay. Chúng tôi xin giới thiệu bản báo cáo tóm tắt nội dung quan trọng, cốt lõi của các phiên thảo luận của đồng chí Lê Quốc Minh.
Kính thưa đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư!
Kính thưa đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương!
Kính thưa các đại biểu khách quý!
Thưa Hội nghị!
Hội nghị Nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc do Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Nhân Dân và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức lần đầu tiên trên cơ sở nhu cầu cấp thiết tìm giải pháp đổi mới nội dung, cải tiến hình thức, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, tìm kiếm các giải pháp công nghệ để tăng sự tương tác với độc giả của các cơ quan báo Đảng.
Để các đơn vị có thể tham dự nhiều phiên thảo luận, Ban Tổ chức đã thiết kế 6 phiên thảo luận với các chủ đề: Đổi mới, sáng tạo trong báo chí xây dựng Đảng; Tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho báo Đảng; Nâng cao chất lượng nội dung để duy trì vị thế của báo Đảng; Chuyển đổi số và công nghệ làm báo hiện đại; Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí; Phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng để tiếp cận công chúng. Diễn giả tham gia các phiên thảo luận là các nhà quản lý báo chí, đại diện các cơ quan hoạch định chính sách, đại diện các ban, bộ, ngành, lãnh đạo cấp uỷ địa phương, các nhà báo giàu kinh nghiệm và các chuyên gia.
Kết quả 6 phiên thảo luận đã phân tích sâu những hạn chế, khó khăn, đồng thời đề xuất những giải pháp từ kinh nghiệm thực tiễn của chính các cơ quan báo Đảng hoặc từ nghiên cứu của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách đối với những vấn đề nóng nhất của hệ thống báo Đảng toàn quốc hiện nay. Vì thời gian có hạn, chúng tôi xin được tóm tắt nội dung quan trọng, cốt lõi của các phiên thảo luận.
Đổi mới, sáng tạo là yêu cầu cấp thiết, cũng là nhu cầu tự thân của mỗi cơ quan báo Đảng. Để thích ứng và phát triển, bên cạnh việc theo kịp sự phát triển của công nghệ truyền thông thì các cơ quan báo Đảng cần phải đổi mới mạnh mẽ về nội dung theo xu hướng làm báo hiện đại. Như sáng nay chúng ta đã nghe kết quả khảo sát, 95% cơ quan báo Đảng địa phương rất quan tâm đến đổi mới sáng tạo. Trên thực tế, đổi mới, sáng tạo tại các cơ quan báo Đảng hiện đang gặp một số khó khăn: Nhân lực thiếu trong khi vẫn phải cắt giảm theo yêu cầu; Trình độ nhân lực không đồng đều, thiếu những cây bút sắc sảo, thiếu cơ chế để giữ chân những người làm báo giỏi; Nguồn lực hạn chế, phụ thuộc vào sự quan tâm, cơ chế, chính sách khác nhau của các địa phương; Đầu tư cho công nghệ chưa tương xứng.
Những hạn chế thường thấy ở các báo Đảng hiện nay là thiếu tính tương tác 2 chiều giữa “ý Đảng và “lòng Dân”. Thông tin trên nhiều báo Đảng khá đơn điệu, khô khan, trong nhiều trường hợp chậm hơn các cơ quan báo chí khác do cách tổ chức toà soạn và yêu cầu chính xác tuyệt đối cũng như tính định hướng. Một số toà soạn báo Đảng thiếu sự sáng tạo, chậm đổi mới nhất là về hình thức truyền tải thông tin. Báo Đảng chưa có cơ chế tự chủ nên có tư tưởng chủ quan, lúng túng trong đổi mới. Chưa có cơ chế đủ mạnh để các báo Đảng thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Báo Đảng luôn phải đáp ứng với yêu cầu đi đầu, thực sự trở thành người bạn đồng hành tin cậy của rộng rãi đối tượng bạn đọc, phải bám sát tôn chỉ, mục đích, tăng cường tính Đảng, tính chiến đấu, đồng thời lan toả, truyền cảm hứng, hướng người đọc đến những giá trị chân, thiện, mỹ. Báo Đảng phải trở thành “trạm cảm biến” xã hội, nhanh nhạy, sâu sát hơn trong nắm bắt thông tin, cung cấp thông tin “chính xác, có căn cứ, có dẫn nguồn” đáp ứng yêu cầu kiểm chứng thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng các báo Đảng cần nhiều giải pháp. Trong đó, có những giải pháp có thể triển khai ngay tại các toà soạn. Đó là, cần quán triệt việc nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và thể hiện chính xác, sinh động trong tuyên truyền. Có phương pháp tổ chức toà soạn linh hoạt, để phóng viên sâu sát hơn trong nắm bắt thực tiễn. Có ưu tiên các tuyến bài có tính chiến đấu, phản ánh sinh động quá trình triển khai đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, vừa truyền đạt được “ý Đảng” và phản ánh được “lòng Dân”. Các báo Đảng cần chủ động tìm kiếm cách thể hiện mới mẻ, tăng hình ảnh, số liệu, dữ liệu, đồ họa, đầu tư nhiều hơn cho các thể loại báo chí thu hút độc giả như phóng sự, phóng sự điều tra. Trong tuyên truyền, cần chủ động đưa thông tin chân thật, đúng bản chất sự việc đến với bạn đọc, định hướng dư luận xã hội, đồng thời góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc. Cần chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại cán bộ, phóng viên, xây dựng đội ngũ những người làm báo Đảng bảo đám tính kế thừa, chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn. Sớm xây dựng kế hoạch và chiến lược tiếp cận đối tượng độc giả trẻ tuổi. Về lâu dài, hệ thống báo Đảng cần được quy hoạch, sắp xếp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, phát triển thành những tổ hợp truyền thông chủ lực, đa phương tiện, hiện đại của Đảng.
Đổi mới, sáng tạo, cụ thể trong báo chí xây dựng Đảng hiện nay, trước tiên cần thực hiện tốt việc đổi mới trong tuyên truyền Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; tuyên truyền hiệu quả ý nghĩa lan tỏa của Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức ngày 24/11/2021. Trong đó, tập trung tuyên truyền mục tiêu chính xây dựng và phát triển văn hoá là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hoá và chính trị, văn hoá và kinh tế; xây dựng văn hoá trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hoá công chức, văn hoá công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên...
Để thực hiện tốt đổi mới, sáng tạo, các cơ quan báo Đảng cần làm sao để đội ngũ những người làm báo nhận thức rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của người làm báo chí cách mạng, luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, có ý thức giữ gìn đạo đức trong sáng, tận tụy với công việc.
Một giải pháp quan trọng để đổi mới, sáng tạo được đề cập nhiều trong các phiên thảo luận là đẩy mạnh thực hiện chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái số của cơ quan báo Đảng, trong đó có việc tận dụng tối đa ưu thế của các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng như những thành tựu của khoa học công nghệ vào hoạt động, trên cơ sở nắm bắt, thu thập, xử lý cơ sở dữ liệu để cá nhân hoá trải nghiệm của độc giả.
Chuyển đổi số báo chí được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên không ít cơ quan báo chí ở Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ phải chuyển đổi thế nào và bắt đầu từ đâu. Các đại biểu đã đề xuất nhiều gợi mở để các báo Đảng địa phương có thể bắt tay vào xây dựng chiến lược, giải pháp chuyển đổi số phù hợp với điều kiện đơn vị mình. Những công nghệ làm báo hiện đại, giải pháp quản trị tòa soạn thông minh đã được các diễn giả giới thiệu. Đó là các công cụ thiết kế đồ họa tương tác hiện đại trong báo chí dữ liệu; hệ thống quản trị nội dung tòa soạn hiện đại; quản trị văn phòng điện tử.
Tuy nhiên, chuyển đổi số báo chí không chỉ là vấn đề về công nghệ mà là chuyển đổi về tư duy, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo, cũng như chuyển đổi về văn hóa trong cả tòa soạn. Đây cũng chính là thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan báo Đảng địa phương. Cùng với yếu tố con người là khó khăn về kinh phí và việc các báo Đảng đang chưa định hình được chiến lược, hướng đi, đích đến trong chuyển đổi số. Và giải pháp đầu tiên, quan trọng đã được đề cập trong phiên thảo luận là việc người đứng đầu, tập thể lãnh đạo tòa soạn phải thay đổi nhận thức, lan tỏa cảm hứng, quyết tâm đến tất cả các thành viên trong đơn vị…
Cùng với chuyển đổi số, nhu cầu phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng để tiếp cận công chúng là thực tế đang thúc ép các toà soạn báo Đảng. Tuy nhiên, việc chủ động tham gia mạng xã hội không chỉ đơn thuần là lập ra một trang fanpage đại diện cho cơ quan để truyền tải các nội dung, mà cần lắng nghe tiếng nói của nhân dân, đề cập những vấn đề mà người dân thực sự quan tâm, có ảnh hưởng sâu sát tới đời sống của họ, đồng thời cần tuyệt đối tránh khuynh hướng “lá cải”, “câu view”, hay “chạy theo” thị hiếu của một bộ phận công chúng… Mặt khác, việc vận hành các tài khoản trên mạng xã hội phải tuân thủ nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo, định hướng của các cơ quan chức năng; phải hết sức chú ý việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Để khai thác thế mạnh của mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị, các cơ quan báo Đảng cần phát triển các kênh thông tin trên nền tảng xã hội, đặc biệt là Facebook, Youtube, Tiktok, Zalo, những nền tảng phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay. Chủ động tương tác chính là bản chất của các nền tảng số, vì vậy cơ quan báo Đảng cần tận dụng được những đặc điểm khác với truyền thống để có tư duy sản xuất sản phẩm phù hợp và tạo ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo, chất lượng cao. Mạng xã hội không thể thay thế báo chí chính thống, nhưng báo chí phải luôn biết thay đổi cách thức tiếp cận độc giả, bởi thông tin đến với bạn đọc và sự đánh giá của bạn đọc đối với tờ báo mới tạo nên vị thế của tờ báo.
Để giải quyết khó khăn về nguồn lực tài chính trong hoạt động, các cơ quan báo Đảng cần các giải pháp để đa dạng nguồn thu. Với thực tế hiện nay và mô hình cụ thể tại một số cơ quan báo chí, có 3 giải pháp, cách làm mới để đa dạng nguồn thu và có thể triển khai sớm tại các tòa soạn báo Đảng. Đó là: Tổ chức sự kiện; Tạo thêm nguồn thu từ nội dung số và Thu phí trực tuyến.
Các tòa soạn báo Đảng hội đủ những lợi thế cần thiết, nhất là vị thế và uy tín tại địa phương để tổ chức sự kiện. Việc tổ chức thành công và hiệu quả các sự kiện bổ sung nguồn thu, đồng thời sự kiện cũng là nguồn thông tin để tòa soạn tổ chức nội dung sâu và hấp dẫn hơn. Để có nội dung số thì việc cần thiết là phải tổ chức tòa soạn chuyển đổi số, sản xuất những nội dung số. Cần đầu tư sản xuất những nội dung riêng, khác biệt, chất lượng cao, không nhất thiết phải chạy đua về số lượng để tránh lãng phí. Chú trọng việc phân loại khách hàng; khai thác các hình thức thu từ việc bán bản quyền cho các trang tin điện tử, mạng xã hội, thu từ quảng cáo trực tiếp và gián tiếp, thu từ sự kiện truyền thông. Khi đó, động lực tăng nguồn đóng góp của công chúng giúp làm tăng sự bền vững của nguồn thu, đồng thời tác động trở lại tăng chất lượng nội dung, hạn chế chạy theo view đơn thuần hay chạy theo số lượng tin, bài. Báo chí thu phí trực tuyến đòi hỏi rất khắt khe ba vấn đề: Nội dung; Phương thức thanh toán và Cổng thanh toán. Độc giả chỉ trả tiền đối với những tác phẩm báo chí đích thực, thông tin chính thống, có giá trị, được đầu tư bài bản, được trình bày hiện đại, bắt mắt. Nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự khác biệt và chất lượng của nội dung.
Khi khảo sát về nguồn thu, chúng ta đã thấy có 91% báo Đảng dựa vào nguồn thu quảng cáo, 78% tòa soạn có thêm nguồn thu từ phát hành. Hy vọng những giải pháp này cùng với các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ đã đáp ứng được nhu cầu tìm ra cách làm mới trong đa dạng hoá nguồn thu của các cơ quan báo Đảng.
Đổi mới, sáng tạo của các cơ quan báo Đảng rất cần sự đồng hành, chia sẻ và ủng hộ của các cơ quan chức năng. Trong đó, nhu cầu quan trọng, cấp thiết, được sự quan tâm của tất cả các cơ quan báo Đảng hiện nay là tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách. Các đại biểu đã phản ánh những khó khăn, bất cập cơ bản và rất chung đối với các cơ quan báo Đảng về cơ chế, chính sách. Đó là, Quy định 338 của Ban Chấp hành Trung ương, ngày 26/11/2010, quy định biên chế của cơ quan báo Đảng từ 30 đến 50 công chức, viên chức tùy thuộc vào số báo phát hành/tuần. Tuy nhiên, biên chế của cơ quan báo Đảng chung trong tổng biên chế của các cơ quan khối Đảng; đồng thời các cơ quan báo Đảng cũng phải thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình chung nên số lượng biên chế ngày càng giảm, trong khi công việc ngày càng nhiều do yêu cầu phát triển tờ báo theo hướng hiện đại, đa phương tiện. Đây là khó khăn rất lớn cho hoạt động của báo Đảng.
Các cơ quan báo Đảng địa phương đều đang phải hợp đồng thêm nhân lực, tuy nhiên, lại không được sử dụng kinh phí ngân sách cấp. Một số đơn vị muốn hợp đồng thêm nhân lực nhưng lúng túng trong phương thức hợp đồng thế nào để vừa không vi phạm quy định của pháp luật vừa bảo đảm cho người lao động hợp đồng ổn định cuộc sống.
Các báo Đảng địa phương kiến nghị Trung ương sớm xem xét, sửa đổi sớm Quy định 338, Nghị định 160 về các cơ chế liên quan cho báo Đảng. Cần có sự thống nhất về cơ chế quản lý tài chính, cũng như mô hình tổ chức bộ máy thống nhất cho cơ quan báo Đảng. Nhiều đại biểu cho rằng nên xác định khung biên chế chung cho cơ quan báo Đảng theo quy mô tờ báo; đồng thời không thực hiện tinh giản biên chế đối với báo Đảng như đang thực hiện với ngành giáo dục, y tế. Cần có ưu tiên về cơ chế, chính sách đối với các cơ quan báo chí của Đảng ở các tỉnh miền núi, biên giới. Cấp ủy, chính quyền các địa phương miền núi, biên giới cũng cần có sự quan tâm, ưu tiên hơn về vấn đề nhân lực cho các cơ quan báo chí. Ngoài ra, cần quan tâm chính sách luân chuyển cán bộ đối với cơ quan báo Đảng để tạo điều kiện cho cán bộ báo chí có thêm kinh nghiệm quản lý tạo nguồn cho các chức danh lãnh đạo báo chí. Trung ương cũng cần xem xét, có hướng dẫn chung về hợp đồng lao động trong cơ quan báo chí để các địa phương vận dụng thống nhất.
Các giải pháp về cơ chế, chính sách được đề xuất là xây dựng và củng cố nhận thức mới về vai trò của Nhà nước trong việc chủ động truyền thông chính sách, và thực hiện một phần việc này thông qua báo Đảng. Nhà nước phải là “khách hàng lớn” của cơ quan báo chí, giao thêm nhiệm vụ (cùng nguồn lực, kinh phí) và đặt hàng, qua đó giúp cho hệ thống báo Đảng địa phương có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ. Có cơ chế thông tin thông suốt trong hệ thống báo Đảng từ Trung ương tới địa phương để hình thành hệ thống báo chí dữ liệu; có sự phân vai trong thông tin tuyên truyền, tránh để tất cả các báo Đảng cùng chung một “phong cách làm nội dung” từ văn phong cho đến đề tài. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư về định mức kinh tế, kỹ thuật tối đa cho báo in, báo điện tử; đồng thời đang tiến hành sửa Nghị định 18 về nhuận bút theo hướng bỏ các mức quy định quá cụ thể về nhuận bút cho các thể loại tác phẩm báo chí, sẽ chỉ còn 1 cách tính là theo định mức kinh tế kỹ thuật. Bộ cũng sắp đưa ra một kế hoạch hỗ trợ các báo điện tử giảm đáng kể chi phí thuê chỗ đặt máy chủ, mở rộng băng thông, bảo vệ an ninh an toàn thông tin.
Đề nghị bộ, ngành, địa phương khẩn trương phê duyệt đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, xác định rõ lộ trình tự chủ phù hợp với lộ trình tính đủ giá dịch vụ và yêu cầu về tự chủ phù hợp với lộ trình tính đủ giá dịch vụ và yêu cầu về tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Từ nay đến cuối năm, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức Hội nghị sửa đổi cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, sửa Nghị quyết 116 và Nghị định 160 về phân loại tự chủ tài chính và dự kiến sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 160.
Kính thưa Hội nghị!
Lần đầu tiên hội nghị các báo Đảng được tổ chức thảo luận những chủ đề đúng và trúng đối với báo Đảng hiện nay. Việc nhìn ra được những vấn đề này và tìm các giải pháp khắc phục sẽ góp phần giúp các cơ quan báo Đảng nâng cao chất lượng, giữ vững vị thế, vai trò của mình trong hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn Hội nghị!
(Theo NDO)