Hành trình nào cũng cần nỗ lực, bền bỉ
Đó là khẳng định của Nguyễn Văn Sanh (24 tuổi, ở thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) và Trần Tân Tỵ (20 tuổi, ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn), sinh viên lớp Cao đẳng K14 Cơ điện tử, khoa Điện, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn. Hai bạn nằm trong số 100 học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc và các đại sứ kỹ năng nghề toàn quốc năm 2022.
Chủ động chọn học nghề
Khác nhau về độ tuổi, hoàn cảnh gia đình nhưng cả hai chàng trai xứ Nẫu đều có chung lý do chọn giáo dục nghề nghiệp để “mở lối” vào đời.
● Tại sao lại là học nghề khi “cánh cửa” đại học những năm gần đây rộng mở hơn bao giờ hết?
- Sinh viên (SV) Tỵ: Kết thúc bậc THPT với học lực khá, em vẫn quyết định chọn học nghề vì nhiều lý do. Hơn hết là vì thời gian học ngắn giúp em tiết kiệm thời gian và tiền bạc; học nghề thì được thực hành nhiều, tiếp xúc gần với công việc mà mình sẽ làm trong tương lai. Phần nữa là vì gần nhà. Hoàn cảnh gia đình em có phần khó khăn, ba mẹ đều đã lớn tuổi, nên dù từng ao ước được đi xa như các bạn để trải nghiệm được nhiều hơn, em chọn một ngôi trường ngay trong thành phố để tiện phụ giúp gia đình.
- SV Sanh: Sau khi tốt nghiệp THPT, em tham gia nghĩa vụ quân sự, làm tròn trách nhiệm với Tổ quốc rồi mới quay về đi học tiếp để khỏi quên kiến thức. Vừa ra quân, ở tuổi 22, em đăng ký học nghề theo sự giới thiệu, hướng dẫn của các bạn đã đi trước. Giống như Tỵ nói, với học nghề, chúng em sẽ có nhiều thời gian thực hành, tiếp xúc và làm trực tiếp tại xưởng thực hành của trường dưới sự hướng dẫn của thầy cô, khi ra trường sẽ tiếp cận công việc nhanh hơn.
SV Tỵ (trái) và SV Sanh trong giờ học thực hành. Ảnh: N.M
● Gia đình nói gì trước quyết định này của các bạn?
- SV Tỵ: Ba mẹ em muốn con học nghề mình thích, chọn nghề phù hợp với năng lực nên rất ủng hộ sự lựa chọn này của em.
- SV Sanh: Quan điểm của ba mẹ em là con trai thì phải có công việc ổn định, học nghề có bằng cấp thì tương lai sẽ có nhiều điều kiện để phát triển hơn. Em cũng nhận được sự động viên của ba mẹ trước quyết định này.
Nỗ lực mỗi chặng đường
Chủ động, có trách nhiệm với lựa chọn của bản thân, cả Tỵ và Sanh đều xác định nỗ lực, chăm chỉ với từng chặng đường, từng cơ hội.
● Theo các bạn, đâu là lý do mình trở thành một trong những sinh viên tiêu biểu của trường, được tuyên dương ở cấp toàn quốc năm 2022?
- SV Sanh: Em nghĩ trước hết là sự nỗ lực nghiêm túc, phấn đấu trong học tập lẫn các hoạt động phong trào thi đua của trường. Cả em và Tỵ đều là sinh viên xuất sắc, tham gia nhiều hoạt động phong trào như: Cuộc thi Robocon cấp Liên Chi đoàn “Đường đua electric”, các hoạt động sáng tạo, chế tạo thiết bị, hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ, tình nguyện… Từ đó, chúng em được nhận các giải thưởng, bằng khen cấp trường và cấp tỉnh, làm dày hồ sơ thành tích của mình.
- SV Tỵ: Điểm chung của em và anh Sanh là từng bước cố gắng xây dựng cho mình nền tảng kiến thức, kỹ năng. Từ đó, chúng em có nhiều cơ hội để trải nghiệm trong rất nhiều hoạt động, chương trình do nhà trường và các đơn vị tổ chức. Với mỗi hoạt động, chúng em luôn giữ thái độ học hỏi tích cực, nỗ lực hoàn thành bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Ngoài ra, sự hướng dẫn, ủng hộ, tạo điều kiện của các thầy cô cũng là động lực to lớn để chúng em đạt kết quả tốt nhất.
● Các bạn có thể chia sẻ về một số trải nghiệm đặc biệt trong quá trình học tập đã đem đến những bài học kinh nghiệm quý giá?
- SV Tỵ: Năm 2021, em là thành viên của nhóm sáng tạo mô hình “Giám sát trang trại”. Mô hình có ý nghĩa giúp người nông dân tiết kiệm thời gian trong giám sát, chăm sóc cây trồng bằng cách ứng dụng các kỹ thuật, thiết bị mà chúng em đã được học. Sự hướng dẫn của các thầy cô và những ngày cùng nhau mày mò, xây dựng mô hình đã mang lại cho em nhiều kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm quý giá. Mô hình đã đạt giải nhì Hội thi “Sinh viên Bình Định - Sáng tạo, khởi nghiệp” năm 2021.
Ngoài ra, em và anh Sanh còn được đồng hành cùng các thầy sáng tạo thiết bị dạy học tự làm “Mô hình điều khiển, giám sát qua mạng internet”. Với mô hình này, chúng em được học hỏi thêm về kỹ năng đấu tủ, lập trình để tối ưu hiệu quả và nhiều kiến thức liên quan đến lĩnh vực này.
- SV Sanh: Đầu năm 2021, khi Bình Định bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, em và Tỵ còn được tham gia cùng với các thầy, cô trong khoa Điện chế tạo, lắp đặt “Máy rửa tay sát khuẩn tự động”. Máy được lắp tại trường và nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh góp phần tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Từ thiết bị này, em càng nhận ra sự thiết thực, vận dụng linh hoạt của kiến thức, kỹ năng nền tảng mà mình được trang bị trong quá trình học tập. Điều này tạo động lực để trong tương lai, chúng em cũng mày mò vận dụng, sáng chế được những thiết bị hữu ích, có ý nghĩa đối với cuộc sống như thế.
● Khoảnh khắc được gọi tên trên sân khấu của buổi tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu, xuất sắc do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, các bạn nghĩ gì?
- SV Sanh: Em cảm thấy rất tự hào và may mắn! Em bắt đầu học nghề với mong ước mình sẽ vững tay nghề để lập nghiệp sau khi ra trường. Nhưng hành trình này lại đưa em đến với niềm vinh dự đầy bất ngờ. Ngay giờ phút đó, em cảm thấy rất vui và biết ơn các thầy cô, những người đã đồng hành, kiên nhẫn hỗ trợ, khích lệ để em có thể đứng trên sân khấu đặc biệt đó.
- SV Tỵ: Em cũng giống hệt anh Sanh. Khi bước lên sân khấu, được trao bằng khen và cúp tuyên dương, tim em đập rất mạnh. Hành trình với nghề thì còn rất dài nhưng với mỗi chặng đường, mỗi thành tích đạt được, em đều trân trọng. Trên sân khấu đó, còn có rất nhiều bạn đến từ khắp mọi miền đất nước, họ rất giỏi. Được tiếp xúc, giao lưu với các bạn, em và anh Sanh đều thấy mình phải cố gắng, phấn đấu hơn nữa.
Sanh (trái) và Tỵ tại lễ biểu dương sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc và các đại sứ kỹ năng nghề toàn quốc năm 2022. Ảnh: NVCC
Dậm chân tại chỗ là tụt lại phía sau
Ở năm cuối của bậc cao đẳng, cả Tỵ và Sanh đang trong kỳ thực tập tại DN. Cả hai bạn đều nỗ lực với vị trí được phân công để đúc kết những kỹ năng quý giá từ môi trường làm việc thực tế.
● Hai bạn có thể chia sẻ một chút về vị trí thực tập hiện tại?
- SV Tỵ: Em hiện thực tập tại DN trong lĩnh vực tự động hóa tại TP Quy Nhơn. Ở đó, em được tham gia vào công việc lập trình PLC, HMI, tư vấn thiết kế, thi công, bảo trì bảo dưỡng các công trình mà công ty đảm nhận.
- SV Sanh: Còn em thực tập tại DN trong lĩnh vực chăn nuôi ở huyện Phù Cát. Công việc cụ thể của em là vận hành, bảo trì, bảo dưỡng các máy móc hiện đại của một trại chăn nuôi sản xuất quy mô hàng trăm nghìn vật nuôi.
● Những dự định của các bạn sau kỳ thực tập và xa hơn?
- SV Sanh: Em sẽ tiếp tục hoàn thành chương trình học. Sau tốt nghiệp, việc đầu tiên là tìm kiếm việc làm phù hợp với nghề, kỹ năng của mình để rèn giũa bản thân trong môi trường thực tế nhiều hơn nữa. Lĩnh vực học của em là cơ điện tử, liên quan đến kỹ thuật, máy móc hiện đại. Với sự phát triển nhanh chóng của KHKT, em sẽ luôn nhắc nhở mình tiếp tục cập nhật, học hỏi để không dậm chân tại chỗ.
- SV Tỵ: Ước mơ của em là trở thành một kỹ thuật viên chuyên sâu về mảng tự động hóa nên em đang phấn đấu, rèn luyện các kỹ năng, tiếp tục vun đắp nền tảng của bản thân thật vững chắc để tiếp tục phát triển hơn nữa.
● Cảm ơn hai bạn. Chúc cho hành trình phía trước của các bạn thật nhiều điều như ý!
“Cả Sanh và Tỵ đều là những sinh viên tiêu biểu của lớp ở tất cả các mặt. Các em là sinh viên xuất sắc, sinh viên 5 tốt cấp trường, cấp tỉnh… trong hai năm học liên tiếp. Sanh là đảng viên, được kết nạp từ khi còn trong quân ngũ và hiện là lớp trưởng gương mẫu. Tỵ là Phó Bí thư Chi đoàn năng nổ, nhiệt tình. Tập thể lớp Cao đẳng K14 Cơ điện tử rất vinh dự khi năm nay, cả hai gương mặt sinh viên giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu đều là thành viên của lớp”.
Thầy LÊ QUANG HƯNG, Giáo viên chủ nhiệm lớp Cao đẳng K14 Cơ điện tử
NGUYỄN MUỘI