Giữa hai nhánh sông Côn
● Tạp bút của TRẦN DUY ĐỨC
Từng đợt mưa lớn kéo dài cả tuần lễ, nước trên nguồn đổ xuống tràn đồng tràn nhà, lụt lút cả làng kèm theo gió to, bão dữ, rồi đến những ngày mưa dầm tối trời không ngưng ngớt. Mùa mưa về bàng bạc khắp nẻo quê tôi.
***
Quê tôi nằm lọt thỏm giữa hai nhánh Nam và Bắc của sông Côn, chợ quê nhóm xa nhà, đến 5 ngày mới có một phiên và phải qua sông, khi lũ lụt lớn thì đò không chống được, làng tôi như ốc đảo, bốn bề sông nước, nên gần đến mùa mưa bão nhà nào cũng lo dự trữ gạo, nước mắm, cá khô… đề phòng mưa lũ kéo dài không đi chợ được, chuẩn bị cả than củi khô chất quanh ông táo. Bếp nhà tôi nhện giăng, khói bám lọ lem rộng chừng hơn mười mét vuông nhưng màu này thành nơi sinh hoạt ấm áp nhất của gia đình.
Tranh của họa sĩ VŨ TRỌNG ANH
Vườn nhà tôi trồng đủ các loại rau xanh, bà nội khéo tay ủ tương chao và làm các loại mắm chứa sẵn trong ú, trong thạp sành như mắm đu đủ, dưa gang, mít trộn chung nên có ăn quanh năm, mùa mưa bão càng chủ động thức ăn trong nhà thay cho cá thịt.
Cứ mỗi đợt mưa bão là kèm theo lũ lớn, làng quê xơ xác, nước lụt rút đến nửa cổ chân mẹ tôi đã xắn quần lội ra vườn dội, tạt nước cho khoảnh rau sau nhà rửa trôi bớt bún đất, rồi mờ sáng xách nước giếng tưới cho các loại rau, nước giếng sạch và ấm nên rau nhanh chóng hồi phục. Nhờ vậy mà nhiều loại rau vẫn trụ được trong mùa mưa bão, trong đó rau lang, rau muống là loài chịu đựng với nước lũ khỏe nhất, những chồi rau non nhú ra chừng mươi bữa là xanh bời bời, có thể thu hái sử dụng được.
Lúa mới tháng Tám (nay gọi là vụ 3) vừa thu hoạch chạy lũ, tranh thủ hong phơi từ trong nhà ra ngoài hè, ngoài sân, từng chiếc nong nia và cả chiếu nằm đều tận dụng trải lúa, trăn trở đến khi lúa khô cho vào bồ, vào lẫm và xay giã thành gạo lúa mới để dành ăn vào mùa mưa bão. Đợt mưa bão lũ này vừa qua, trời hảnh ráo được vài hôm thì lại tiếp tục có đợt mưa bão lũ tiếp theo, cứ thế suốt mùa có đến trên dưới chục đợt mưa bão, trời đất như gần nhau hơn, mây vần vũ âm u xám xịt, ít khi thấy được mặt trời.
Mùa mưa bão, mẹ tôi là người vất vả nhất trong nhà, chiếc nón cời và áo mưa chằm bằng lá cọ ít khi rời khỏi mẹ, hết ra giếng xách nước sâu vài chục mét lẫm giẫm qua cái sân nhỏ đổ vào giò kê ngay cửa bếp, rồi ra vườn hái rau, lọ mọ quanh chân đống rơm nhặt từng cái nấm rạ, ôm củi dựng vào gần bếp cho khô để nấu nướng ba bữa ăn cho cả nhà và lo cho heo, gà ăn để bớt la inh tai…Từ sáng đến chiều tối mẹ loay hoay lo công việc từ trong nhà ra ngoài vườn, ít khi có thời gian nghỉ ngơi. Lúc nào có thể gọi là rảnh, thì mẹ tranh thủ mang áo mưa xách đụt ra đồng xúc cua, mùa mưa con cua đồng từ cua kềnh đến cua mén đều no mập nhiều gạch nên ăn rất béo, nướng trên lửa than hoặc kho riêm với dầu phộng, hành tiêu ớt tỏi, làm kiểu gì ăn cũng ngon. Món ăn khoái khẩu nhất là rau lang đọt non luộc vừa chín chấm với mắm cua chua kho với lá gừng và măng vòi, ăn cơm gạo lúa mới vào những ngày mưa gió dầm dề thì không thể chê vào đâu.
Đầu hè nhà tôi có gốc khế già ra trái quanh năm, ăn không ngọt và cũng không chua lắm, thường là xắt mỏng kèm với rau ăn bánh xèo. Vào mùa mưa bão thức ăn khan hiếm, những trái khế vừa hườm cũng góp thêm món vào đĩa rau sống đủ loại từ cây nhà lá vườn. Ngoài trời thì mưa cứ tầm tã, lúc ào ào, lúc rả rích, gió thổi từng cơn qua những khe cửa, nhưng trong gian bếp luôn được sưởi ấm.
Mùa mưa mà được ăn cơm gạo lúa mới nấu nồi đồng thì không gì sướng bằng. Cơm chín thơm lừng, mẹ bê nồi ra để trên cái rế, kéo lại gần phía mình thuận tay, mẹ tôi xới cho từng người trong nhà liền tay mà vẫn để mắt giữ lửa cho nồi cám heo. Chén đũa bát đĩa dọn sẵn trên cái mâm gỗ đặt giữa nhà bếp, từ ông bà nội đến cha mẹ và anh em tôi ai cũng ngồi trên mỗi chiếc đòn gỗ hoặc ống tre chẻ đôi. Nắp vung nồi cơm vừa giở ra, mùi thơm của gạo lúa mới tỏa ra xông vào mũi thơm lựng, bụng ai cũng cồn cào, từng chén cơm nóng hổi được mẹ xới bằng đôi đũa bếp. Cái trã đất kho mắm cua chua với ít con cá rô đồng và lá gừng xắt ria, cùng ít măng vòi thái nhỏ được múc ra cái tộ (bát) lớn để giữa mâm, gạch cua béo ngậy nổi lên màn mỡ. Bát canh rau tập tàng nấu với nấm rạ và tương dành cho bà nội ăn chay để một bên mâm gần chỗ bà nội ngồi. Đĩa rau lang luộc và đĩa rau sống đủ loại nào là rau húng, tía tô, rau răm, rau càng cua, đu đủ hườm bào nhỏ từng cộng với ít lát khế đặt bên tộ mắm cua chua, xung quanh là vài đĩa nhỏ nước mắm, mắm đu đủ trộn với mắm mít, dưa gang và hai tộ nhỏ đựng tương, một dành cho nội ăn chay, một cho cả nhà ăn. Ông nội còn có thói quen, bữa cơm nào có thức ăn tươi tươi thì xách hũ rượu ngâm thuốc nhâm nhi vài ly mắt trâu khề khà, mâm cơm gia đình càng vui.
Mẹ ngồi bên nồi cơm để xới cơm cho từng người và tiếp tục thêm củi vào bếp để giữ lửa cho cả ngày, củi gốc tre trong bếp thi thoảng lại nổ lụp bụp. Cả nhà vừa ăn ngon vừa râm ran trò chuyện việc đồng áng, việc lợn gà, quên cái lạnh mưa bão, ngoài trời vẫn từng cơn gió thổi vào nhà và mưa cứ rả rích không ngớt, mái ấm gia đình nhỏ ở nông thôn vào mùa mưa bão càng ấm áp.
Tuổi thơ của tôi trôi qua đã hơn bảy thập niên, ông bà nội và cha mẹ tôi cũng đã về với tổ tiên lâu rồi. Làng quê ốc đảo xưa của tôi cũng đã lùi vào quá vãng lâu lắc lâu lơ, thay vào đó giờ là những cây cầu vĩnh cửu bắc qua sông, không còn phải lụy đò, đường làng ngõ xóm được mở rộng trải bê tông thẳng tắp. Và tôi, tôi cũng ly hương về phố định cư cũng đã nhiều chục năm nay, nhưng trong sâu thẳm ký ức của tôi vẫn chưa bao giờ quên những bữa cơm rau, mắm muối, đạm bạc mỗi khi mùa mưa bão về. Hổm rày nhìn trời mây mù xám ui ui lòng không dưng lại trôi vùn vụt về ấu thơ ấm áp. Dường như càng có tuổi người ta lại trôi về ấu thơ nhiều hơn và càng ngày càng nhanh thêm.