Ðảm bảo an sinh, tạo cơ hội phát triển cho phụ nữ và trẻ em gái
Hôm nay (14.11), tại huyện Tây Sơn, UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 với chủ đề “Ðảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LÐ-TB&XH, xung quanh sự kiện này.
● Xin ông cho biết, Bình Định sẽ hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 với những hoạt động cụ thể nào?
- Nhân Tháng hành động năm nay, Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Bên cạnh Lễ phát động Tháng hành động năm 2022 của tỉnh ngày 14.11, từ ngày 10 - 15.11, các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể và địa phương tổ chức lễ phát động hoặc hoạt động hưởng ứng Tháng hành động bằng các hình thức phù hợp như: Mít tinh, biểu diễn nghệ thuật, diễu hành tại các trục đường chính, nơi công cộng, khu vực trung tâm đông dân cư…
Tặng học bổng tiếp sức đến trường cho nữ học sinh khó khăn ở huyện Phù Cát. Ảnh: N.T
Các hoạt động chính của Tháng hành động năm nay gồm: Tuyên truyền, huy động nguồn lực chăm sóc cho phụ nữ và trẻ em gái; kiểm tra, xử lý các vi phạm (nếu có). Phải tính toán, xem xét kỹ lưỡng để các hoạt động diễn ra thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng, thời điểm, tình hình thực tế, thu hút, tạo được ấn tượng và khắc sâu trong người nghe, người tham gia.
Cụ thể, với công tác tuyên truyền, ngoài một số loại hình tuyên truyền lâu nay trên hệ thống đài phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở ở các xã, phường, thị trấn, Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị phát huy sức mạnh của “cộng đồng mạng”, thực hiện và đăng tin, bài, hình ảnh, video trên trang thông tin điện tử, báo điện tử, facebook, zalo, tiktok...
Với hình thức truyền thông trực tiếp như diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn, các cuộc thi (thi tìm hiểu pháp luật, sáng tác, sân khấu hóa, hội diễn tuyên truyền viên giỏi), nội dung cần đổi mới, bám sát tâm tư, nguyện vọng hiện tại của người dân; cách thể hiện, truyền đạt gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ khắc sâu.
Công tác vận động nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cần được chú trọng với những cách làm linh hoạt, tạo được niềm tin với nhà hảo tâm để thu hút đông đảo sự chung tay, góp sức trong cộng đồng. Các địa phương quan tâm biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới.
● Tháng hành động được UBND tỉnh tổ chức hằng năm nhằm tạo điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của xã hội. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả đạt được từ Tháng hành động đối với công tác bình đẳng giới của tỉnh?
- Mục đích tổ chức Tháng hành động là nhằm tạo điểm nhấn, hình thành “chiến dịch” truyền thông, thực tế cho thấy Tháng hành động qua nhiều năm đạt kết quả như mong đợi.
Tháng hành động hằng năm luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; sự phối kết hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh; có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh cho công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh.
Trong tuần qua, đoàn kiểm tra của Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) đã làm việc tại tỉnh, đánh giá cao những thành tích đạt được trong công tác bình đẳng giới. Đặc biệt, trong công tác truyền thông, các sở, ngành, hội, đoàn thể như Sở VH&TT, Sở Y tế, Sở GD&ĐT, Sở Tư pháp, Ban Dân tộc, Hội LHPN, Hội Nông dân, LĐLĐ tỉnh, CA tỉnh… đã triển khai thực hiện đồng bộ, thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng.
Việc nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới cũng đã thực hiện tốt. Các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới đều được các sở, ngành, hội, đoàn thể và các địa phương tích cực triển khai, thực hiện đạt hiệu quả, đúng tiến độ theo kế hoạch của UBND tỉnh.
● Liên quan đến Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, Bình Định cần khắc phục vấn đề gì để đạt mục tiêu đã đề ra, thưa ông?
- Yêu cầu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị của tỉnh tuy đã được quan tâm, nhưng tỷ lệ nữ trong diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp chưa đạt mục tiêu đề ra, còn thấp hơn so với mức trung bình của cả nước. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh.
Một trăn trở khác là việc phát hiện, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời; chưa tổng hợp thống kê được số liệu về tình hình bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn toàn tỉnh. Thời gian tới, cần thêm các hoạt động tăng cường sự chia sẻ, thấu hiểu của nam giới với phụ nữ trong gia đình; hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tạo cơ hội để phụ nữ, trẻ em phát triển bản thân, khẳng định giá trị, mạnh dạn lên tiếng tố cáo những hành vi lạm dục, bạo lực, bạo hành bản thân mình và những người quen biết, xung quanh...
● Xin cảm ơn ông!
NGỌC TÚ (Thực hiện)