Mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững - Kỳ 1: Cuộc chiến vì chính nghĩa
LTS: Cách đây hơn 40 năm, thực hiện quyền tự vệ chính đáng của dân tộc và bảo vệ chính nghĩa, quân và dân Việt Nam đã đứng lên trừng trị bàn tay tội ác của tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary. Nhân dịp Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022, Báo Bình Định trân trọng giới thiệu đến bạn đọc chuyên đề “Mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”, phần nào mang đến những hình dung về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Campuchia trong và sau cuộc chiến ấy.
Kỳ 1: Cuộc chiến vì chính nghĩa
Đối với Việt Nam, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam là cuộc chiến tự vệ, cuộc chiến vì chính nghĩa, là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.
Kẻ thù buộc ta ôm cây súng...
Thảm họa diệt chủng ở Campuchia xuất hiện sau năm 1975 là hiện tượng chưa từng có trong khu vực Đông Nam Á thời hiện đại. Cả đất nước Campuchia giai đoạn 17.4.1975- 7.1.1979 chìm trong loạn lạc đẫm máu, khi chính quyền do Pol Pot - Ieng Sary cầm đầu. Chúng xóa bỏ tận gốc mọi cơ sở xã hội khi xây dựng “nhà nước mới” không chợ, không tiền, không trường học, không đô thị, không trí thức, không tôn giáo - một xã hội nông nghiệp không tưởng với mô hình nhà nước kỳ dị cưỡng bức nhân dân từ đô thị về nông thôn. Chúng đẩy dân tộc Campuchia vào thảm họa diệt chủng tàn khốc; mở nhiều đợt thanh trừng tàn bạo những thành phần chống đối, kể cả trong quân đội; gây xáo trộn và mâu thuẫn nội bộ gay gắt. Hàng chục vạn người Campuchia, trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên phải tìm cách chạy trốn sang Việt Nam.
Đài Hữu nghị Việt Nam - Campuchia được xây dựng trên Vương quốc Campuchia để kỷ niệm sự kiện Bộ đội tình nguyện Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia chiến đấu giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Ảnh: VOV
Không chỉ mất nhân tính khi thực hiện diệt chủng chính đồng bào, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary còn xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, gây ra nhiều tội ác diệt chủng. Chúng khiêu khích và nhiều lần gây xung đột quân sự trên các vùng biên giới Việt Nam, tiến tới việc phát động cuộc chiến tranh đẫm máu sang toàn tuyến biên giới Tây Nam.
Ngày 23.12.1978, chúng huy động 10/19 sư đoàn đang bố trí dọc biên giới mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Để bảo vệ chủ quyền đất nước, ngày 23.12.1978, quân tình nguyện Việt Nam mở cuộc tổng phản công - tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam.
Sau khi thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia và nhân dân Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã cùng các lực lượng cách mạng Campuchia xóa bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary vào ngày 7.1.1979. Suốt hơn 10 năm liền sau đó, chúng ta đã kề vai sát cánh với quân và dân Campuchia đánh bại mưu toan phục hồi chế độ diệt chủng, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, thực hiện công cuộc hồi sinh đất nước “Chùa Tháp”.
Tháng 6.1988, với sự thỏa thuận giữa hai nước, Việt Nam đã rút toàn bộ chuyên gia dân sự; đến ngày 26.9.1989, toàn bộ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã trở về Tổ quốc trong vinh quang chói lọi, trong sự lưu luyến tiễn đưa của nhân dân Campuchia.
Khắc sâu những năm tháng bi hùng
Hơn 40 năm sau ngày giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, ký ức về cuộc chiến đặc biệt ấy vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những CCB luôn tự nhận là “may mắn” sống sót trở về.
Thiếu tướng Trần Công Thức (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5) tham gia chiến trường Campuchia từ tháng 10.1978, giữ chức Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 93 (Sư đoàn 2, Quân khu 5). Theo hồi ức của thiếu tướng Thức, Trung đoàn 93 được thành lập tại Bình Định vào ngày 25.3.1975. Chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, tháng 6.1978, Trung đoàn 93 được bổ sung vào đội hình Sư đoàn 2 làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia.
Ngay sau khi nhận lệnh, Trung đoàn 93 đã thần tốc vào Tây Ninh. Chỉ trong 10 ngày, Trung đoàn đã tiêu diệt toàn bộ Sư đoàn 703, Sư đoàn 660 của Pol Pot, làm chủ trên phạm vi toàn tỉnh. Tiếp đó là các trận đánh vô cùng ác liệt nhưng kiên cường tại sông Đáp Cầu, chùa Bạch Bột, tuyến đường 13, 14 và đường 10… Đặc biệt, Trung đoàn đã cùng với Quân đoàn 4 thọc sâu, bao vây chia cắt và giải phóng thủ đô Phnôm Pênh của nước bạn vào ngày 7.1.1979.
“Cái chết dĩ nhiên đáng sợ, nhưng nếu ai cũng sợ chết thì ai ra trận. Chúng tôi tự hỏi điều đó và cuối cùng luôn động viên nhau phải đánh với tinh thần không có ngày mai”, thiếu tướng Thức xúc động kể.
Dù ngày 7.1.1979 là mốc lịch sử giải phóng thủ đô Phnom Penh, xóa nạn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary ở Campuchia, thế nhưng tàn quân Pol Pot vẫn dạt đến các căn cứ dọc biên giới Thái Lan - Campuchia chốt giữ hòng xây dựng lực lượng. Vì vậy, nhiệm vụ của Quân tình nguyện Việt Nam là phải truy quét, tiêu diệt cho sạch bọn Pol Pot. Đây chính là thời gian ác liệt nhất và nhiều quân tình nguyện Việt Nam đã đổ xương máu trên chiến trường này.
Các CCB (từ phải qua trái): Lê Thanh Nồng, Trần Đức Thắng, Dương Đình Quý và Lê Trung Kiên bồi hồi xem lại các kỷ vật thời tham gia hoạt động ở Campuchia, nhất là Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất do Nhà nước Campuchia trao tặng. Ảnh: HỒNG PHÚC
Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lê Thanh Nồng nhập ngũ tháng 5.1978, 3 tháng sau tham gia cùng Trung đoàn 95 (thuộc Quân khu 5) hoạt động ở khu vực biên giới Cửa khẩu Lệ Thanh. Tháng 12.1979, ông Nồng được cho về để đi học sĩ quan lục quân. Đến tháng 2.1985, ông cùng Tiểu đoàn 50B tiếp tục sang Campuchia để tham gia chiến dịch giải phóng Ngã 3 Biên (biên giới 3 nước Lào, Campuchia và Thái Lan).
Theo đại tá Nồng, cuộc chiến thật sự cam go, chứ không thể đánh nhanh thắng gọn như ông nghĩ. Hai bên giằng co kéo dài mấy năm trời, hao binh tổn sức. Tháng 1.1979, Trung đoàn 95 hành quân trên quốc lộ 13 hướng về tỉnh Preah Vihear để đánh địch. Khi đến một đoạn đường cong, hai bên là núi, đồng chí Ma Thanh Toàn (Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95, Sư đoàn 307) nhận định có thể địch sẽ mai phục ở vị trí này. Sau đó, chia Trung đoàn làm 2 hướng, Tiểu đoàn 2 cắt rừng đi, Tiểu đoàn 1 đi đường chính.
“Tiểu đoàn 1 vừa di chuyển lên phía trước thì bị địch phục kích bằng khẩu ĐKZ đặt giữa đường. Quân ta tử thương rất nhiều. Mặc dù đói rét, nhưng tôi cùng các đồng đội vẫn đi bộ băng rừng nguyên đêm để vận chuyển tử sĩ và thương binh về lại đơn vị”, ông Nồng kể.
“Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết”, tình đồng đội thiêng liêng, sâu nặng như cật ruột. Đại tá Nguyễn Trúc Phương (nguyên cán bộ tình báo Bộ Tư lệnh Mặt trận 579, Quân khu 5) có 10 năm “nằm gai nếm mật” tại chiến trường Campuchia (1977 - 1987). Ông nhớ mãi trận đánh ở cao điểm 547 vào cuối năm 1979 tại tỉnh Preah Vihear: “Trận đó, ta đánh đợt đầu chưa ngã ngũ. Địch trong căn cứ quân sự vững chắc, ngoan cố chống trả. Cả một đại đội gồm 80 đồng chí của ta bám trụ vòng ngoài, chờ cơ hội tấn công, nhưng đã hy sinh vì không có nước uống”.
Sau quá trình tố tụng kéo dài 15 năm, ngày 22.9.2022, Tòa án đặc biệt xét xử tội ác chế độ Pol Pot tại Campuchia (ECCC) đã khép lại bằng bản án tù chung thân đối với Khieu Samphan, một trong những lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ Campuchia Dân chủ, vì phạm tội ác chiến tranh và chống lại loài người. Với phán quyết cuối cùng của ECCC, kẻ phạm tội ác chống lại loài người đã phải nhận bản án nghiêm khắc. Lịch sử cũng đã có lời phán xét rõ ràng về giai đoạn bi thương với đất nước “Chùa Tháp”, qua đó khẳng định sự thật: Việt Nam đã cứu dân tộc Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng.
HỒNG PHÚC - DƯƠNG LINH
● Kỳ 2: Trọn nghĩa, vẹn tình