Nghề cá tăng trưởng bền vững, đời sống ngư dân tốt hơn
Ngày 19.9.2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1090/QĐ-TTg về Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030. Chương trình đặt mục tiêu tái cơ cấu ngành khai thác thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo phát triển bền vững, có trách nhiệm. Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc về việc triển khai những nội dung này.
● Thưa ông, Chương trình quốc gia về phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2025, định hướng năm 2030 của Chính phủ có những điểm nổi bật nào?
Chương trình đặt ra rất nhiều vấn đề, nhiệm vụ trọng tâm liên quan tới hoạt động khai thác thủy sản (KTTS), có thể gom thành 3 nhóm vấn đề chính. Thứ nhất, việc cắt giảm hạn ngạch giấy phép KTTS phù hợp với việc tái cơ cấu đội tàu khai thác xa bờ. Theo đó, Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm 10% hạn ngạch giấy phép KTTS vùng khơi so với năm 2020; xác định sản lượng cho phép khai thác theo loài đối với nghề khai thác cá ngừ đại dương. 100% tỉnh, thành phố ven biển xác định hạn ngạch tàu cá khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi quản lý; 100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và được cung cấp bản tin dự báo ngư trường phục vụ KTTS hiệu quả.
Thứ hai, các địa phương xây dựng được những mô hình, dự án thí điểm về chợ đầu mối, chợ đấu giá hải sản; liên kết chuỗi khai thác - thu mua - bảo quản- tiêu thụ hải sản; mô hình gắn khai thác với dịch vụ nghề cá và du lịch tại các làng chài ven biển, cảng cá. Thứ ba là chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá “3 không”, thực thi hiệu quả Luật Thủy sản 2017 và ngăn chặn vi phạm IUU…
● Để thực hiện những mục tiêu đó, Bình Định sẽ triển khai như thế nào, thưa ông?
Mục tiêu của Chương trình là hướng tới việc phát triển nghề cá bền vững, KTTS gắn liền với việc bảo vệ, giữ gìn để nguồn lợi thủy sản được bền vững, ổn định sinh kế cho ngư dân. Dựa trên những mục tiêu chung của Chương trình, ngành nông nghiệp tỉnh từng bước xây dựng các kế hoạch phát triển bám sát vào tiêu chí chung, đảm bảo thực hiện thành công Chương trình, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Hiện toàn tỉnh có 3.261 tàu cá khai thác xa bờ, tới năm 2025 cắt giảm 10% (tương đương 326 giấy phép). Vấn đề này sẽ có nhiều khó khăn, vì ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của ngư dân trong tỉnh. Chính vì thế, cùng với việc lựa chọn cắt giảm hạn ngạch là hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp. Tới đây, toàn ngành sẽ tập trung xây dựng kế hoạch tái cơ cấu đội tàu gắn với hỗ trợ chuyển đổi nghề, giảm số lượng nhưng nâng cao chất lượng tàu, hiệu quả khai thác; đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ đánh bắt, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào bảo quản nâng cao giá trị sản phẩm.
Bình Định thực hiện cơ cấu lại đội tàu khai thác xa bờ theo hướng giảm số lượng và nâng cao chất lượng, chuyển đổi nghề phù hợp.
- Trong ảnh: Tàu cá của ngư dân Bình Định cập cảng bán sản phẩm. Ảnh: THU DỊU
Đầu năm 2023, tỉnh ta sẽ xây dựng mô hình liên kết trong khai thác và tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi. Đến năm 2025, Bình Định xây dựng chợ đầu mối đấu giá sản phẩm tại Hoài Nhơn - chợ đầu mối gắn với việc tiêu thụ sản phẩm và hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá ở khu vực cảng cá Tam Quan. Ngành nông nghiệp rà soát toàn bộ nhóm tàu cá khai thác ở vùng lộng và ven bờ, kiên quyết xóa bỏ các tàu cá không đủ điều kiện hoạt động; thực hiện đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng lộng để xác định và tham mưu UBND tỉnh cấp hạn ngạch khai thác cho nhóm tàu này.
● Ông có kỳ vọng gì về việc triển khai Chương trình tại Bình Định?
Như tên gọi - Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030 - đọc lên sẽ hiểu ngay mức độ quan trọng và cấp thiết của nó. Vì thế, để đảm bảo thực hiện thành công Chương trình, ngành nông nghiệp phải tính toán hết sức cẩn trọng, cân nhắc từng mục tiêu cụ thể; vì như tôi đã nói, nó sẽ tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến rất nhiều gia đình ngư dân.
Chúng tôi xây dựng kế hoạch dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó chú trọng vào tham vấn và trao đổi với cộng đồng ngư dân, các địa phương ven biển nhằm có được kế hoạch phù hợp với thực tế. Chúng ta giảm hạn ngạch khai thác nhưng không giảm sản lượng và giá trị của ngành thủy sản, quan trọng nhất là đảm bảo được sinh kế cho bà con ngư dân.
Nói về kỳ vọng thì điều mong muốn lớn nhất của tôi là Chương trình sẽ giúp tỉnh tái cơ cấu ngành thủy sản ngày càng hiệu quả; ngành thủy sản cả nước, trong đó có Bình Định tăng trưởng bền vững, tốt hơn, các vấn đề vi phạm Luật Thủy sản 2017 chấm dứt; nghề cá tiếp tục phát triển và đời sống ngư dân tốt hơn, đồng thời giữ gìn và bảo vệ được chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đạt hiệu quả cao.
● Xin cảm ơn ông!
THU DỊU (Thực hiện)