Kết quả khảo sát: Doanh nghiệp Việt tận dụng khá hiệu quả EVFTA
Theo khảo sát, cứ 10 doanh nghiệp khảo sát thì có 3 doanh nghiệp biết khá rõ và một doanh nghiệp biết rất rõ về các cam kết của EVFTA có liên quan tới hoạt động kinh doanh.
Trung tâm WTO và hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa tiến hành khảo sát, đánh giá nhận thức của doanh nghiệp đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là EVFTA.
Kết quả cho thấy có tới gần 94% doanh nghiệp từng nghe nói hoặc biết ở các mức độ khác nhau về hiệp định. Đó là chỉ số cao nhất trong số các FTA đang thực hiện tại Việt Nam ở thời điểm này. Cứ 10 doanh nghiệp khảo sát thì có 3 doanh nghiệp biết khá rõ và một doanh nghiệp biết rất rõ về các cam kết EVFTA có liên quan tới hoạt động kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập cho hay động lực lợi ích từ EVFTA có lẽ đã đủ lớn để thu hút sự quan tâm tìm hiểu của doanh nghiệp.
Với từng doanh nghiệp, mối quan tâm này có thể khác nhau nhưng về tổng thể, đây có lẽ là hiệp định mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp đáng kể nhất được ký kết trong giai đoạn gần đây.
Theo kết quả khảo sát, các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng tương đối tốt hiệp định này. Cụ thể, cứ 10 doanh nghiệp có 4 doanh nghiệp cho biết đã từng thu được lợi ích nhất định từ EVFTA. Phổ biến nhất là các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu.
Ngoài ra, số lượng lớn doanh nghiệp cho biết cũng đang được hưởng các cơ hội mới từ EVFTA trong việc liên kết, liên doanh với các các đối tác cũng như có thêm đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận từ việc tham gia các hoạt động chuỗi cung ứng để phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường EU.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết thêm so với nhiều FTA khác, EVFTA đã mang lại cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam. Một trong những động lực giúp các doanh nghiệp quan tâm cũng như tận dụng được ưu đãi thuế quan và các cơ hội từ EVFTA là lợi ích từ hiệp định này. Đây là FTA giữa Việt Nam và đối tác EU nhưng cũng là hiệp định giữa Việt Nam với tất cả 27 đối tác trong EU.
Tuy nhiên, có tới 59% các doanh nghiệp cho biết chưa từng hưởng lợi từ EVFTA trong hai năm qua. Các lý do phổ biến được doanh nghiệp đưa ra là chưa có giao dịch nào với đối tác EU trong thời gian này; không biết lợi ích cụ thể nào của hiệp định để tận dụng.
Ngoài ra, có một số lý do khác xuất phát từ hạn chế chủ quan của doanh nghiệp hay từ các vướng mắc khách quan trong tổ chức thực thi EVFTA của cả EU và Việt Nam.
Thêm vào đó, khoảng 4,2% doanh nghiệp cho biết đã từng chịu thiệt hại từ hiệp định, chủ yếu ở dạng các chi phí tuân thủ tăng, sản phẩm chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn từ hàng hóa EU nhập khẩu.
Về sử dụng các ưu đãi thuế quan, có 17% doanh nghiệp đã được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA với ít nhất 1 lô hàng xuất khẩu, 16% đã có lô hàng nhập khẩu hưởng ưu đãi. Đa số các doanh nghiệp có được ưu đãi là nhờ chủ động tìm hiểu cam kết hoặc được đối tác gợi ý, hỗ trợ tận dụng.
Trả lời câu hỏi doanh nghiệp đã làm gì để được hưởng ưu đãi, có tới 34% doanh nghiệp cho biết nguồn cung nguyên liệu và chu trình sản xuất hiện tại đã đáp ứng quy tắc xuất xứ EVFTA. Chỉ có 13% doanh nghiệp là chủ động thay đổi, điều chỉnh để được hưởng ưu đãi này.
Với các trường hợp chưa hưởng ưu đãi thuế, lý do phổ biến là không đáp ứng quy tắc xuất xứ theo yêu cầu hoặc do đã hưởng ưu đãi thuế khác như hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP)... Cũng có một số ít doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi do không bảo đảm các yêu cầu về chứng từ, thủ tục khác liên quan, thậm chí không biết gì về các ưu đãi này.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, trước khi có Hiệp định EVFTA, EU với tư cách là khu vực phát triển đã có những ưu đãi với hàng hóa đến từ các nước đang phát triển có năng lực canh tranh còn hạn chế.
EU cũng đã dành cho Việt Nam những ưu đãi như vậy. Đây là cơ chế ưu đãi đơn phương EU dành cho Việt Nam. Theo cam kết, chương trình ưu đãi đơn phương này sẽ kết thúc vào cuối năm nay.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA trong 2 năm đầu tiên đạt xấp xỉ khoảng 20%. Các doanh nghiệp đã có bước chạy đà tích cực để tiếp tục khai thác hiệu quả EVFTA sau khi GSP chấm dứt.
Cách thức giữa GSP và EVFTA không quá khác biệt nên doanh nghiệp cũng có điều kiện chuyển sang sử dụng hoàn toàn EVFTA. Những doanh nghiệp trước đây vốn chỉ sử dụng và quen dùng GSP phải làm quen với những quy định mới của EVFTA. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chủ động tìm hiểu các cơ hội từ EVFTA thì sẽ có bước chuyển thuận lợi từ sử dụng lựa chọn GSP, EVFTA sang chỉ sử dụng EVFTA, bà Trang khuyến nghị.
Theo Ngọc Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)