Nghĩ suy về đời sống quanh ta…
Đọc Trong và ngoài căn phòng tôi (NXB Hội Nhà văn, 2022) - tập tạp văn vừa ra mắt của Trần Nhã Thụy, ta có cảm giác nhà văn vừa lật xới, bóc tách muôn mặt đời sống, vừa hóm hỉnh đùa vui, chiêm nghiệm, chia sẻ cùng ta trong những góc nhìn thú vị.
Nhà văn đề cao đến tính trung thực. Anh không ngần ngại xác lập “trung thực là bước đầu tiên để đi trên con đường tự do”, để từ đó mỗi cá nhân tìm thấy sự thanh thản trong lòng mình. Có khi, nhà văn mượn một chuyện bâng quơ nào đó để khám phá nội tại tâm hồn, tìm chút lửa hơ háp, khi những khoảng tối mênh mông đang từng ngày xâm lấn lấy ta giữa những bề bộn, xô bồ thực tại. Làm sao con người luôn hướng về điều thiện, nhặt nhạnh những nét đáng yêu để bồi đắp đức tin, an trú lòng mình, để biết bao dung, yêu thương hơn? Nhiều tạp văn của Trần Nhã Thụy đi tìm lời giải đáp ấy.
Một điều dễ thấy, nhà văn luôn hướng đến cái nhìn nhân văn, nhân hậu. Điều đó được gửi gắm ý nhị qua việc anh đề cập đến cái tâm của người làm công việc sáng tạo: “Người sáng tác, vẫy vùng trong hiện thực, thường biểu lộ cái “sát căn” mà mình không kiểm soát được. Có nhiều cái hay nhưng ác, hiểm. Và, nhiều người thường lấy làm thích thú về điều ấy. Và, xưa nay, đa số cũng dùng văn chương như một thứ “vũ khí chiến đấu”, đâm chỗ này chém chỗ kia. Nhưng rốt cuộc chẳng hạ được ai mà chỉ làm thương tổn chính mình” (Tâm thơ).
Nhiều tạp văn của Trần Nhã Thụy thể hiện những trăn trở trước bao vấn đề lớn đang tồn tại: Những đảo lộn các giá trị; bất ổn về vấn đề tri nhận, giáo dục; sự xuống cấp của đạo đức; sự phủ dày của cái ác… Con người đang tạo nên những thương tổn, cho mình/cho người, và họ tìm sự chữa lành bằng chính những “ảo giác”, trong góc nhìn của Trần Nhã Thụy, Facebook hay mạng xã hội là thuốc phiện của con người. Smartphone là thuốc phiện của con người. Sửa sắc đẹp là thuốc phiện của con người. Thực phẩm chức năng là thuốc phiện của con người. Bóng đá là thuốc phiện của con người. Tôn giáo vẫn là thuốc phiện của con người... Giáo dục càng là thuốc phiện của con người...
Nhưng tại sao thuốc phiện nào cũng không tốt?… Ngày nay, chúng ta càng chứng kiến những tham vọng quyền lực (cũng được xem là thuốc phiện của con người) đã mau chóng sụp đổ. Có những người mà mới ngày hôm qua, quyền lực thuộc loại “dưới một người trên vạn người”, nhưng hôm nay đã vướng vòng lao lý, phải đối diện với án tử, nhưng nặng nề hơn là tòa án lương tâm ngàn đời không gột sạch” (Thuốc phiện của mỗi người).
Tập sách rọi vào nhiều ngóc ngách đời sống, tâm hồn đang hiện diện quanh ta bằng một thứ ánh sáng lạ. Qua những lát cắt, nhà văn thể hiện góc nhìn nghiệm sinh, xộc thẳng vào những thói tật làm con người trở nên “son phấn”, xấu xí. Đôi khi, tinh thần trào lộng, sự tự giễu đã mang đến những hiệu ứng xúc cảm thú vị. Nó gần gũi và chân thật, đưa văn của tác giả gần hơn với người đọc.
Nhà văn Trần Nhã Thụy tên thật là Trần Trung Việt, sinh năm 1973. Hiện anh đang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong và ngoài căn phòng tôi là tập tạp văn thứ tư của anh.
VÂN PHI