Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS: Nhận diện nguy cơ, tập trung kiểm soát
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS diễn ra từ ngày 10.11 - 10.12 với chủ đề “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”. Tại tỉnh Bình Định, hoạt động điều trị HIV/AIDS được quan tâm, người mắc bệnh tiếp cận với các dịch vụ y tế khá thuận lợi. Dù vậy, nguy cơ lây nhiễm rất cao và ngày càng khó kiểm soát buộc cộng đồng phải tập trung nhận diện nguy cơ để có thể kiểm soát dịch tốt nhất.
Tăng cường các hoạt động dự phòng, điều trị sớm
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế, mục đích của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh là huy động lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS để tiến tới thực hiện thành công mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Bình Định đồng thời tăng cường các hoạt động dự phòng chống lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, đảm bảo người nhiễm HIV được BHYT; cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS đối với gia đình, xã hội; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phòng, chống HIV/ AIDS. Cùng với đó, tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV và điều trị HIV/AIDS; điều trị các bệnh đồng nhiễm như viêm gan vi rút, lao, các bệnh lây qua đường tình dục.
Theo kế hoạch, các địa phương, cơ sở y tế sẽ tập trung tổ chức các hoạt động truyền thông, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1.12); giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV, nhất là dịch vụ xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm; dự phòng, dịch vụ PrEP; chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại địa phương...
Để đạt các mục tiêu trong công tác phòng, chống HIV, Bình Định thực hiện thường xuyên công tác giám sát, xét nghiệm phát hiện HIV. Ảnh: THẢO KHUY
Hiện nay Việt Nam đã là một trong vài quốc gia có chất lượng điều trị người nhiễm HIV đứng hàng đầu thế giới. Cùng với đó, Việt Nam cũng thuộc nhóm các nước đã chuyển đổi thành công từ điều trị HIV chủ yếu bằng nguồn viện trợ sang nguồn BHYT, đảm bảo sự bền vững cho chương trình và cả bệnh nhân tham gia điều trị.
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Từ nhiều năm trước, tỉnh Bình Định đã ban hành chính sách hỗ trợ cho bệnh nhân HIV/AIDS, cụ thể đóng 100% tiền mua BHYT cho đối tượng là người nhiễm HIV có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh. Cụ thể trong năm 2021 đã mua cấp 58 thẻ BHYT và 9 tháng đầu năm 2022 tỉnh mua cấp 39 thẻ cho người nhiễm HIV. Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ ngân sách cùng chi trả chi phí thuốc kháng HIV (ARV) cho người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc ARV. Tính đến cuối tháng 9.2022 tỉnh đang điều trị 396 bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó có 13 trẻ em, tất cả người nhiễm HIV ngoài cộng đồng đang điều trị thuốc ARV đều có thẻ BHYT.
Để tiến tới chấm dứt dịch AIDS
Ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Dịch HIV tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp. Hiện nay vẫn còn nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS, như: Tình hình nghiện chích ma túy, mại dâm còn phức tạp, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng, số lượng dân di biến động cao. Ngoài ra, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đang gia tăng, đây là đường lây rất khó kiểm soát trong cộng đồng. Việc sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng tăng dẫn đến hành vi tình dục không an toàn gây lây nhiễm HIV. Cùng với đó là các bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào Việt Nam và có nguy cơ lây nhiễm cao ở các nhóm đối tượng này.
Để kiểm soát dịch HIV/ AIDS, căn cứ Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14.8.2020, Bình Định xây dựng mục tiêu chủ yếu của công tác phòng, chống HIV, như: Hạn chế số người nhiễm HIV mới hằng năm dưới 100 người/năm; tăng tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị bằng ARV từ 90% trở lên; 100% bệnh nhân tham gia điều trị ARV có thẻ BHYT và được tỉnh hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV.
Để đạt được các mục tiêu trên, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Trung cho biết: Tỉnh đã và đang triển khai các hoạt động như: Can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV, trong đó có điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện; thực hiện thường xuyên công tác giám sát, xét nghiệm phát hiện HIV; điều trị thuốc ARV, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, thực hiện hoạt động chương trình Lao và HIV và triển khai tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS vào các đợt cao điểm như Tháng cao điểm về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.
Tại Bình Định, theo thống kê của ngành y tế, tính từ năm 1993 đến tháng 9.2022, số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 1.237 người, trong đó có 504 người đã chết. Trong 9 tháng đầu năm 2022, đã phát hiện thêm 79 người nhiễm HIV. Số người nhiễm HIV còn sống là 733 người; trong đó tại Quy Nhơn có 235 người; Hoài Nhơn (120); Phù Mỹ (82); An Nhơn (72); Tuy Phước (70); Phù Cát (68); Tây Sơn (37); Hoài Ân (35); Vân Canh (7); An Lão (5); Vĩnh Thạnh (2).
Trong vòng 5 năm gần đây số lượng người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh được phát hiện hằng năm có chiều hướng tăng: 43 ca (2017), 59 ca (2018), 109 ca (2020), 107 ca (2021).
Về đường lây nhiễm, trong số 733 người còn sống có 2,8% lây truyền từ mẹ sang con, 3,3% lây qua đường máu và tiêm chích ma túy, 93,9% lây qua đường tình dục hoặc không rõ đường lây truyền.
THẢO KHUY