Mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững - Kỳ 2: Trọn nghĩa, vẹn tình
Với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, nhân dân Campuchia đã khép lại một trang sử đen tối, đau thương đầy máu và nước mắt; thực hiện công cuộc hồi sinh và mở ra kỷ nguyên độc lập, hòa bình, tự do, phát triển cho đất nước.
Ngày 8.1.1979, Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia thành lập và đề nghị quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục phối hợp với LLVT Campuchia truy quét tàn quân Pol Pot, củng cố chính quyền cách mạng. Cùng với hoạt động quân sự, Việt Nam cũng đã cử nhiều chuyên gia giúp Campuchia xây dựng chính quyền cơ sở, hỗ trợ vật chất giúp phục hồi kinh tế từ đống đổ nát do chế độ diệt chủng để lại.
Hồi sinh vùng đất chết
Cùng với thiết lập trật tự kỷ cương, quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc Campuchia trong xây dựng chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt.
Năm 1987, nguyên Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Phan Văn Khổng là Trưởng đoàn chuyên gia quân sự 51 kiêm chuyên gia Tỉnh đội trưởng Ratanakiri. Ông Khổng cho biết: “Việc giúp nước bạn hồi sinh được quân tình nguyện Việt Nam xây dựng kế hoạch bài bản, chi tiết theo từng giai đoạn. Theo đó, ban đầu thực hiện “Việt Nam làm giúp Campuchia”, tiếp đó “Ta, bạn cùng làm”, và sau đó là “Bạn làm, ta giúp”. Cuối cùng, khi chính quyền Campuchia thực sự lớn mạnh thì Việt Nam rút toàn bộ quân tình nguyện về nước”.
Đầu năm 1986, đại tá Trần Đức Thắng (Chủ tịch Hội CCB tỉnh) sang Campuchia làm phái viên (thuộc Đoàn 5501) ở 3 xã Tà Lao, Mây Hia và Nhang thuộc huyện Bar Keav (tỉnh Ratanakiri) để giúp xây dựng chính quyền và tổ chức hoạt động cho Đại đội 2 của Huyện đội Bar Keav. Công việc thường ngày của ông là gặp gỡ, hướng dẫn cán bộ ở các xã, thôn triển khai công việc; giúp duy trì chế độ sinh hoạt, tổ chức hoạt động của chính quyền và đào tạo cán bộ. Riêng Đại đội 2 của Huyện đội Bar Keav tổ chức hoạt động theo hai chức năng là quân sự và vận động quần chúng xây dựng cơ sở chính trị. Cứ 3 tháng 1 lần, ông đi bộ 45 km từ cơ sở về doanh trại của đơn vị để báo cáo tiến độ công việc.
“Khó khăn là điều kiện khí hậu, sinh hoạt bên Campuchia rất khắc nghiệt. Đồng thời, địch đã biết kế hoạch rút quân của ta nên dần dần đưa quân từ biên giới về xây dựng các căn cứ lõm. Tuy vậy, chúng tôi luôn nỗ lực không ngơi nghỉ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ”, ông Thắng nói.
Đặc biệt, từ tháng 12.1986, khi làm Tiểu đoàn phó chính trị Tiểu đoàn 50 (Đoàn 5501), ông Thắng đã cùng đồng đội tiến hành nhiều đợt truy quét tàn quân Pol Pot, nhất là các trận đánh ở khu vực Bắc Tà Ven (tháng 3.1987) và khu vực lõi 3 huyện Lumphat, Bar Keav và Banlung (tháng 8.1989). “Sau trận đánh ở 3 huyện này, Chủ tịch tỉnh Ratanakiri khi đó là Khâm Khương đã xuống tặng Tiểu đoàn 20.000 Riel và 1 con heo để cảm ơn”, ông Thắng kể lại.
Từ nền tro tàn, từ những “cánh đồng chết”, dưới sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, một cơ sở xã hội hoàn toàn mới, ổn định được định hình trên đất nước Chùa Tháp.
Các CCB Bình Định từng là quân tình nguyện, cán bộ, chuyên gia tham gia chiến đấu, giúp đỡ quân và dân Campuchia hồi sinh đất nước. Ảnh: HỒNG PHÚC
Bát cơm xẻ nửa, hạt muối cắn đôi
Ngày 7.1.1979 chỉ là bản lề, mở ra giai đoạn 10 năm máu người Việt không ngừng đổ trên khắp đất nước Campuchia nhằm ngăn Pol Pot lại lần nữa trỗi dậy và hủy diệt miền đất này. Bởi, chúng ta vừa phải hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ cho Campuchia để giữ vững chính quyền, vừa giúp đất nước họ bảo đảm an ninh, truy diệt các tàn dư của quân Pol Pot còn sót lại. Đặc biệt, tàn quân Pol Pot lúc này sử dụng lối đánh du kích, lại được trang bị nhiều vũ khí hiện đại từ bên ngoài, nên gây rất nhiều tổn thất cho quân ta, nhất là loại mìn định hướng.
Thấu hiểu được khó khăn, những gian nan, nguy hiểm mà quân tình nguyện Việt Nam đối mặt, người dân Campuchia rất thương quý những người cùng chung lưng đấu cật, kề vai sát cánh với họ để khép lại một trang sử đau thương, thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc.
Đại tá Nguyễn Văn Sáu (nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ CHQS tỉnh) xúc động kể lại: “Trong trận đánh năm 1985 tại huyện Sangkom Thmei (tỉnh Preah Vihear), ngay khi địch tiến đánh huyện, quân ta lập tức phản công, truy đuổi vào tận rừng. Trước khi tôi vượt lên, trinh sát người Campuchia tên Som-Rương (mới 19 tuổi) đã cương quyết nói với tôi: “Anh Sáu cứ để em đi trước dò la, các anh đi sau yểm trợ”. Dứt lời, người đồng đội ấy áp sát, đưa tôi vào giữa, giành đường đi trước. Thế nhưng, ngay lúc đó, một tiếng nổ đinh tai vang lên. Som-Rương hy sinh vì mìn địch. Cả đời này, tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc đó. Cậu ấy đã chết thay tôi!”.
Còn đại tá Lê Thanh Nồng (Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh) nhớ lại: “Khi quân tình nguyện Việt Nam mới tiến vào, một số người dân Campuchia vẫn rất sợ hãi nên trốn vào rừng. Bộ đội Việt Nam phải đi kêu gọi bà con trở về nhà, bảo họ lấy lúa gạo bị quân Pol Pot tịch thu mà ăn, lúc đó bà con mới hiểu là bộ đội Việt Nam đến cứu họ, mọi người mừng lắm”.
Hơn 5 năm công tác tại Campuchia (3.1983 - 6.1988), ông Lê Trung Kiên (60 tuổi, cán bộ Hội CCB tỉnh) có phần lớn thời gian sống giữa cộng đồng người dân nước bạn, tích lũy kinh nghiệm và vốn sống để cung cấp cho quân tình nguyện Việt Nam phục vụ công tác vận động quần chúng.
“Ở mỗi địa phương, có khi tôi ở cùng bà con cả tháng trời. Bắt được con thú trên rừng hay kiếm được con cá, mớ tôm... dưới nước, họ đều để phần cho bộ đội. Đổi lại, mình cũng thường xuyên nhường cho họ mắm cô, món ăn mà họ cực kỳ thích. Đặc biệt, có những thông tin gì bất lợi cho quân tình nguyện Việt Nam, người dân nước bạn đều báo với mình liền. Với người dân Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam là trên hết”, ông Kiên chia sẻ.
Đưa các anh trở về đất mẹ
Để cứu giúp hàng triệu người dân Campuchia khỏi một chế độ diệt chủng tàn bạo và kỳ quái nhất trong lịch sử loài người, không để chúng có cơ hội quay trở lại, rất nhiều chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã không thể trở về với đất mẹ.
Trong 10 năm (2011 - 2021), thiếu tá Nguyễn Minh Quang, nguyên cán bộ Đội K52 (Đội tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt quân tình nguyện Việt Nam, thuộc Bộ CHQS tỉnh Gia Lai, hiện là nhân viên chính sách Ban CHQS huyện Hoài Ân) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên trách là tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ (HCLS) quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia.
Đội K52 (Bộ CHQS tỉnh Gia Lai) tìm kiếm, quy tập HCLS quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Campuchia. Ảnh: HUY BẮC
Theo thiếu tá Quang, Đội K52 thường đi làm nhiệm vụ vào mùa khô bên Campuchia (từ tháng 11 - 5 hằng năm), thời gian còn lại các anh rút về nước, tiếp tục phân tán làm nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Bởi chỉ có mùa khô, việc tìm kiếm HCLS mới được thuận lợi và nhanh chóng nhất. “Nhưng mùa khô trên đất bạn nắng nóng, nhiệt độ trung bình trong ngày 38 - 40 độ C, địa hình đồi núi phức tạp, lắm sông suối, nhiều rừng, đường đi tìm kiếm ngày càng xa. Tuy vậy, nhưng chỉ cần biết thông tin ở đâu có HCLS, chúng tôi lập tức lên đường”, thiếu tá Quang nói.
Có những vị trí, có những mộ liệt sĩ, anh em phải tốn rất nhiều thời gian xác minh. Đến hiện trường thì phải đào nhiều lần, có khi trên một sườn đồi rộng và sâu tới gần 2 m mới phát hiện được. “Như lần tìm được 20 HCLS quân tình nguyện Việt Nam ở huyện Ou Ya Dav (tỉnh Ratanakiri). Ngay khi nhận được thông tin của người dân, chúng tôi lập tức có mặt để quy tập. Từng phần hài cốt, những mảnh tăng, chiếc võng hay chiếc lược, mảnh thắt lưng... được tìm thấy trong niềm vui và xúc động tột độ. Bởi đó là hồn cốt, là xương máu của cha anh đã chờ đợi hàng chục năm trời để được đưa về với đất mẹ”, thiếu tá Quang tâm sự.
Thượng tá Hoàng Viết Ngọc, Chính trị viên Đội K52 (Bộ CHQS tỉnh Gia Lai) cho biết: Ngày 3.11 vừa qua, lần thứ 22, Bộ CHQS tỉnh Gia Lai đã tổ chức lễ xuất quân thực hiện nhiệm vụ. Trong 21 lần trước, Đội K52 đã tìm kiếm, quy tập và hồi hương được 1.446 HCLS quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia.
HỒNG PHÚC - DƯƠNG LINH
Kỳ cuối: Tình đoàn kết bất diệt!