Đồng hành cùng nông dân trong sản xuất, đời sống
Nhiều năm qua, Hội Nông dân huyện An Lão đã bám sát các chủ trương, cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện để hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào việc đổi mới bộ mặt địa phương.
Toàn huyện An Lão hiện có 10 tổ chức hội nông dân (HND) cấp cơ sở, 57 chi hội với 4.280 hội viên nông dân. Qua thực hiện phong trào thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, toàn huyện hiện có trên 600 hộ nông dân SXKD giỏi các cấp. Các hộ SXKD giỏi các cấp đã tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động; giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho các hộ nông dân nghèo. Nhờ vậy, hằng năm có hơn 400 hộ nông dân thoát nghèo, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương, từng bước nâng cao đời sống nông dân, nhất là nông dân là người dân tộc thiểu số ở vùng cao.
Cùng với việc giới thiệu, xây dựng nhiều mô hình SXKD phù hợp với nông dân trong huyện, Hội còn tạo điều kiện đầu tư phát triển bằng cách nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT hơn 108 tỷ đồng, cho hơn 1.650 lượt hội viên vay vốn. Cùng với đó, Hội còn quản lý tốt, sử dụng đạt hiệu quả cao quỹ hỗ trợ nông dân các cấp với kết dư hơn 3 tỷ đồng, hỗ trợ trên 90 lượt hộ nông dân vay phát triển kinh tế.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh và huyện An Lão tham quan mô hình trồng tiêu của hộ ông Bùi Văn Định ở xã An Tân. Ảnh: D.T.D
Nhờ phối hợp, kết hợp tốt trong triển khai nhiều chương trình phát triển KT-XH, đến nay toàn huyện có 7 HTX hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, 24 chi, tổ hội nghề nghiệp. Các mô hình này nhận được sự quan tâm, động viên rất lớn từ chính quyền, qua đóđãgóp phần hình thành nhiều HTX, chi, tổ hội nghề nghiệp; đồng thời làm thay đổi tư duy, nhận thức của hội viên trong áp dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ mới, mạnh dạn tiếp cận quy trình sản xuất VietGAP, theo hướng hữu cơ, liên kết với DN phát triển sản xuất.
Anh Bùi Văn Định, Tổ trưởng tổ hội Trồng tiêu xã An Tân, cho biết: Chúng tôi được HND huyện tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn ở huyện để áp dụng vào sản xuất. Các thành viên trong tổ còn được hỗ trợ cho vay 200 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Từ 1,5 ha ban đầu, chúng tôi đã mở rộng diện tích trồng tiêu lên hơn 5 ha.
Ngoài ra, các cấp HND đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia chương trình OCOP. Đến nay An Lão đã có14 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh, 5 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu, 5 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử với sự góp công rất lớn của HND. Có thể nói chuyển biến trong đời sống, SXKD của nông dân An Lão luôn có dấu ấn của HND và những hạt nhân nhiệt thành với công tác Hội.
Ông Trần Chanh - một hội viên nông dân điển hình trong phong trào thi đua sản xuất giỏi ở thôn Thanh Sơn, xã An Tân - chăm sóc vườn cây ăn quả của mình. Ảnh: D.T.D
Ông Đinh Văn Rơm, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 2, thị trấn An Lão, chia sẻ: Là chi hội trưởng, tôi chủ động lắng nghe, nắm bắt nhu cầu của hội viên, phối hợp với cơ quan chuyên môn, hội địa phương tổ chức các buổi sinh hoạt, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và phổ biến những chủ trương, chính sách mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Gia đình cũng chưa khá giả đâu, nhưng tôi cố gắng hết lòng với công tác hội, vì mình cũng là nông dân, hiểu được những băn khoăn, trăn trở, bức xúc của người nông dân trước những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống và sản xuất khi gặp phải.
Ông Đinh Văn Hùng, Phó Chủ tịch HND huyện, cho biết: Những năm qua, với sự nỗ lực, quan tâm đồng hành cùng hội viên, HND đã giúp hội viên vươn lên phát triển kinh tế với các mô hình đạt hiệu quả cao, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương. Thời gian tới, ngoài hỗ trợ về vốn cũng như giúp hội viên tiếp cận, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, Hội tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ hội viên thành lập các tổ chăn nuôi, trồng trọt để tạo sự liên kết, giúp giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân...
DIỆP THỊ DIỆU