“BHYT sẽ trả hơn 4.000 tỷ đồng nợ cho bệnh viện”
Hơn 4.000 tỷ vượt tổng mức khám chữa bệnh năm 2021 sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ sau khi Chính phủ cho phép thanh toán bằng mức chi.
Ngày 14.11, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, cho biết như trên, một tuần sau khi Chính phủ cho phép thanh toán bằng mức chi (Nghị quyết 144). Cơ quan này đã yêu cầu BHXH các địa phương rà soát để báo cáo chi phí vượt tổng mức khám chữa bệnh BHYT năm 2021, sau đó tổng hợp đưa vào quyết toán chi phí khám chữa bệnh của năm 2021 và báo cáo Hội đồng quản lý Quỹ.
"Điều này đồng nghĩa với 4.000 tỷ đồng năm 2021 vượt tổng mức thanh toán đang bị treo tại các bệnh viện sẽ được chi trả", ông Phúc nói. Số tiền này (khoảng 4% tổng chi phí khám chữa bệnh sau khi giám định) chủ yếu do lượt khám chữa năm 2021 giảm 25% so với năm 2020 vì đại dịch, nhưng chi phí bình quân mỗi đợt khám chữa cao hơn do nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng, mạn tính, không trì hoãn được.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ảnh: Hồng Chiêu
Ông cũng cho hay BHXH Việt Nam đã quyết toán xong 4.000 tỷ vượt tổng mức giai đoạn 2019-2020 (hơn 2%), theo Nghị định 146. Việc thanh toán hay không "nằm ngoài thẩm quyền" của ngành bảo hiểm, trừ khi Bộ Y tế tiếp tục đề xuất giải quyết vướng mắc và Chính phủ có chỉ đạo tiếp theo.
Liên quan dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy mượn, đặt, Chính phủ cũng cho phép tiếp tục thanh toán, thời gian thực hiện theo hợp đồng đã ký trước 5.11.2022 hoặc không quá 12 tháng kể từ ngày này. Các bên liên quan đang rà soát lại hợp đồng. Hợp đồng còn hạn sẽ thực hiện đến khi hết hạn, trường hợp ký mới tối đa tới ngày 5.11.2023, sau đó phải chuyển đổi theo đúng quy định, theo ông Phúc.
Đại diện Bộ Y tế hôm 7.11 cho rằng Nghị quyết 144 của Chính phủ "tháo gỡ cho nhiều bệnh viện đang trở thành con nợ" khi được thanh toán đủ so với chi phí thực chất đã bỏ ra khám bệnh. Khi được thanh toán, bệnh viện có tiền để trả cho nhà cung cấp, nhà thầu, bởi tiền thuốc, vật tư chiếm 40% tổng chi phí.
Thời gian qua, nhiều bệnh viện bị chậm thanh toán BHYT do vướng mắc liên quan Luật BHYT và Nghị định 146. Từ năm 2019, BHXH quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các bệnh viện theo phương thức tổng mức thanh toán. Cách tính toán này được căn cứ theo công thức hướng dẫn trong Nghị định 146, ban hành năm 2018 của Chính phủ.
Cụ thể, hàng quý, BHXH giám định và tạm quyết toán cho các bệnh viện được xác định theo số lượng, giá dịch vụ y tế và các chi phí về thuốc, hóa chất, vật tư y tế, máu, chế phẩm máu chưa được tính vào giá dịch vụ đã sử dụng cho bệnh nhân.
Khi quyết toán năm, BHXH căn cứ vào tổng mức thanh toán (được xác định dựa vào tổng mức thanh toán của năm trước liền kề). Đây là trở ngại lớn nhất đối với tất cả bệnh viện, vì thực tế tổng chi phí khám chữa bệnh của năm sau luôn cao hơn năm trước. Tổng mức thanh toán khám chữa bệnh BHYT thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế mà các cơ sở đã sử dụng cho bệnh nhân. Điều này dẫn đến chi phí phát sinh trong khám chữa bệnh BHYT của các bệnh viện không được chi trả.
Theo Sở Y tế TP HCM, các bệnh viện không thể chủ động được việc xác định tổng mức thanh toán và việc xác định này phụ thuộc rất nhiều yếu tố như số lượt khám chữa bệnh, mô hình bệnh tật điều trị trong năm... Hơn nữa, hầu hết bệnh viện công lập tại TP HCM đều được giao tự chủ tài chính vốn đang gặp khó khăn về nguồn thu do giá viện phí chưa được tính đúng, tính đủ, nay lại luôn trong nguy cơ bị vượt tổng mức. Thực tế, một số bệnh viện không còn nguồn chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên, áp lực càng tăng khi nhân viên xin nghỉ việc ngày càng nhiều.
Để tháo gỡ, Chính phủ đã giao Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu sửa Nghị định 146. Hiện dự thảo được Bộ Tư pháp thẩm định, trong quá trình hoàn chỉnh để trình Chính phủ vào cuối năm nay.
(Theo Hồng Chiêu/VnE)