Mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững - Kỳ cuối: Tình đoàn kết bất diệt !
Thời thế có thể đổi thay nhưng tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia không bao giờ thay đổi. Tình đoàn kết ấy đã “thử lửa” qua thử thách của thời gian và thực tế lịch sử, được xây đắp bằng máu xương của nhân dân hai nước.
Bộ đội nhà Phật
Trong vô vàn những ký ức về chiến tranh biên giới Tây Nam, các CCB nhớ nhiều đến tình cảm gắn bó, trân quý mà người dân Campuchia dành cho bộ đội Việt Nam - những người mà họ gọi là “Bộ đội nhà Phật”.
Gần 6 năm tham gia chiến trường Campuchia (tháng 1.1983 - 9.1988), đại tá Nguyễn Văn Sáu (nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh) ví rằng đó là những ngày đêm “khua sương, đạp rắn, cắn mìn”, có thể “chạm tay” vào cái chết bất kỳ lúc nào. Ấy vậy mà, vào những phút giây kề cận sinh tử, sau lưng bộ đội Việt Nam luôn có chỗ dựa vững chắc là nhân dân Campuchia.
Các em thiếu nhi Campuchia đặt hoa tưởng nhớ quân tình nguyện, cán bộ, chuyên gia Việt Nam hy sinh vì nền độc lập của Campuchia. Ảnh: HUY BẮC
Ông Sáu nói: “Ở tỉnh Preah Vihear, mỗi gia đình đều có 1 buồng riêng, thường dành cho người phụ nữ trong gia đình. Nhiều lần quân Pol Pot đột ngột kiểm tra, tôi được dân báo tin và đưa vào đó để lánh nạn, thoát chết trong gang tấc”.
Với các CCB từng tham gia chiến đấu, công tác ở Campuchia, ngày rời mảnh đất “Chùa Tháp” đã để lại nhiều ấn tượng đẹp và là ký ức không thể phai nhòa trong quãng đời còn lại. Họ kể rằng nhân dân Campuchia có mặt ở khắp các hướng lưu luyến tiễn đưa đội quân “nhà Phật” về nước.
Đại tá Phan Văn Khổng (nguyên Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh) xúc động kể: “Chúng tôi được người dân tặng những trái dừa, khăn quàng cổ làm quà. Ai ai cũng khóc, bịn rịn chia tay nhau. Nhưng đó là giọt nước mắt của niềm vui và hạnh phúc. Bởi phía sau lưng chúng tôi là các vùng đất đang hồi sinh, yên bình và tràn đầy sức sống. Nó đối lập với cảnh tượng chết chóc dưới bàn tay cai trị bạo tàn của Pol Pot”.
Còn đại tá Trần Đức Thắng (Chủ tịch Hội CCB tỉnh) chia sẻ rằng trước ngày trở về, bộ đội Việt Nam đều được quán triệt: Tất cả những gì tốt nhất, trừ trang bị vũ khí đều phải để lại cho bạn. “Chiếc ba lô của chúng tôi nhẹ tênh, ngoài tấm khăn Kroma, mỗi người chỉ có cân đường thốt nốt, ký cá khô. Nó cũng nhẹ như lòng chúng tôi vậy! Chúng tôi tự hào đóng góp chút công sức nhỏ bé cho hòa bình, phát triển của nước bạn”, ông Thắng tâm sự.
Những ngày này, đại tá Đỗ Xuân Thu (nguyên Chính trị viên Ban CHQS huyện Tây Sơn) đang tất bật chuẩn bị cho chuyến về lại chiến trường xưa tại tỉnh Battambang vào đầu tháng 12 sắp tới. Năm 1978, khi còn học cấp 3 thì tiếng súng gây hấn của quân Pol Pot đã nổ vang trên tuyến biên giới Tây Nam, ông Thu đã xung phong nhập ngũ và được biên chế về Trung đoàn 250 (Tỉnh đội Đắk Lắk). Ông đã cùng đồng đội trong Trung đoàn 250 phối hợp với các lực lượng chiến đấu giải phóng 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia.
Cuối năm 2016, khi vừa nghỉ hưu, đại tá Ðỗ Xuân Thu đã kết nối với các đồng đội cũ ở Trung đoàn 250 tổ chức chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, nơi các ông đã chiến đấu. “Trong 6 ngày đêm về lại 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia, ai ai cũng bồi hồi với những ký ức bi hùng. Nhớ quay quắt những đồng đội đã nằm xuống. Khi biết chúng tôi nguyên là quân tình nguyện Việt Nam về thăm lại chiến trường xưa, người dân Campuchia rất niềm nở đón tiếp. Điều đó khiến chúng tôi rất ấm lòng!”, ông Thu tâm sự.
Bảo đảm lợi ích song trùng
Theo đại tá Nguyễn Hùng Anh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh, giai đoạn 1979 - 1989, quân tình nguyện Việt Nam đã tỏ rõ là đội quân vừa chiến đấu vừa công tác giỏi khi giúp đỡ hàng triệu người dân Campuchia đoàn tụ gia đình sau chiến tranh, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khôi phục hệ thống giáo dục, y tế; nền văn hóa và bản sắc dân tộc được bảo tồn và phát triển.
● “Sự giúp đỡ của nhân dân Việt Nam thể hiện tinh thần hữu nghị trong sáng, tốt đẹp giữa hai nước; nhân dân hai nước; tôi tin tưởng mối quan hệ này sẽ mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
(Trích phát biểu của Thủ tướng Campuchia HUN SEN tại chương trình Lễ kỷ niệm 45 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot” (20.6.1977 - 20.6.2022)).
● “Núi Trường Sơn có thể mòn, sông Mekong có thể cạn, nhưng tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Campuchia là bất diệt”.
Chủ tịch Quốc hội Campuchia SAMDECH HENG SAMRIN.
Trong đó, quân tình nguyện Việt Nam đã giúp quân và dân Campuchia đánh tan 20 vạn quân của Pol Pot và các phái Khmer phản động dưới sự hà hơi, tiếp sức của các thế lực thù địch bên ngoài; thu giữ và phá hủy gần 160 nghìn tấn vũ khí, đập tan âm mưu quay trở lại chính trường của Pol Pot, giữ vững thành quả cách mạng để tập trung xây dựng chính quyền, quân đội và đất nước.
Đại tá Trần Văn Tung, Phó Trưởng Ban Liên lạc truyền thống CCB Đoàn 5501 (Mặt trận 579 Campuchia), cho biết: Trong chặng đường 10 năm giúp bạn tại tỉnh Ratanakiri (tỉnh miền núi phía Bắc Campuchia) khi nước bạn vừa thoát khỏi nạn diệt chủng, đời sống vật chất, văn hóa - xã hội còn nghèo, các thế hệ cán bộ, chuyên gia và quân tình nguyện của Đoàn 5501 đã đoàn kết, không ngại hy sinh, gian khổ, thiếu thốn, cùng LLVT cách mạng Campuchia, Sư đoàn Bộ binh 315, Sư đoàn Bộ binh 2, Tiểu đoàn 20 Bộ CHQS tỉnh Nghĩa Bình đánh trên 500 trận lớn, nhỏ, trong đó có 4 trận quy mô lớn, phối hợp nhiều lực lượng. Ngoài nhiệm vụ giúp bạn chiến đấu, Đoàn 5501 và các chuyên gia quân sự, CA còn trực tiếp giúp bạn hình thành và phát triển LLVT tập trung từ tỉnh đến huyện, lực lượng dân quân tự vệ cấp xã, thôn, bản; xây dựng hệ thống chính trị từ cơ sở đến tỉnh.
Sát cánh chiến đấu cũng là thời gian cùng nhau xây dựng, vun đắp cho tình đoàn kết, liên minh đặc biệt giữa hai dân tộc, hai Đảng, hai Nhà nước, hai Quân đội ngày càng vững mạnh hơn bao giờ hết. Thượng tá Trịnh Minh Cẩm (Chánh Văn phòng Hội CCB tỉnh, có 10 năm (1978 -1988) làm nhiệm vụ trên chiến trường Campuchia trong vai trò cán bộ hậu cần của Sư đoàn 309) chia sẻ: “Trong tâm thức, chúng tôi luôn hiểu rằng mình tham gia cuộc chiến này không chỉ vì bạn mà còn chiến đấu, hy sinh vì đất nước, vì nhân dân Việt Nam, để đất nước có hòa bình, đồng bào ta không bị Pol Pot tàn sát”.
Bên nhau trong mọi hoàn cảnh
Bám sát diễn biến của dịch Covid-19, giai đoạn 2021 - 2022, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã 3 lần điều động 120 cán bộ, chiến sĩ chi viện cho các “điểm nóng” ở cửa ngõ biên giới phía Tây Nam làm nhiệm vụ kiểm soát, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19.
Lực lượng BĐBP tỉnh tăng cường cho BĐBP tỉnh Kiên Giang tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới với Campuchia. Ảnh: MINH CHUNG.
Theo đại tá Phan Trường Sơn, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, lực lượng BĐBP tỉnh tham gia tăng cường cho biên giới Tây Nam được đơn vị quán triệt phải cùng với BĐBP tỉnh Kiên Giang và lực lượng chức năng của Campuchia tăng cường phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ việc nảy sinh trên tinh thần tôn trọng luật pháp của mỗi nước.
“Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã gác công việc riêng, xung phong lên đường chi viện cho BÐBP tỉnh Kiên Giang làm nhiệm vụ kiểm soát, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, BĐBP tỉnh đã phối hợp với lực lượng nước bạn xây dựng đường biên giới chung hòa bình, hữu nghị, ổn định, cùng phát triển”, đại tá Sơn đánh giá.
Thượng úy Lê Minh Chung (cán bộ Phòng Trinh sát BĐBP tỉnh Bình Định, từng tham gia tăng cường và làm Chốt trưởng chốt số 6, Đồn Biên phòng Vĩnh Điều, BĐBP tỉnh Kiên Giang) chia sẻ rằng, khó khăn đặt ra là tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia ở Kiên Giang chủ yếu là đồng bằng, có nhiều kênh rạch, nhiều đường mòn, lối mở và hoạt động giao thương giữa hai biên giới khá nhộn nhịp, việc quản lý người qua lại càng thêm phức tạp.
“BĐBP Việt Nam đã chủ động thông tin, trao đổi với lực lượng chức năng của nước bạn, cùng tiến hành hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, nhờ phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới hai nước, nên người dân đã nâng cao ý thức, không bao che, tiếp tay cho các loại tội phạm lợi dụng hoạt động để gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới”, thượng úy Chung cho hay.
HỒNG PHÚC - DƯƠNG LINH