Bộ pháp điển Việt Nam: Kênh tra cứu và áp dụng pháp luật hiệu quả
Sở Tư pháp vừa ban hành công văn số 1193/STP-VP ngày 11.11 về việc giới thiệu và tổ chức triển khai Bộ pháp điển Việt Nam, tới các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND và phòng tư pháp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Bộ pháp điển Việt Nam do Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành thực hiện và được Chính phủ thông qua; đến nay đã xây dựng được 92% khối lượng. Bộ pháp điển điện tử được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển, tại địa chỉ: https://phapdien.moj.gov.vn.
Hướng dẫn tra cứu, sử dụng Bộ pháp điển điện tử. Ảnh: V.L
Theo ông Phạm Dân, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Bộ pháp điển gồm 45 chủ đề được sắp xếp theo trật tự abc, trong đó chứa đựng các quy phạm pháp luật (QPPL) điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất định, xác định theo lĩnh vực. Trong 45 chủ đề có 265 đề mục chứa đựng các QPPL điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định; gồm các phần, chương, mục, tiểu mục, điều và nội dung của các điều.
Cấu trúc của Bộ pháp điển được thiết kế theo hình cây từ chủ đề đến đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục, điều. Khi người dùng nhấp chuột vào chủ đề nào, trên màn hình hiển thị của Bộ pháp điển điện tử sẽ xuất hiện tên các đề mục thuộc chủ đề đó.
Ngoài ra, Bộ pháp điển điện tử còn một số tính năng khác, như: Xem theo chủ đề; xem theo đề mục; tìm kiếm theo từ khóa…
“Khi sử dụng Bộ pháp điển Việt Nam, cá nhân, tổ chức dễ dàng tiếp cận, tra cứu các văn bản QPPL một cách hệ thống; đảm bảo các văn bản còn hiệu lực; là sản phẩm chính thức của Nhà nước được khai thác và sử dụng miễn phí. Bộ pháp điển là kênh tra cứu và áp dụng pháp luật hiệu quả trong thời gian tới”, ông Dân cho biết thêm.
VĂN LỰC