Thú xem tuồng
“Hát bội làm tội người ta
Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con”
(Ca dao Nam Trung Bộ)
Câu ca dân gian này nói về cái thú xem hát bội (tuồng) của người dân miền Trung ngày trước. Đó là một hứng thú đam mê hấp dẫn đến độ họ như hành tội thân mình, có thể “bỏ vợ, bỏ con”.
1.
Quê nội tôi ở Tuy Phước, Bình Định, là quê ngọai Xuân Diệu, cũng là quê ông Hậu Tổ tuồng Đào Tấn. Tuổi thơ tôi gắn với tiếng trống tuồng rộn nhịp, với một thế giới vừa uy nghiêm, vừa lộng lẫy của bao hỉ nộ ái ố những anh hùng xưa diễn ra trên một sân khấu hát đình đơn sơ ven đầm Thị Nại. Nơi chú bé nhóc là tôi đã từng lúc ngồi, lúc nằm lăn trên bãi cát, coi gánh hát quê diễn từ tối đến khi xong vở tuồng Phạm Công Cúc Hoa là vừa rạng sáng, mặt trời rải ánh vàng lên trên mênh mông đầm.
Lớn lên, tôi tìm hiểu về tuồng. Càng hiểu, càng yêu, càng nhớ tiếc khi tiếng trống tuồng ở quê mỗi ngày mỗi vắng.
Cái thú xem tuồng trước hết là cái thú cất công đến với sân bãi, với nhà hát, để xem những con người bằng xương bằng thịt biểu diễn. Đọc sách, tôi như tự mình đối thoại một cách thầm lặng với người viết, cái hứng thú đem lại là hứng thú của nhận thức, của trí tưởng tượng. Còn ở tuồng, khi theo nhịp trống phách rộn ràng ngoài sân đình, ta đến sân bãi, rạp hát, xem một vở tuồng một cách đúng nghĩa thì hàng nghìn người xem, cùng thích, cùng vui, cùng buồn một lúc. Dù ở ngoài xã hội, người này là thầy đồ, người kia là nông dân, nhưng, khi hoà mình trong đám đông công chúng, họ có thể cùng tán thưởng một câu nói hay, cùng xúc động trước cái chết của một nhân vật nào đó. Như vậy, hứng thú xem tuồng là một dạng hứng thú cộng đồng, gồm đủ mọi tầng lớp người.
Có một thời, ở Bình Định hầu như xã nào cũng có đoàn hát bội. Diễn viên của đoàn hát là những nông dân thực thụ, ban ngày làm ruộng, tối về tìm niềm vui trên sân khấu.
- Đoàn tuồng Phước An, do HTXNN 1 Phước An (huyện Tuy Phước) thành lập năm 1981 với tên gọi đầu tiên là Đồng Ấu.
Trong ảnh: Đoàn tuồng Phước An biểu diễn tại khu vực 2 (Bãi Xép), phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Sự tiếp nhận nghệ thuật ở mỗi người là khác nhau, tuy nhiên phản ứng của mọi khán giả cùng xem một vở tuồng có những nét chung. Trước thực tế này, một câu hỏi đặt ra là tại sao tuồng đem lại hứng thú như vậy? Giải đáp câu hỏi này là một vấn đề rất thú vị. Giai thoại văn nghệ vùng Nam Trung Bộ có kể câu chuyện về một bác nông dân đi xem vở hát bội diễn tích Trung Quốc đời Tống, gian thần Tần Cối giết nhà yêu nước Nhạc Phi. Xem xong, bác về nhà thì ngã bệnh, uống thuốc gì cũng không thuyên giảm. Sau, người con hiểu ra nguyên do, bèn thuê gánh hát diễn lại vở tuồng, nhưng trong đó đoạn kết đã được sưả lại là Nhạc Phi đựợc Triều đình phong là trung liệt, còn Tần Cối thì bị trừng trị. Bác nông dân liền phấn khởi mà bớt bệnh. Qua giai thoại này, có thể thấy một lý do tạo nên hứng thú của người xem tuồng. Đó là khi tìm đến với sân khấu tuồng, người dân muốn thỏa mãn những nhu cầu tâm hồn của chính họ. Những nhu cầu con người này không được đáp ứng thì đau khổ, được đáp ứng thì hạnh phúc. Sân khấu tuồng đáp ứng, thoả mãn những nhu cầu rất thiết yếu của con người. Đó là nhu cầu giải trí và nhu cầu tình cảm. Thực ra, tuồng cũng là một kiểu giải trí, một kiểu chơi của con người.
2.
Con người luôn có nhu cầu giải trí rất cao. Và nghệ thuật biểu diễn tuồng thỏa mãn nhu cầu giải trí này một cách triệt để. Trong những khoái cảm mà nghệ thuật tuồng đem lại, còn có loại khoái cảm thưởng thức, tiếp nhận một cách vô tư. Kịch hát cổ truyền của chúng ta có sức hấp dẫn người dân trước hết là ở tác dụng giải trí. Động cơ thúc đẩy trực tiếp phần lớn công chúng đến với sân khấu là động cơ được nghỉ ngơi một cách lí thú hoặc thay đổi trạng thái tâm lý. Cho nên, tuồng thường được trình diễn chủ yếu trong các hội hè đình đám ở nông thôn, vào dịp đầu xuân hoặc giữa thu, sau khi mọi người cấy gặt thanh thỏa, cần thiết vui chơi thoải mái, cho bõ những ngày làm ăn cực nhọc quanh năm. Mỗi lần có đám hát tuồng là một dịp vui của làng xóm. Đồng thời, các lớp tuồng cổ gồm nhiều làn điệu, bộ múa, khuôn diễn độc đáo đã đem lại bao sự thích thú, say sưa cho nhiều thế hệ. Điều đó giải thích sự say mê cuả người dân từ Bắc chí Nam thời trước đối với các loại hình kịch hát tuồng…như một nhu cầu giải trí không thể thiếu. Nhân dân miền Bắc từ xưa đã có câu ca dao:
Tháng năm ngày tám nằm suông
Nghe giục trống tuồng, cố lết đi xem
Còn ở miền Nam thì:
Má ơi đừng đánh con đau
Để con hát bội làm đào má coi
3.
Tất nhiên, giải trí không phải là chức năng độc quyền cuả thể loại tuồng. Tác dụng giải trí vốn nảy sinh từ tính ước lệ, sáng tạo nói chung của nghệ thuật. Nhưng, cái mức độ ước lệ tượng trưng đậm đặc gắn liền với tính trực quan sinh động thì có lẽ dễ tìm thấy nhất là trong tuồng. Nhờ đó, công chúng tìm thấy trong nghệ thuật tuồng sức mạnh và tự do của mình trong sự đồng hóa và cải biến thực tại. Xem tuồng, người xem có cái hứng thú được thưởng thức một thế giới xây dựng dựa trên các nguyên tắc cách điệu, ước lệ và tượng trưng. Người diễn viên bằng động tác biểu diễn của mình có thể tạo ra không gian, thời gian trên sân khấu mà không cần sự hỗ trợ của trang trí, ánh sáng. Không gian của sân khấu tuồng là không gian động: Mới là cảnh triều đình, bỗng chốc chuyển thành trận địa; đang là đêm tối bỗng chuyển sang ban ngày, đang là rừng núi, sau đó trở thành dòng sông…Cũng trên sân khấu ước lệ này, người diễn đi ba vòng, hát ba câu hát nam là thể hiện được một quãng đường dài từ địa phương này sang địa phương khác. Nguyên tắc biểu diễn tuồng này đã được các nghệ sĩ xưa tổng kết bằng hai câu thơ súc tích:
Thốn thổ thị triều đình châu quận
Nhất thân đô phụ tử quân thần
(Một mảnh đất có thể biến thành châu quận
Một con người có thể thành vua, tôi, cha, con)
Chính từ những nguyên tắc này, xem tuồng, người xem có thể cùng lúc thỏa mãn cả nhu cầu giải trí và nhu cầu thẩm mỹ. Vì dựa trên nguyên tắc cách điệu, người diễn viên tuồng có thể biến hoá nhân vật của mình bằng nhiều hình thức. Như trong tuồng “Sơn Hậu”, nhân vật Khương Linh Tá bị giặc chém đứt đầu, nhưng với sức mạnh tinh thần bất tử, có thể cầm đầu chắp lại, rồi biến thành ngọn đuốc đưa đường cho chiến hữu của mình vượt qua vòng vây của giặc. Lớp “Qua đèo” trong vở tuồng này luôn gây cho người xem ấn tượng mạnh dồn dập. Khi Đổng Kim Lân trước cảnh:
Non cao, suối bủa, bịt đường đi
Rừng rậm, trời đêm, thêm túng bước
Bị lạc Thứ Phi, nhớ Mẹ miền xa, Hoàng nhi khóc đói sữa, Đổng Kim Lân đang tuyệt vọng và ao ước một phép lạ thì hồn Khương Linh Tá xuất hiện trong bộ áo quần trắng phấp phới, với ngọn đèn trên tay đưa Đổng Kim Lân qua đèo. Người xem không chỉ đơn thuần là chứng kiến một trò diễn lạ (Hồn ma xuất hiện-như hồn ma của vua cha trong Hămlét), mà còn thấy được sức mạnh tấm lòng trung nghiã của con người. Trong hình thức biểu diễn độc đáo này, chức năng giải trí đã hoà quyện, chuyển tải những giá trị thẩm mỹ.
4.
Cái hấp dẫn của hứng thú sân khấu tuồng còn là sự thỏa mãn ở mức rất cao những nhu cầu tình cảm. Sân khấu tất nhiên là một thế giới giả tưởng. Nhưng đó là một thế giới “giả mà như thật” vì người xem lại có thể bắt gặp những cảnh đời, những tâm sự, những tiếng lòng của chính mình trong đó. Tương truyền, nhà viết tuồng Đào Tấn, người được tôn xưng là ông Hậu Tổ của ngành tuồng, lúc sinh thời đã từng viết đôi câu đối treo trước rạp diễn tuồng “Nhữ Thị Quán” tại Nghệ An:
“Thiên bất dữ nhàn, thả hướng nam trung tầm tiếu hạ,
Sự đô như hý, hà tu giả xứ tiếu phi chân”
(Trời chẳng cho nhàn, tìm chút thảnh thơi trong bận rộn
Việc đời như kịch, chớ cười trong giả ấy không chân)
Đoàn tuồng Nhơn Hưng (phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) được mệnh danh là đoàn tuồng 100 tuổi nghề đã được Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc giữ gìn và phát huy nghệ thuật tuồng truyền thống.
- Trong ảnh: Đoàn tuồng Nhơn Hưng biểu diễn tại xã bán đảo Nhơn Lý, TP Quy Nhơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Những sự việc mà các tác giả chọn lọc đưa vào trong tuồng, là những sự kiện chắt lọc từ thực tế ngồn ngộn của cuộc sống, những vui buồn của nhân vật trên sân khấu nhiều lúc lại là nỗi niềm của bao cảnh đời đang sống. Điều đáng chú ý là chúng ta có thể bắt gặp sự đồng tâm đồng điệu đó khi thưởng thức các loại hình nghệ thuật khác, nhưng có thể nói hiếm có loại hình nghệ thuật nào tạo sự gặp gỡ trực tiếp với tình cảm người xem như các tác phẩm tuồng . Do “luật tham dự” của sân khấu, người xem như được trực tiếp tham gia vào vở diễn, cùng vui, cùng buồn với nhân vật trong vở tuồng. Thậm chí, có lúc tình huống, nhân vật được thể hiện chân thực quá khiến người xem như quên đi ranh giới giữa giả và thật, giữa sân khấu và cuộc đời. Nếu phương Tây có giai thoại về việc ở nhà hát thành Viên (Áo) một diễn viên đóng vai tên Hiệu úy Iagô nham hiểm trong vở “Oâtenlô” của Sếchxpia thực quá đến mức bị một khán giả không kìm nổi phẫn nộ rút súng bắn chết; thì ở nước ta, giai thoại Tuồng Liên khu Năm có chuyện bác Chánh Phẩm (một diễn viên tuồng nổi tiếng cùng thời với các nghệ sĩ Nguyễn Nho Tuý, Ngô Thị Liễu) sắm vai “Vua Đàng chạy đói” nhập vai đến độ có bà cụ quá thương cảm đem tặng cháo ngay trên sân khấu. Tất nhiên, trong cách xem đó có chút ấu trĩ, nhưng việc sân khấu tuồng tác động mạnh vào tình cảm người xem là điều không thể không công nhận. Sức tác động của sân khấu đến thế giới tình cảm công chúng không thể chỉ từ văn bản tuồng mà còn từ sự hóa thân vào nhân vật, từ tài nghệ của các diễn viên. Điều đó giải thích vì sao có hiện tượng ngày trước có những cụ già đã thuộc lòng cả tích, cả vở tuồng nhưng vẫn sẵn sàng xem hàng chục lần người nghệ sĩ mình yêu thích biểu diễn trên sân khấu vở diễn ấy nếu có dịp. Ca dao Bình Định có câu: “Bầu Đông đóng Lý Phụng Đình; dẫu chồng có đánh thì mình cũng đi” là nói về hiện tượng “nghiện tuồng” này. Lịch sử tuồng Việt Nam tự hào có những nghệ sĩ tài năng có khả năng thể hiện những tình cảm sâu sắc của nhân vật khiến người xem yêu mến, đồng cảm. Họ đã góp phần đem lại hứng thú xem tuồng cho người xem vì trực tiếp mang lại những tình cảm đáp ứng nhu cầu tình cảm con người. Đó là các tên tuổi nghệ sĩ cô Năm Đồ Bạch Trà, Nguyễn Nho Túy, Ngô Thị Liễu… Điểm đặc biệt là trong lòng người xem, hình ảnh và tài năng của họ bao giờ cũng gắn liền với các vai diễn, với thế giới nhân vật mà họ đã tốn bao tâm huyết để hoá thân. Đó cũng là một đặc trưng riêng của hứng thú xem tuồng. Cũng cần nói thêm rằng, có lẽ hiếm có ở nơi nào trên thế giới lại có một kiểu hình thức khán giả trực tiếp chia sẻ sự đồng cảm, hứng thú trực tiếp với người nghệ sĩ đang trực tiếp biểu diễn như hình thức trống chầu hát bội của nghệ thuật tuồng Việt Nam. Người biểu diễn hát hay muá đẹp, tiếng trống thưởng thùng thùng điểm nhịp. Có sai sót, có lỗi, tiếng trống gõ tang cắc nhắc nhở. Đó cũng chính là một kiểu chia sẻ nhu cầu tình cảm khi xem tuồng của công chúng.
5.
Một lý do khác tạo nên hứng thú xem tuồng là do con người có nhu cầu ảo tưởng, với nhiều mức độ khác nhau: Tưởng tượng, suy tưởng. Con người luôn muốn mình sống siêu việt, biết là ảo tưởng nhưng vẫn muốn là có. Không tìm được sự giải tỏa trong cuộc sống, thì người ta tìm vào thế giới nghệ thuật. Một thí dụ phổ biến: Do xã hội không có công lý tuyệt đối nên muốn xem quan toà xử án trên sân khấu; trong xã hội, cái ác, bất công có thể tạm thời thắng thế nhưng vở kịch trên sân khấu vẫn có thể khẳng định công lý thắng gian tà…Hiện tượng người dân các nước châu Á, trong đó có Việt Nam hâm mộ loạt phim về Bao Công thời gian gần đây là một sự chứng minh rất cụ thể. Trong tuồng cũng vậy. Tuồng cổ luôn có kết thúc có hậu, khẳng định trung nghĩa thắng gian tà, người tốt được hạnh phúc, đáp ứng cái nhu cầu ảo tưởng của người dân xã hội cũ về lẽ phải ở đời. Mặt khác, thế giới tuồng còn đem lại những giả thiết tưởng tượng đầy ý nghĩa triết lý phong phú. Một lớp diễn của tuồng như “Hồ Nguyệt Cô hoá cáo” chẳng hạn. Chuyện Cáo tinh tu luyện thành người, rồi bị Tiết Giao lừa gạt lấy mất ngọc báu phải trở lại kiếp cáo là một truyền kỳ hoang đường. Nhưng, nghệ thuật tuồng có hàng loạt phương tiện phong phú để biểu hiện cái hoang đường ấy: Nghệ sĩ biểu diễn thể hiện thần tình cái giờ khắc Hồ Nguyệt Cô trở lại nguyên hình, tay chân bỗng mọc lông lá móng vuốt, mất dần đi diện mạo con người. Toàn bộ những động tác tạo hình của nghệ sĩ thể hiện từng đợt sóng trào qua trên gương mặt và hình thể, lúc thì những chuỗi đau khổ nội tâm của con người, lúc đã là những cơn rùng mình của con thú đang hiện hình, khi là những cố gắng tuyệt vọng hòng ngăn cản số phận, lúc lại là những hồi ức cuối cùng của cơ thể về sự duyên dáng của nữ giới…Từ đó, cái thế giới truyền kỳ ảo tưởng đó lại gợi lên những suy tưởng sâu sắc: Cuộc sống con người, thế giới con người tại sao lại hấp dẫn Hồ Nguyệt Cô đến thế, và đâu là giá trị chân chính của tình yêu, của hạnh phúc được làm người?
***
Xã hội ngày càng phát triển, nhịp sống con người hiện đại ngày càng nhanh với bao hứng thú, sở thích mới. Một số nghệ thuật kịch hát truyền thống, trong đó có tuồng đang bị lâm vào cảnh mai một, mất khán giả. Nhiều hiện tượng pha tạp, chạy theo thị hiếu tầm thường hay cải biên kiểu “gieo vừng ra ngô” cũng đã và đang diễn ra trên sân khấu tuồng. Trong không khí chấn hưng văn hóa dân tộc, ngành văn hóa cần khắc phục tình trạng này để bảo tồn bản chất đặc sắc của nghệ thuật tuồng, một nghệ thuật đặc sắc của dân tộc ta.
VŨ TÙNG