Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được gia hạn thêm 120 ngày
Ngày 17.11, Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine thông báo đã đạt được thỏa thuận gia hạn sáng kiến ngũ cốc Biển Đen thêm 120 ngày.
"Quyết định vừa được đưa ra ở Istanbul. Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là những bên bảo lãnh cho sáng kiến này", Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine tuyên bố.
Theo Hãng tin Reuters, thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen ra đời tháng 7.2022 với mục đích ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, thông qua việc giúp Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu thực phẩm và phân bón từ một số cảng trên Biển Đen bị tê liệt do "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga.
Tàu vận chuyển ngũ cốc Ukraine đến Ireland - Ảnh: REUTERS
Ngay sau tuyên bố của phía Ukraine, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết ông hoan nghênh việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản của Ukraine từ các cảng phía nam Biển Đen.
"Tôi hoan nghênh thỏa thuận của tất cả các bên nhằm tiếp tục sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu ngũ cốc, thực phẩm và phân bón từ Ukraine một cách an toàn", ông Guterres nói.
Ông Gueterres nhấn mạnh LHQ cũng "cam kết loại bỏ những trở ngại còn lại đối với việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón từ Liên bang Nga" - một phần của thỏa thuận được Matxcơva xem trọng.
Hôm 16.11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin cho biết Matxcơva không muốn các nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu bị gián đoạn, tín hiệu tích cực cho thỏa thuận giúp Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.
Thứ trưởng Vershinin khẳng định phía Nga không bỏ qua khía cạnh nhân đạo của vấn đề này.
Trước đó, Matxcơva từng tuyên bố thỏa thuận trên phụ thuộc vào các điều khoản đảm bảo họ có thể xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của chính mình, bất chấp những trở ngại do lệnh trừng phạt của phương Tây tạo ra.
Cả Ukraine và Nga đều là những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn trên thế giới. Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chính phân bón và hạt giống cho thị trường toàn cầu.
(Theo NGUYÊN HẠNH/TTO)