KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM -NGÀY TRUYỀN THỐNG MTTQ VIỆT NAM (18.11.1930 - 18.11.2022)
Ðoàn kết, đại diện cho tiếng nói của nhân dân
Phát huy truyền thống lịch sử 92 năm xây dựng và phát triển, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh không ngừng củng cố, đổi mới, sáng tạo; đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, đóng góp vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Vun đắp khối đại đoàn kết
Những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã làm nòng cốt, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, tạo được sự đồng thuận và lòng tin vững chắc trong nhân dân, góp phần xây dựng tỉnh Bình Định ngày càng phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Vĩnh Thạnh nhân tết Nguyên đán 2022. Ảnh: N.M
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp phát động triển khai có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phong trào thi đua “Tỉnh Bình Định chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Bình Định đoàn kết quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, Chương trình “Kết nối yêu thương”...
Ông Hồ Sĩ Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: Thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, từ năm 2011 đến nay, nhân dân đã đóng góp trên 500 tỷ đồng, hiến hàng trăm nghìn m2 đất, cây lâu năm, ngày công lao động, góp phần cùng ngân sách nhà nước và các nguồn hỗ trợ khác để thực hiện xây dựng các dự án, công trình nông thôn mới.
Từ năm 2019 đến tháng 6.2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ sinh kế; thăm, tặng quà nhân dịp lễ, tết; hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do thiên tai bão, lũ; hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19... với tổng số tiền, hiện vật quy ra tiền ước tính hơn 496 tỷ đồng. Vừa qua, tại Lễ phát động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng nhà Đại đoàn kết nhân Tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2022, 161 tổ chức, đơn vị, DN, cá nhân đã đăng ký ủng hộ hơn 22,8 tỷ đồng.
Anh Trần Ngọc Hóa (37 tuổi, ở thôn Phú Văn 1, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân), một trong hàng trăm hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết, rất phấn khởi khi kể về ngôi nhà mơ ước: “Trước, tôi không có nhà, hai vợ chồng và con nhỏ ở tạm trong trại chăn nuôi của người ta. Nhờ sự hỗ trợ của MTTQ các cấp và Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, tôi xây được căn nhà rộng 70 m2, nền nhà cao hơn 1 m so với mặt đường. Nhà gần sông Kim Sơn nhưng bây giờ vợ chồng tôi không sợ lũ lụt hay mưa gió”.
Phát huy vai trò đại diện nhân dân
MTTQ các cấp trong tỉnh ngày càng phát huy tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; đáp ứng yêu cầu là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đủ sức thực hiện giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Nhân dân khu phố Đăk Đưm (thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) biểu diễn văn nghệ truyền thống chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022. Ảnh: XUÂN TÂM
Từ năm 2013 đến nay, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Quyết định 217, 218 của Bộ chính trị ngày càng đi vào chiều sâu. MTTQ các cấp đã chủ trì, thành lập 1.234 đoàn giám sát để thực hiện giám sát trên nhiều lĩnh vực, liên quan đến những vấn đề, chính sách cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân. Đồng thời, tổ chức hơn 100 hội nghị phản biện đối với các dự thảo luật, dự thảo chính sách, quy định…
Theo bà Hồ Thị Kim Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, MTTQ đã triển khai 4 hình thức giám sát: Nghiên cứu, xem xét văn bản; thành lập đoàn giám sát; tham gia giám sát với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Tùy vào tình hình thực tiễn của địa phương mà vận dụng phù hợp, phát huy thế mạnh của từng hình thức giám sát.
“Đến nay, công tác giám sát ngày càng có chiều sâu, rõ nét, nội dung được mở rộng. Những kiến nghị sau giám sát được tiếp thu, ghi nhận. Công tác phản biện xã hội cũng được chú trọng. Các ý kiến tham gia góp ý, phản biện có tính lý luận, thực tiễn cao, được cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý, góp phần xây dựng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước phù hợp, sát thực, được sự đồng thuận của nhân dân”, bà Thu nói.
Bên cạnh đó, MTTQ các cấp làm tốt công tác nắm bắt tình hình tư tưởng nhân dân; tổ chức tiếp xúc giữa ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp với cử tri; tổ chức các hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân…
NGUYỄN MUỘI