Bám quê lập nghiệp
Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình ở quê nhà, anh Trương Thanh Hoàng - 29 tuổi, ở thôn 11, xã Mỹ Thắng, Phù Mỹ - mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi chình thương phẩm và nuôi heo an toàn sinh học.
Theo đó, anh Hoàng vừa tham khảo nhiều nguồn tài liệu từ sách báo, trên mạng vừa tự học hỏi kinh nghiệm nuôi chình thương phẩm trong ao; đồng thời, đầu tư xây dựng 50 m2 ao, mật độ thả nuôi 500 con giống. Đến nay, qua gần 1,5 năm nuôi, chình phát triển tốt, đạt tỷ lệ về trọng lượng so với yêu cầu. Dự kiến, anh sẽ thu hoạch lứa chình này vào khoảng tháng 4.2023 và điểm đặc biệt là nhờ tích cực khai thác mối tiêu thụ trên mạng, toàn bộ sản phẩm được một DN ở miền Nam bao tiêu trọn gói.
Mô hình nuôi chình thương phẩm của anh Trương Thanh Hoàng ở xã Mỹ Thắng. Ảnh: THU DỊU
Theo anh Hoàng, nuôi chình thương phẩm trong ao khép kín tỷ lệ sống ổn định cao, lượng thất thoát rất ít. Một lứa chình nuôi chừng 2 năm là cho thu hoạch. Về kỹ thuật, nuôi chình thương phẩm không quá phức tạp, yếu tố cần chú trọng là giống, nước và chế độ dinh dưỡng. Chính vì thế, khi tiến hành làm ao nuôi, anh Hoàng xây dựng các ao nuôi khép kín, sử dụng hệ thống lưới vây, đèn chiếu sáng và hệ thống xử lý, cấp thoát nước để dễ kiểm soát các chỉ tiêu kỹ thuật.
Hiện nay, con chình Phù Mỹ - Bình Định được thị trường ưa chuộng, ổn định ở mức khoảng 400 nghìn đồng/kg, với những người nuôi có thể cung cấp số lượng lớn, ổn định thì việc tìm đối tác bao tiêu tương đối dễ. Anh Hoàng chia sẻ: Chình là một trong những sản phẩm cao cấp được người tiêu dùng ưa chuộng. Ở vùng đầm Trà Ổ, chình trở thành sản vật nổi tiếng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, con nước, chình tự nhiên trong đầm giảm dần. Trong quá trình làm chủ kỹ thuật nuôi, tôi được ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ thông tin khá nhiều. Hơn nữa, tôi còn được Hội Nông dân xã tạo điều kiện để tiếp nguồn, vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện để có thêm vốn đầu tư phát triển mô hình.
Không chỉ nuôi chình, anh Hoàng còn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín kết hợp nuôi chình với nuôi heo an toàn sinh học. Anh Hoàng cho hay, để vận hành mô hình này, anh đã cải tạo và nâng cấp toàn bộ hệ thống chuồng trại cũ của gia đình, xây mới thêm 4 ao nuôi chình và 2 ao chuyên dụng lắng lọc nước. Mô hình này vận hành theo hướng tuần hoàn trong xử lý nước, giảm ô nhiễm, giảm khai thác nước ngầm.
Cụ thể, chình cần nước sạch thường xuyên để đảm bảo phát triển, do vậy quá trình thay lọc nước rất tốn kém, thay vào đó, anh Hoàng xây dựng bể lọc nước dùng nước sạch xử lý nuôi chình, dùng nước thải ra từ các ao nuôi chình xử lý để phục vụ tắm rửa cho đàn heo. Toàn bộ được xây dựng khép kín, xử lý vệ sinh môi trường ngăn ngừa mùi hôi và ô nhiễm. Dự kiến cuối năm 2022, mô hình nuôi kết hợp chình - heo tuần hoàn và khép kín sẽ đi vào hoạt động.
“Vợ chồng tôi đều có công việc ở quê, vì thế luôn trăn trở tìm một mô hình kinh tế phù hợp để ổn định cuộc sống, chăm lo cho tương lai các con. Với sự ủng hộ của gia đình, hỗ trợ của các cấp, các ngành, đặc biệt tiếp cận được gói tín dụng phù hợp, gia đình tôi tự tin có thể ổn định và làm giàu được ở quê nhà, ly nông không phải ly hương. Về lâu dài, tôi muốn mở rộng mô hình và nuôi số lượng lớn, đặc biệt chú trọng phát triển mô hình, nâng cao chất lượng để đủ điều kiện đăng ký sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương” - anh Hoàng bộc bạch.
Ông Trần Văn Phá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thắng chia sẻ, chúng tôi rất khuyến khích các mô hình lập nghiệp, phát triển kinh tế ở địa phương, đặc biệt là những nhân tố mới, trẻ như anh Trương Thanh Hoàng. Do vậy, cùng với hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, Hội tích cực triển khai kênh tổ, hội vay vốn với các ngân hàng để hỗ trợ vốn cho các hội viên nông dân.
QUANG BẢO