Nhen lên hy vọng ở ngôi trường Hy vọng
Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn là ngôi nhà thứ hai dành cho trẻ khuyết tật. Ðội ngũ giáo viên của trường, nhất là các cô giáo đã nhẫn nại, vượt qua nhiều thử thách, khó khăn, dành tất cả tình yêu thương để truyền đạt những kỹ năng, kiến thức đến từng học sinh.
Nghề đặc biệt
Trong tiết thực hành rèn kỹ năng vận động, cô Phương Ái Vân (SN 1977, giáo viên lớp 1A) hướng dẫn cô trò nhỏ cố gắng hoàn thành bài tập xâu chuỗi dây. Được cô giáo động viên, cô bé xinh xắn mím môi, kiên nhẫn xâu từng vòng một.
Cô Vân cùng học trò trong tiết thực hành rèn kỹ năng vận động. Ảnh: D.L
Ít ai biết, để dạy trẻ khuyết tật một cách thuần thục như thế, cô Vân đã dành hơn 20 năm cho công việc đặc biệt này. Nhìn cô học trò nhỏ cười khúc khích, tay huơ huơ sợi dây đã được xâu chuỗi xong để “khoe” với mình, cô Vân kể, chính những nụ cười ấy là động lực giúp cô vượt qua những khó khăn trong quá trình giảng dạy.
Cô tâm sự: “Trẻ khuyết tật có tư duy và hành động khác biệt. Do đó, tôi phải chú ý đến đặc điểm của từng trẻ để chọn cách gần gũi, dạy dỗ cho phù hợp. Chẳng hạn, trẻ hiếu động thì cần cứng rắn; trẻ nhút nhát, sợ người lạ thì cần nói nhẹ nhàng. Đó là chưa kể, tâm sinh lý của học sinh từng độ tuổi cũng khác nhau, đòi hỏi giáo viên sẵn sàng tâm lý để điều chỉnh, giúp đỡ trẻ”.
Cô Dang ân cần dạy học sinh làm toán. Ảnh: D.L
Chọn nghề dạy trẻ khuyết tật, các cô cũng nhận nhiều trách nhiệm cùng lúc. Thậm chí, vừa dạy chữ đấy, các cô lại quay sang chăm lo cả khâu vệ sinh cho học sinh khi các em chưa tự kiểm soát được. Cô Nguyễn Thị Dang (SN 1990, giáo viên lớp 2) đã không còn bỡ ngỡ khi giải quyết những việc như vậy. Hơn 9 năm gắn bó với các em, cô kể, vì hiểu trẻ chưa thuần thục kỹ năng tự phục vụ nên thay vì nổi nóng, giáo viên như cô đều sẽ chọn cách dọn dẹp ngay và tập cho trẻ tự chủ trong việc đi vệ sinh.
“Ngày mới đi dạy, tôi luống cuống chân tay khi gặp các tình huống trên. Có khi trẻ nhân lúc cô đang dọn dẹp, lại cùng các bạn chạy nhảy, mất tập trung. Ban đầu, tôi áp lực vì chưa quen việc. Giờ thì hoàn toàn tự tin có thể chăm lo tốt cho các em”, cô Dang cười.
Khó khăn là vậy nhưng chưa khi nào, các cô bỏ mặc trẻ. Bên cạnh những giáo án chi tiết, tiết học sống động, nhiều tiếng cười, các cô còn quan tâm học sinh từ những chi tiết nhỏ nhặt trong đời sống. Với cô Vân, đó là việc bỏ qua đôi cao gót xinh đẹp, kết thân với đôi giày quai hậu để tiện đi lại, trông và chăm trẻ. Còn cô Dang, mỗi khi chuông báo tan học vang lên, cô đều nắm tay học trò, chu đáo dẫn đến chỗ phụ huynh.
Trao yêu thương - nhận thương yêu
Nghề giáo đã vất vả, dạy học sinh khiếm khuyết lại càng vất vả hơn. Bởi vậy, tình yêu, sự kính trọng mà các cô nhận về dường như thêm phần ý nghĩa.
Cô Thảng và những học trò nhỏ ở lớp khiếm thị đầu tiên của trường. Ảnh: D.L
Một mình xoay sở với lớp học khiếm thị đầu tiên của trường, cô Đỗ Thị Xuân Thảng (SN 1986) ân cần từng chút với 4 học trò nhỏ. Cô kể, 3 trong số 4 em là trẻ khiếm thị, em còn lại mắt yếu nhưng lại không thể nói chuyện, giao tiếp hoàn toàn qua cử chỉ. Thế nhưng, các em đều yêu thương cô và không ngại thể hiện tình cảm.
“Khiếm khuyết về cơ thể không làm các em mất đi sự ngây thơ, trong sáng. Có hôm, một em học trò bỗng ôm chầm lấy tôi và nói “thương cô” thì bạn nhỏ khác cũng lao đến và nói lời yêu thương, có bạn thì hát tặng cô mà không cần dịp gì cả. Những lúc ấy, tôi càng tự hào về nghề mình chọn, việc mình làm; thêm quyết tâm dìu dắt các em”, cô Thảng xúc động nói.
Không chỉ học sinh mà phụ huynh cũng biết ơn sự vất vả, tận tâm mà giáo viên của trường dành cho con mình. Ghé thăm lớp cô Dang sau khi tiết học kết thúc, chị Nguyễn Thị Mỹ Kiều (ở phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) tâm sự, cha mẹ nào cũng lo lắng cho con, nhất là những phụ huynh có con bị khiếm khuyết, thiệt thòi. Với mong muốn con được học những kỹ năng, kiến thức cần thiết, chị đã quyết định gửi gắm con đến ngôi trường mang tên Hy vọng.
“Thấy con có những tiến bộ nhất định, tôi thầm cảm ơn cô Dang đã tận tình giảng dạy. Cô hiểu tâm lý trẻ, lại kiên nhẫn, nhẹ nhàng, theo sát học trò và thường trò chuyện, cùng gia đình quan tâm, giúp đỡ con. Nhờ giáo viên tâm huyết như vậy, những trẻ khuyết tật như con trai tôi mới được giúp đỡ, dễ hòa nhập với cộng đồng hơn”, chị Kiều cho biết.
DƯƠNG LINH