Di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) vừa được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Sự kiện này không chỉ là tin vui mà từ đây còn cho thấy trách nhiệm lớn lao trong bảo tồn và phát huy vốn liếng quý báu này.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, đã dành cho Báo Bình Định cuộc trò chuyện cởi mở về kế hoạch nâng tầm những giá trị di sản văn hóa (DSVH), lễ hội dân gian trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thúc đẩy cả hai lĩnh vực văn hóa và du lịch cùng phát triển.
Tôn vinh tín ngưỡng dân gian
Bình Định hiện có 4 DSVH được công nhận là DSVH phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn, võ cổ truyền Bình Định, nghệ thuật bài chòi Bình Định, hát bội Bình Định. Điều đó tiếp tục khẳng định, các lễ hội dân gian, bộ môn nghệ thuật truyền thống mang giá trị nhân văn cao cả, tiêu biểu trong đời sống cộng đồng dân cư ở Bình Định luôn được tỉnh quan tâm gìn giữ, phát huy.
● Thưa ông, ông nghĩ gì khi lần đầu tiên một lễ hội tín ngưỡng dân gian của Bình Định được công nhận là DSVH phi vật thể cấp quốc gia?
- Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn có chủ thể là cộng đồng người dân thôn An Hòa, xã Phước Quang. Trải qua bao dâu bể, lễ hội được bảo tồn và thực hành nghiêm cẩn, giữ được những giá trị văn hóa truyền thống, mối quan hệ giao thoa, đan xen và tiếp biến giữa văn hóa Chăm - Việt - Hoa. Điều này nhấn mạnh rằng, văn hóa có vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng tinh thần, động lực phát triển của xã hội.
● Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được ghi danh là DSVH phi vật thể cấp quốc gia sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng dân cư địa phương…
- Tôi tin rằng việc ghi danh Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là DSVH phi vật thể cấp quốc gia sẽ giúp cộng đồng dân cư sở tại nhận thức đầy đủ hơn về giá trị di sản, tích cực tham gia bảo vệ di sản hơn, khi đã quan tâm họ sẽ tự tìm hiểu, trải nghiệm, các thành viên trong cộng đồng dân cư sẽ gắn kết hơn. Từ đó, tập hợp sức mạnh cộng đồng cùng bảo vệ tính đa dạng của di sản; thúc đẩy sự quan tâm, trao đổi trong nhận diện, bảo vệ, phát huy giá trị các di sản tương đồng. Đây chính là sợi dây cố kết cộng đồng, giúp cùng nhau vượt qua khó khăn thiên tai, chiến thắng địch họa, xây dựng quê hương phát triển. Mặt khác, cộng đồng dân cư sẽ là chủ thể của di sản khi nắm giữ, thực hành, truyền dạy, khai thác các giá trị văn hóa, gắn chặt với quá trình phát triển KT-XH ở địa phương.
● Để phát huy, bồi đắp các giá trị văn hóa, đời sống tinh thần của nhân dân, ngành Văn hóa sẽ có kế hoạch gì để tiếp tục nâng tầm di sản, thưa ông?
- Trước mắt, ngành Văn hóa sẽ tham mưu UBND tỉnh đầu tư, mở rộng tuyến đường chính dẫn về di tích Chùa Bà, tạo điều kiện để khai thác, phát triển du lịch; tổ chức lễ vinh danh, trao nhận Bằng DSVH phi vật thể cấp quốc gia lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn vào ngày 29 tháng Giêng năm Quý Mão (nhằm ngày 19.2.2023). Sở VH&TT sẽ phối hợp với UBND huyện Tuy Phước hướng dẫn địa phương tổ chức các phương án quản lý, tổ chức lễ hội theo đúng nghi lễ truyền thống.
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được Bộ VH-TT&DL công nhận là DSVH phi vật thể cấp quốc gia. Ảnh: VĂN NGỌC
Về lâu dài, Sở cùng Cục DSVH, UBND huyện Tuy Phước xúc tiến lập quy hoạch mở rộng khuôn viên Chùa Bà hiện tại xứng tầm với một DSVH phi vật thể cấp quốc gia. Đồng thời, xác định đây là điểm du lịch văn hóa quan trọng của tỉnh, huyện để tăng cường xúc tiến quảng bá giá trị di sản; mở rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động lễ hội, để vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa thu hút khách du lịch.
Nâng tầm, phát huy giá trị di sản
Mỗi năm, tỉnh Bình Định diễn ra gần 100 lễ hội với nhiều quy mô khác nhau; trong đó có nhiều lễ hội văn hóa, lịch sử, dân gian tiêu biểu, độc đáo, như: Kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, lễ hội nghề rèn Phương Danh, lễ hội cầu ngư tại các làng chài ven biển… Các lễ hội này thường được tổ chức từ giữa tháng Giêng trở đi, rất đông vui…
● Tỉnh Bình Định là vùng đất có trầm tích văn hóa phong phú, đa dạng, dù vậy muốn khai thác, phát huy những giá trị này - trong đó có lễ hội - để phục vụ du lịch, có lẽ ta phải làm sao để du khách nhận ra những nét riêng có, độc đáo của mình…
- Đúng vậy! Ví dụ, nói đến Bình Định là người ta sẽ nghĩ ngay đến võ cổ truyền, là hình dung về miền đất võ, là nhớ đến câu ca “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền”; là cái nôi của nghệ thuật hát tuồng, bài chòi…
Quang cảnh lễ nghinh thần, rước sắc; lễ rước biểu trưng Ngư - Tiều - Canh - Mục trong lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn. Ảnh: VĂN NGỌC
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn độc đáo, hấp dẫn; không gian diễn ra lễ hội còn là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ - chỉ về Bình Định mới có thể trải nghiệm điều này. Nhưng du khách không thể về đây ngắm cảnh rồi hết, nếu chỉ có thể thì họ sẽ không về, hoặc về nhưng sẽ không trở lại, không làm lan tỏa thông tin để thêm nhiều người khác muốn về Bình Định. Những giá trị này không tự nhiên mà trở thành sản phẩm du lịch, phải làm sao để thu hút du khách về, để họ trải nghiệm, cần sự đồng lòng chung sức của nhiều ngành và đặc biệt là phải làm sao để người dân tìm thấy lợi ích của mình trong đó.
● Vậy chúng ta sẽ làm gì để tạo dựng thương hiệu cho lễ hội? Để lễ hội trở thành điểm đến quen thuộc thu hút được nhiều du khách, ngành Văn hóa triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?
- DSVH là tài sản quý giá của cộng đồng cần được bảo tồn, phát huy. Xác định mục tiêu đó, Sở VH&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lễ hội; bảo vệ và phát huy giá trị của di sản lễ hội, tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực ở các hoạt động văn hóa.
Ngành Văn hóa sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng về lễ hội phục vụ phát triển du lịch. Nâng cao các ưu điểm đã có, nghiên cứu, làm rõ các đặc trưng để giới thiệu, quảng bá rộng rãi. Từ đó, tập trung phát triển các sản phẩm văn hóa, lịch sử, cách mạng có những nét đặc sắc riêng liên quan đến di sản bài chòi, hát bội, võ cổ truyền Bình Định, trống trận Tây Sơn, lễ hội cầu ngư, bả trạo, các lễ hội dân gian, món ăn độc đáo...
● Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)