420 năm danh xưng Quy Nhơn
Tỉnh Bình Ðịnh hiện có 11 đơn vị hành chính gồm, 1 thành phố, 2 thị xã và 8 huyện, là tỉnh có truyền thống văn hóa lâu đời, đang thay đổi mạnh mẽ để trở thành một cực phát triển ở Nam Trung bộ với TP Quy Nhơn là tỉnh lỵ. Vậy danh xưng Quy Nhơn được ra đời vào năm nào và do ai đặt?
Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 22, mặt khắc 6, 7 ghi phủ Hoài Nhơn quản lĩnh 3 huyện dưới đời vua Lê Thánh Tông. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Năm Tân Mão (1471), sau khi mở đất đến núi Thạch Bi, bên cạnh việc đặt thừa tuyên Quảng Nam, vua Lê Thánh Tông cũng cho đặt thêm phủ Hoài Nhơn. Phủ Hoài Nhơn lúc này lệ vào thừa tuyên Quảng Nam và quản lĩnh 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Về việc này, mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 22, mặt khắc 6, 7 có ghi rất rõ.
Tên gọi phủ Hoài Nhơn ổn định được 131 năm, đến năm Nhâm Dần (1602), chúa Nguyễn Hoàng sau thời gian vào Nam trấn nhậm đã cho đổi làm phủ Quy Nhơn. Danh xưng Quy Nhơn bắt đầu xuất hiện từ đây.
Về sự kiện này, mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 22, mặt khắc 8, ghi như sau: “Đổi phủ Tư Ngãi làm phủ Quảng Ngãi, phủ Hoài Nhơn làm phủ Quy Nhơn”. Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí cũng ghi chép: “Năm Nhâm Dần (1602), Thái tổ Gia Dụ hoàng đế, đổi phủ Hoài Nhơn làm phủ Quy Nhơn, đặt các chức tuần phủ, khám lý, vẫn lệ vào dinh Quảng Nam”. Như vậy, danh xưng Quy Nhơn xuất hiện lần đầu tiên vào năm Nhâm Dần (1602). Như vậy tính đến nay, danh xưng này đã có 420 năm lịch sử và như đã thấy, có thể nói chúa Nguyễn Hoàng là người khai sinh cho Quy Nhơn.
Trải cùng thăng trầm của lịch sử, tên gọi Quy Nhơn cũng có nhiều lần đổi thay. Năm Tân Mão (1651), chúa Nguyễn Phúc Tần đã cho đổi phủ Quy Nhơn làm phủ Quy Ninh; danh xưng này tồn tại tới 92 năm, đến năm Nhâm Tuất (1742), chúa Nguyễn Phúc Khoát cho lấy lại tên cũ - phủ Quy Nhơn. Tuy nhiên, đến năm Tân Mão (1831), vua Minh Mạng cho đổi tên phủ Quy Nhơn làm phủ Hoài Nhơn và năm Nhâm Thìn (1832), vua khi chia địa hạt các tỉnh, vua đổi tên gọi là tỉnh Bình Định.
Hồ sơ 1447, tờ 42, 43, phông Tòa Khâm sứ Trung kỳ ghi về việc phân chia Quy Nhơn thành 5 khu phố, năm 1930.
Ngày 20.10.1898, vua Thành Thái ra chỉ dụ thành lập thị xã Quy Nhơn. Bấy giờ, TX Quy Nhơn được xem là đô thị tỉnh lỵ có hoạt động thương mại với nước ngoài khá sầm uất. Đến ngày 30.4.1930, Toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định nâng cấp TX Quy Nhơn lên thành phố cấp 3.2 năm sau, tức ngày 2.7.1932, Toàn quyền Đông Dương tiếp tục ra nghị định về việc bỏ các làng: Cẩm Thượng, Chánh Thành, Hưng Thạnh và phân chia Quy Nhơn thành 5 khu phố.
Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 2.1976, hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi hợp nhất thành tỉnh Nghĩa Bình, TX Quy Nhơn được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh Nghĩa Bình. Ngày 18.6.1986, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định mở rộng và nâng cấp Quy Nhơn từ thị xã lên thành phố trực thuộc tỉnh. Ngày 4.7.1998, TP Quy Nhơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II, sau đó được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bình Định vào ngày 25.1.2010.
Có thể nói, trong suốt 420 năm qua, kể từ năm Nhâm Dần (1602), đến nay, danh xưng Quy Nhơn vẫn luôn được sử dụng ổn định và hiện hữu trên bản đồ Tổ quốc. Người dân Quy Nhơn, mỗi lần nhắc đến danh xưng nơi mình sinh sống đều dâng trào niềm tự hào về những giá trị văn hóa, lịch sử, về phẩm chất, cốt cách của con người trên vùng đất xứ Nẫu.
CAO THỊ QUANG