Vi rút Sars-Cov-2 liên tục biến đổi khó lường: Tiêm vắc xin để duy trì miễn dịch cộng đồng
Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục cảnh báo tình trạng đại dịch toàn cầu. Vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi khó lường, nhất là về mức độ nguy hiểm, có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc xin cũng như né tránh miễn dịch dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát trở lại.
Đến nay, thế giới đã ghi nhận gần 641 triệu ca mắc, hơn 6,61 triệu trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, cả nước ghi nhận hơn 11,5 triệu ca mắc, có 10,6 triệu người khỏi bệnh (92,2%), trên 43.100 ca tử vong (0,38%).
Tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ. Ảnh: Đ. THẢO
Tại Bình Định, theo báo cáo của Sở Y tế, từ ngày 28.6.2021 đến 15.11.2022 đã ghi nhận 141.033 trường hợp mắc Covid-19; trong đó, có 140.705 trường hợp đã khỏi bệnh được xuất viện (tỷ lệ 99,7%), 317 trường hợp tử vong (tỷ lệ 0,2%), hiện còn 11 trường hợp đang điều trị (tỷ lệ 0,01%); 7 trường hợp đang quản lý điều trị tại nhà. Theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, số liệu này cho thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 tại tỉnh Bình Định đang được kiểm soát tốt.
Cùng với đó, về công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, ở đối tượng từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 100%; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 97,5%; tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt 60,3%; tỷ lệ tiêm mũi 4 đạt 75,9%. Các địa phương có tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại 1 và 2 thấp dưới 60%, như: An Lão (mũi 3: 43,6%), TP Quy Nhơn (mũi 3: 53,8%), TX An Nhơn (mũi 3: 53,9%), Phù Cát (mũi 3: 56,9%)...
Đối với đối tượng từ 12 - dưới 18 tuổi, trẻ đã được tiêm chủng đủ 2 mũi đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ trẻ được tiêm mũi nhắc đạt 57,9%. Các địa phương có tỷ lệ tiêm mũi nhắc cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi thấp là: An Lão (26%), Phù Mỹ (29,2%), Quy Nhơn (37,8%), Tây Sơn (57,8%).
Đối với trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, tỷ lệ trẻ được tiêm 1 mũi vắc xin đạt 89,2%; tỷ lệ trẻ tiêm đủ 2 liều đạt 59,6%. Các địa phương có tỷ lệ tiêm mũi 2 thấp là: Quy Nhơn (38,5%), An Lão (38,6%), Phù Mỹ (42,3%), Vĩnh Thạnh (44,1%), Hoài Ân (55,7%), Tây Sơn (58,2%).
Ông Lê Quang Hùng cho biết: Theo đánh giá chung, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và rất khó dự đoán; trong khi đó miễn dịch do mắc bệnh hoặc tiêm chủng sẽ giảm dần theo thời gian; vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại. Ngành Y tế sẽ tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát, mở rộng năng lực điều trị, vắc xin cho các đối tượng nguy cơ cao; đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó với đại dịch Covid-19 trong mọi tình huống.
Theo ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, miễn dịch sau tiêm chủng hoặc do mắc Covid-19 mà có đều không bền vững. Tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ. Qua đó giúp cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và tử vong do Covid-19.
Để tiếp tục duy trì miễn dịch cộng đồng, việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương rất quan trọng. Ông Lê Quang Hùng cho biết: Ngoài công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, chúng tôi sẵn sàng cử lực lượng tiêm vắc xin khi các địa phương, ban, ngành có nhu cầu. Tuy nhiên, để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, việc tuyên truyền vận động của các địa phương, các ban, ngành như ngành GD&ĐT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh... rất quan trọng. Chúng tôi mong muốn các địa phương tiếp tục chỉ đạo tăng cường tuyên truyền đến từng gia đình về tiêm chủng vắc xin phòng ngừa dịch bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân; tổ chức “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động tiêm vắc xin phòng dịch.
ĐỖ THẢO