Thâm canh cây dừa xiêm theo hướng hữu cơ: Năng suất cao, lợi ích bền vững
Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Mô hình “Thâm canh dừa theo hướng hữu cơ” tại xã Ân Đức, huyện Hoài Ân. Mô hình được triển khai tại 5 hộ dân/500 cây dừa xiêm đang trong thời kỳ thu hoạch 4 - 5 năm tuổi.
Một số hộ dân tham quan mô hình. Ảnh: THÀNH NGUYÊN
Đây là những vườn dừa già cỗi, năng suất thấp, sau khi được đưa vào mô hình, dừa được bón phân hữu cơ, cung cấp đủ nước tưới, bổ sung muối cho cây, dọn vệ sinh đúng kỹ thuật thâm canh, tích cực diệt trừ sâu bệnh hại và chủ động phòng trừ dịch hại theo nguyên tắc IPM.
Nhờ vậy, sau 9 tháng triển khai, cây dừa trong mô hình hồi phục, sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 75 quả/cây/năm, cao hơn so với đối chứng 25 quả/cây/năm, lãi khoảng 290 nghìn đồng/cây/năm, cao hơn so với vườn dừa đối chứng 113 nghìn đồng/cây/năm.
Theo các hộ dân tham gia mô hình, nhờ đầu tư chăm sóc, bón phân cân đối, tưới nước, giữ ẩm kết hợp với vệ sinh ngọn dừa đã giúp cây dừa tăng khả năng chống chịu, tỷ lệ bọ dừa, kiến vương, đuông dừa, bệnh thối đọt, đốm lá và chuột gây hại giảm đáng kể. Ngoài ra, hiện tượng rụng trái non cũng ít xảy ra hơn.
Ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, cho biết: Huyện Hoài Ân có 1.650 ha dừa. Tuy nhiên, việc đầu tư chăm sóc vườn dừa chưa được chú trọng, dừa sinh trưởng phát triển kém nên hiệu quả mang lại chưa như mong đợi. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong thâm canh vườn dừa là hết sức cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của cây dừa, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân; việc canh tác theo hướng hữu cơ còn thân thiện với môi trường, cho ra sản phẩm chất lượng cao. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tích cực tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng mô hình giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất.
THÀNH NGUYÊN