PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH UBND TỈNH PHẠM ANH TUẤN:
Đến với Bình Định, nhà đầu tư Đức sẽ được tạo mọi thuận lợi để thực hiện dự án thành công và phát triển bền vững
Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư các DN Đức tại tỉnh Bình Định, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam, là một trong năm tỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. So với các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Bình Định có lợi thế vượt trội, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển KT- XH, nhất là kinh tế biển.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định đến với Bình Định, nhà đầu tư Đức sẽ được tạo mọi thuận lợi để thực hiện dự án thành công và phát triển bền vững.
Bình Định có hệ thống giao thông cơ bản hoàn thiện, đồng bộ, kết nối thuận lợi giữa các vùng, với đầy đủ các phương thức vận tải, đặc biệt là cảng biển quốc tế Quy Nhơn, Cảng hàng không Phù Cát và 5 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh (trong đó đang hình thành các tuyến cao tốc). Bên cạnh các tuyến đường kết nối Cảng Quy Nhơn, sân bay Phù Cát, ga Diêu Trì với khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), khu đô thị, khu du lịch đã và đang được đầu tư xây dựng.
Bình Định đang đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH để sẵn sàng đón các nhà đầu tư, nhất là hạ tầng KKT, KCN với tổng diện tích 15.300 ha và hạ tầng cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.940 ha.
TP Quy Nhơn là cực tăng trưởng phía Nam của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là trung tâm logistics, thương mại, vui chơi giải trí, giáo dục đào tạo, tài chính ngân hàng và y tế chuyên sâu, đáp ứng mọi nhu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong tương lai, Quy Nhơn còn trở thành trung tâm văn hóa của cả khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
Theo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh Bình Định đứng thứ 11/63 tỉnh, thành và đứng thứ 3/12 địa phương thuộc khu vực Duyên hải miền Trung của Việt Nam. Trên 60% dân số tỉnh Bình Định hiện nay đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Hiện nay, việc cấp giấy phép cho chuyên gia, lao động nước ngoài được thực hiện theo quy trình công khai, đơn giản và nhanh chóng.
Nhiều nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ, Thái Lan, Singapore... và nhiều nhà đầu tư lớn trong nước đến tìm hiểu, tin tưởng, lựa chọn tỉnh Bình Định để đầu tư và phát triển hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, CHLB Đức hiện là đầu tàu kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, do đó tiềm năng và dư địa hợp tác giữa Bình Định và CHLB Đức là rất lớn. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng năm 2022 của tỉnh đạt hơn 1.263,6 triệu USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ. Các mặt hàng được xuất khẩu của Bình Định đến 116 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 5 châu lục. Trong đó, xuất khẩu sang châu Âu đạt 273,3 triệu USD, chiếm 21,6% và cụ thể xuất khẩu sang Đức đạt 71 triệu USD, chiếm 5,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Từ những con số này cho thấy, hoạt động giao thương giữa Bình Định với Đức cũng chưa mạnh.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Đức, gồm: Thủy hải sản, dăm gỗ, ván ép, gỗ tinh chế nội ngoại thất, sản phẩm may mặc, giày dép, quặng, khoáng sản, sản phẩm từ chất dẻo. Trong số các mặt hàng chủ lực của tỉnh Bình Định sang thị trường Đức thì sản phẩm gỗ tinh chế là mặt hàng có thế mạnh, với kim ngạch xuất khẩu cao nhất đạt 37,5 triệu USD, tăng 99,3% so với cùng kỳ; tiếp đến là sản phẩm từ chất dẻo, được xem là mặt hàng mới trong 2 năm trở lại đây xuất khẩu sang thị trường Đức và là mặt hàng có thế mạnh của các DN xuất khẩu của tỉnh Bình Định.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (thứ 3, từ trái sang) và nhà đầu tư Đức tại hội nghị.
Thời gian gần đây, khách hàng Đức ngày càng quan tâm đến hàng hóa Việt Nam, sẵn sàng sử dụng các sản phẩm nhập khẩu từ các nước phát triển khi sản phẩm đó có xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh. Đây được xem là cơ hội tốt cho các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh Bình Định. Ngoài các mặt hàng xuất khẩu nêu trên thì chúng tôi có nhiều sản phẩm thế mạnh mà người tiêu dùng Đức có nhu cầu cao như: Sản phẩm nông nghiệp, trái cây nhiệt đới, thịt gia súc, gia cầm…
Đối với nhập khẩu, trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Đức đạt 3,4 triệu USD, tăng 129,8% so với năm 2021. Các mặt hàng nhập khẩu từ Đức chủ yếu là nguyên phụ liệu dược phẩm, gỗ và sản phẩm từ gỗ, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, sản phẩm từ sắt thép, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng…
Những năm qua mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa tỉnh Bình Định và cộng đồng DN của Đức ngày càng mở rộng, sâu sắc. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư các DN Đức trên địa bàn tỉnh Bình Định còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai bên. Đến nay, toàn tỉnh chỉ có 4 dự án của các nhà đầu tư Đức với tổng vốn đăng ký đầu tư là 55,09 triệu USD, chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Nói chung, các dự án này hiện đang hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là dự án Nhà máy sản xuất màng mỏng của Công ty TNHH Kurz Việt Nam tại Bình Định, vốn đầu tư 40 triệu USD, kỳ vọng là dự án tiêu biểu cho sản xuất công nghệ cao, góp phần thu hút các dự án khác tương tự đầu tư vào Bình Định.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, trong chiến lược phát triển, Bình Định đang hoàn thiện quy hoạch tỉnh, theo đó mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung; kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên 5 trụ cột tăng trưởng: Công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa; phát triển tất cả lĩnh vực với nguyên tắc phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu; trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại. Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước; là trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam. Kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: Công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp công nghệ thông tin và AI; du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ và hệ thống logistics hiệu quả.
Qua tìm hiểu, các DN Đức có thế mạnh trong các lĩnh vực, như: Năng lượng, công nghiệp chế tạo máy móc, cơ khí, công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp công nghệ cao, môi trường, tự động hóa, logistics, cảng biển,… Được biết, các nhà đầu tư của Đức tham dự Hội nghị hôm nay tại các điểm cầu đang đầu tư các lĩnh vực: Điện tử, kim loại công nghệ cao, logistics, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, high-tech, dệt may. Đây chính là những lĩnh vực rất phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, gồm: Công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa, xử lý nước sạch, rác thải, nước thải.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (bên phải) chào đón nhà đầu tư Đức dự hội nghị.
Chủ tịch Phạm Anh Tuấn chia sẻ: Khi đầu tư vào Bình Định nói chung và KKT Nhơn Hội nói riêng, đặc biệt là KCN Becamex VSIP Bình Định, nhà đầu tư sẽ được áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất của Chính phủ Việt Nam và ưu đãi bổ sung của tỉnh Bình Định. Cụ thể: DN sẽ được áp dụng mức thuế thu nhập DN 10% trong 15 năm đầu, miễn 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. Hiện nay, mức thuế thu nhập DN bình thường là 20%. Nhà đầu tư sẽ được miễn thuế nhập khẩu 5 năm đầu sản xuất đối với nguyên liệu, bán thành phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất được hoặc sản xuất nhưng không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Khi đầu tư vào địa bàn khác của tỉnh, tùy theo ngành nghề đầu tư ưu đãi hoặc đặc biệt ưu đãi, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi miễn một số năm tiền thuê đất, giảm thuế suất và miễn một số năm thuế thu nhập DN, miễn thuế nhập khẩu tạo tài sản cố định… Đối với các dự án năng lượng điện tái tạo, tỉnh Bình Định luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư khảo sát nghiên cứu, việc thực hiện dự án sẽ tuân theo quy định của Chính phủ Việt Nam.
Chủ tịch cũng thông tin về 7 dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh - vấn đề được nhiều nhà đầu tư Đức quan tâm. UBND tỉnh Bình Định đang kiến nghị bổ sung vào quy hoạch 18 dự án điện mặt trời (1.169MWp) và 11 dự án điện gió (6.174,5MW). Tập đoàn PNE cũng đang nghiên cứu đầu tư điện gió ngoài khơi với công suất dự kiến là 2.000MW, nếu dự án này được triển khai thì đóng góp rất lớn cho sản lượng điện của cả nước và khu vực, đóng góp tích cực cho phát triển KT- XH của tỉnh.
Hiện tại, năng lượng các DN sử dụng chủ yếu từ nguồn điện lưới quốc gia, trong đó tỷ trọng năng lượng sạch đang tăng dần theo các năm. Nếu các dự án năng lượng tái tạo được triển khai nhanh thì tỷ trọng năng lượng sạch tại Bình Định sẽ gia tăng nhanh chóng. Dự kiến cơ bản sau năm 2030, các sản phẩm của DN điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh sẽ cơ bản đảm bảo sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định: Với quan điểm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để phấn đấu trở thành “điểm đến lý tưởng” đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, Bình Định hết sức chú trọng công tác cải cách hành chính, cụ thể là cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan và cải thiện mối quan hệ giữa nhà đầu tư, DN với chính quyền, hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, DN. Bình Định luôn coi lợi ích hợp pháp, chính đáng và thành công của nhà đầu tư là thành công của chính mình. Đến với Bình Định, các DN, các nhà đầu tư Đức sẽ được tạo mọi thuận lợi để thực hiện dự án thành công và phát triển bền vững.
Với tâm huyết và trách nhiệm vì sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Định, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn, trân trọng mời các DN, nhà đầu tư Đức đến với tỉnh Bình Định. Đồng chí bày tỏ mong muốn thời gian tới, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam tiếp tục hợp tác, kết nối các DN Đức nhằm thúc đẩy, triển khai các hoạt động thương mại và xúc tiến đầu tư giữa hai bên; mong muốn được sự quan tâm hỗ trợ hơn nữa của Bộ Ngoại giao, Bộ KH&ĐT và các cơ quan Trung ương trong liên kết, hợp tác với các đối tác của Đức. Hy vọng sau hội nghị này, sẽ ngày càng có nhiều DN, nhà đầu tư Đức tin tưởng, coi Bình Định là điểm đến quan trọng trong sự nghiệp đầu tư kinh doanh của mình; tạo ra một khí thế mới, động lực mới để cùng nhau phát triển bền vững.
Lần đầu tôi đến Bình Định và Quy Nhơn, đây là một nơi xanh - đẹp có tiềm năng tốt. Chúng tôi đi thăm hiện trường và được đón tiếp nồng hậu, chúng tôi có cảm giác thân thiện như được đón người bạn.
Tổ chức của chúng tôi đại diện cho 400 DN Đức làm việc tại khu vực Châu Á, Thái Bình Dương. Thực ra thì cách đây 1 tuần, chúng tôi có hội nghị lớn của DN Đức tại Singapore với chủ đề về đa dạng hóa và Trung Quốc + 1 và Việt Nam được nhắc đến là một đích đến đầu tư hấp dẫn. Tôi đã quảng bá cho Việt Nam nhiều rồi, và đến thăm Việt Nam rất nhiều - tôi hiểu rõ tiềm năng và cả bất cập ở Việt Nam.
Tôi đánh giá cao Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý hỗ trợ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong việc hoàn thiện khung pháp lý và các vấn đề liên quan, Việt Nam còn nhiều dư địa để cải thiện, học hỏi và hoàn thiện.
Với các nhà đầu tư của Đức, chúng tôi quan tâm đến các vấn đề khi quyết định lựa chọn đầu tư, đó là thông tin minh bạch, đáng tin cậy về dữ liệu; thông tin kinh tế, môi trường kinh doanh; tính ổn định về mặt kinh tế và chính trị.
Việt Nam đang làm tốt mục số 3, tuy nhiên tính minh bạch về dữ liệu và chia sẻ thông tin còn vãn cần lưu ý. Phía Đức quan tâm tới phát triển kinh tế xanh, các tiêu chuẩn về thu gom tái chế còn hạn chế, Đức sẽ hỗ trợ cải thiện. Đầu tư vào xanh có thể chi phí nhiều hơn song sản phẩm làm ra giảm ô nhiễm môi trường. Trong kinh doanh, các tiêu chuẩn về kinh doanh phải được tuân thủ.
Về kinh tế và thương mại của Việt Nam, với sự tham gia của các DN Đức sẽ phát triển, nhưng phải vượt qua trở ngại và thách thức.
Ông Daniel Markek, Giám đốc khu vực ASEAN, Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại châu Á - Thái Bình Dương.
Trong tình hình thế giới nhiều biến động như hiện nay thì các khoản đầu tư trong tương lai xem xét rất quan trọng, một số DN của Đức đang tìm kiếm cơ hội hợp tác ở các thị trường mới. Việt Nam là một điểm sáng ở Đông Nam Á, chúng tôi đang nghiên cứu đánh giá tiềm năng của Việt Nam trong tương lai.
Ông Martin Klose, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Trung Quốc - khu vực phía Nam và Tây Nam.
NHÓM PHÓNG VIÊN PHÒNG KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI