Philippines và Mỹ bắt đầu thảo luận về thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự
Philippines và Mỹ bắt đầu các cuộc đàm phán về thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự, mở đường cho Mỹ xuất khẩu các vật liệu, thiết bị hạt nhân dân sự sang Philippines.
Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 20.11 cho biết, trong chuyến thăm Philippines đang diễn ra, bà Kamala Harris sẽ thông báo việc Mỹ và Philippines bắt đầu các cuộc đàm phán về “Thỏa thuận 123” - một thỏa thuận mở đường cho hai nước hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự.
Phó Tổng thống Mỹ Harris thăm Philippines. Ảnh: Reuters
Theo Luật an ninh quốc gia Mỹ, thỏa thuận này có ý nghĩa hết sức quan trước khi hỗ trợ đối tác mở rộng hợp tác về năng lượng không phát thải, nhằm đảm bảo mục tiêu không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Khi có hiệu lực, “thỏa thuận 123” cho phép các công ty Mỹ xuất khẩu thiết bị, vật liệu hạt nhân dân sự sang Philippines, giúp Philippines tăng cường an ninh năng lượng, chuyển dịch sang nguồn năng lượng sạch đáp ứng mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu.
Philippines và Mỹ cũng sẽ thiết lập Đối tác Chính sách năng lượng nhằm phát triển các hình thức hợp tác năng lượng mới, gồm lập kế hoạch năng lượng ngắn hạn và dài hạn, phát triển năng lượng gió ngoài khơi, ổn định lưới điện và truyền tải điện…
Hồi tháng 3 năm nay, Mỹ và Philippines đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về thúc đẩy hợp tác hạt nhân dân sự chiến lược, cho phép Mỹ giúp khôi phục chương trình điện hạt nhân tại Philippines.
Trong chuyến thăm Philippines, ngoài vấn đề an ninh năng lượng, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thảo luận với Tổng thống Ferdinand Marcos hàng loạt vấn đề nhằm thúc đẩy quan hệ đồng minh an ninh, kinh tế như: ứng phó biến đổi khí hậu; an ninh lương thực; kinh tế số; y tế; hợp tác hàng hải; đảm bảo trật tự dựa trên luật lệ, duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông…
Theo Võ Giang (VOV)