Tuy Phước phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa
Thời gian qua, huyện Tuy Phước chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa trên địa bàn, xem văn hóa là một nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH. Tuy nhiên, công tác này còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Tuy Phước là vùng đất có hệ thống di tích (DT) lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng, giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Toàn huyện hiện có 17 DT lịch sử đã được xếp hạng, trong đó có 4 DT cấp quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngoài ra còn có 1 CLB bài chòi cấp huyện, 4 CLB bài chòi cấp xã, 2 CLB bài chòi trong trường học, 3 đoàn nghệ thuật tuồng không chuyên; 2 võ đường là nơi thực hành, truyền dạy võ cổ truyền Bình Định và phục vụ du khách.
Ông Huỳnh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Hiểu rõ ý nghĩa, sức tác động của bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa đó, huyện đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu giá trị lịch sử, tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, tích cực giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, ý chí tự lực vươn lên cho cộng đồng cư dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Quang cảnh di tích Mộ Lê Đại Cang. Ảnh: T. LỢI
Dù giàu tiềm năng như vậy, nhưng công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập; đặc biệt là nhiều DT lịch sử cách mạng, văn hóa bị xuống cấp chưa được trùng tu, tôn tạo kịp thời. Chẳng hạn, sau khi được trùng tu, sửa chữa dựa trên nguyên bản và được công nhận là DT lịch sử cấp quốc gia vào năm 1998, DT Mộ Đào Tấn (trên núi Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa) chưa kịp phát huy tác dụng bao nhiêu thì đã xuống cấp. Tương tự, Mộ Lê Đại Cang là DT cấp tỉnh nhưng chưa được khoanh vùng bảo vệ rõ ràng, nên một số diện tích đất trong khuôn viên DT bị người dân chiếm dụng trồng trọt. Một số DT lịch sử, văn hóa khác, như: Đình làng Vinh Thạnh, Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu, Nước Mặn - Nơi phôi thai chữ Quốc Ngữ… cũng xuống cấp, khuôn viên chật hẹp, song chưa được đầu tư, mở rộng.
Để sớm có phương án khắc phục những bất cập trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị DT lịch sử, di sản văn hóa, trung tuần tháng 11 này, lãnh đạo Sở VH&TT và UBND huyện Tuy Phước đã tổ chức khảo sát thực tế tại nhiều điểm, làm cơ sở để bàn giải pháp tháo gỡ, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch trùng tu, tôn tạo các DT lịch sử, văn hóa.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho hay: “Trước mắt, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan lập báo cáo, hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để sớm thực hiện việc trùng tu, tôn tạo DT Mộ Đào Tấn, Mộ Lê Đại Cang trong năm 2023, đồng thời, xây dựng hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận và xếp hạng DT Nước Mặn - Nơi phôi thai chữ Quốc Ngữ là DT cấp quốc gia, mở rộng tuyến đường chính dẫn về DT Chùa Bà - Nước Mặn nhằm tạo điều kiện phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia này vào thực tế. Ngoài ra, Sở VH&TT cũng thống nhất, ủng hộ UBND huyện Tuy Phước mở rộng khuôn viên DT Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu”.
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Huỳnh Nam cho biết thêm: “Thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì, phát triển có hiệu quả hoạt động của hội hô, hát bài chòi dân gian huyện; tích cực tìm kiếm các gương mặt trẻ có năng khiếu để đào tạo, phát triển đội ngũ kế thừa nghệ thuật này. Địa phương cũng đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả đề án bảo tồn, phát huy các CLB, võ đường truyền dạy võ cổ truyền tiêu biểu, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức này trên địa bàn huyện. Huyện kiến nghị Sở Du lịch quan tâm, xác định giá trị các DT có khả năng khai thác du lịch để đưa vào tour, tuyến phục vụ phát triển du lịch…”.
TRỌNG LỢI