Già làng góp phần giữ bình yên tuyến núi
Nhiều năm qua, công tác quân sự, quốc phòng trên địa bàn tỉnh được giữ vững và phát triển, trong đó tình hình an ninh quốc phòng ở miền núi được duy trì ổn định. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của các già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài dân tộc Kinh, trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có 39 dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Toàn tỉnh có gần 11.000 già làng, trưởng thôn; 30% trong số đó là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nghỉ hưu, CCB, cựu quân nhân, cựu xã đội trưởng, xã đội phó. Đây là các hạt nhân có nhiều đóng góp trong công tác quân sự, quốc phòng tại địa phương.
Nói dân nghe, hô dân hưởng ứng
Làng Tà Lét (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) có hơn 40 hộ dân. Với kinh nghiệm và uy tín cao, lồng ghép trong các buổi họp làng, ông Đinh Biên (68 tuổi) luôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, chính sách về dân tộc của Đảng, Nhà nước. Qua đó, nâng cao cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, lợi dụng các vấn đề dân tộc để chống phá, gây rối ở cơ sở, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc.
“Việc tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, và mình phải là người gương mẫu, làm trước để mọi người noi theo. Bà con trong làng luôn đoàn kết, chăm lo làm ăn. Có việc gì chưa hiểu, chưa thông bà con đều đến gặp tôi hỏi ý kiến, không làm theo lời dụ dỗ của kẻ xấu”, ông Biên chia sẻ.
Vinh dự, tự hào luôn gắn với trách nhiệm lớn lao. Đó là tâm niệm của ông Đinh Tuyên (78 tuổi), người có uy tín tại làng M3, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh. Có vốn sống dày dặn, ông Tuyên thường xuyên truyền đạt, tận tình chỉ bảo thế hệ con cháu trong làng tinh thần vượt khó vươn lên, đóng góp thiết thực cho xã hội. Ông Tuyên cũng tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động thanh niên trong làng hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.
Ông Tuyên kể: “Năm ngoái làng có 3 thanh niên xung phong nhập ngũ. Trước khi các cháu đi, tôi đến từng nhà và dặn các cháu rằng: Mình được sinh ra, lớn lên trong hòa bình phải luôn ghi nhớ công ơn của những người đi trước. Trong môi trường quân ngũ, phải phấn đấu học tập, tu dưỡng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chớ vì khó khăn, vất vả mà đào ngũ, trốn về, làm ảnh hưởng đến truyền thống quê hương”.
Cán bộ Ban CHQS huyện Vĩnh Thạnh (giữa) trò chuyện với ông Đinh Biên (trái) và ông Đinh Tuyên để nắm tình hình QP-AN tại địa phương. Ảnh: H.P
Tại làng Canh Lãnh (xã Canh Hòa, huyện Vân Canh), bằng uy tín của mình, ông Sô Y Tuấn (61 tuổi) thường có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm để xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân. Ông Tuấn chia sẻ: “Qua việc tuyên truyền, người dân trong làng rất đồng thuận và nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đến nay, các nội dung của Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dự bị động viên, Luật Dân quân tự vệ đều được đưa vào hương ước, quy ước của làng để làm tiêu chuẩn đánh giá gia đình văn hóa”.
Tiếp tục phát huy vai trò cầu nối
Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác dân vận của LLVT tỉnh, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS về thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, cơ quan quân sự các cấp trên địa bàn tỉnh đã tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp. Trong đó, các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh đã tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin cần thiết để các già làng, người có uy tín nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ của địa phương, chú trọng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Đồng thời, tham mưu cho Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh (QP-AN) đưa những người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN.
Theo trung tá Trần Văn Quân, Trưởng Ban Dân vận, Bộ CHQS tỉnh, nội dung bồi dưỡng chủ yếu về nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với củng cố QP-AN; quan điểm, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; âm mưu, thủ đoạn lợi dụng dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch; các bộ luật, pháp lệnh của Nhà nước liên quan đến nhiệm vụ QP-AN... “Nhờ vậy, các già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS nắm vững các chủ trương, quan điểm để tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH, củng cố QP-AN và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ở cơ sở vững chắc”, trung tá Quân cho hay.
Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, tiến hành nhiều âm mưu, thủ đoạn nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ đoàn kết quân dân, đòi hỏi vai trò của những người có uy tín trong đồng bào DTTS càng phải được nâng cao.
Đại tá Nguyễn Minh Hiến, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, cho biết: “Để tiếp tục phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS, các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tuyên truyền, cổ vũ, khuyến khích, động viên khen thưởng kịp thời... để họ thực sự là cầu nối vững chắc giữa ý Đảng - lòng dân”.
HỒNG PHÚC