"Điểm tựa" của tác phẩm điện ảnh là chính cuộc sống
Đổi mới để phát triển điện ảnh là điều mong mỏi của các nghệ sĩ và công chúng tâm huyết với nghệ thuật nước nhà. Nhưng đổi mới như thế nào lại là câu hỏi không dễ trả lời, nhất là khi một số tác phẩm điện ảnh vừa được công chiếu đã lập tức được tác giả và báo chí giới thiệu nào là trong phim có cảnh "nóng", nào là phim không e ngại, không lẩn tránh các vấn đề... liên quan tới "sex" !
Xã hội và con người Việt Nam đang vận động, phát triển và chính sự biến đổi này là nguồn sinh khí, nguồn tư liệu quan trọng giúp các nhà làm phim mở rộng biên độ đề tài, nâng cao tầm tư tưởng, đồng thời tìm tòi, khám phá, tạo dựng nên những suy nghĩ, hành động điện ảnh mang tính thẩm mỹ, không chỉ đơn thuần thỏa mãn nhu cầu khán giả, mà còn góp phần định hướng nhu cầu, thị hiếu,... Trong bối cảnh đó, điện ảnh không tự giới hạn trong phạm vi các sự kiện, vấn đề, các mối liên hệ xã hội lớn lao, những con người có suy nghĩ, hành động vượt lên trên "cái bình thường". Điện ảnh cần nhìn nhận các vấn đề riêng tư của con người theo xu hướng cởi mở, có tính khám phá và lý giải, qua đó giúp công chúng có cái nhìn toàn diện từ toàn thể là xã hội, đến bộ phận là con người. Trong những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam không chỉ khai thác đề tài về đời sống, bi kịch của con người trong chiến tranh, thời hậu chiến hay đề tài nông thôn, mà các nhà làm phim còn cố gắng khám phá, lý giải đời sống tình cảm của cá nhân, các vấn đề thầm kín của con người trong cuộc sống hiện đại...
Đó là một trong các xu hướng trong nghệ thuật nói chung và trong điện ảnh nói riêng, nhưng vấn đề cần quan tâm là ở chỗ: Tác phẩm thể hiện như thế nào?Không thể phủ nhận việc một số đạo diễn đưa vào tác phẩm các vấn đề, tình huống, trạng thái tinh thần có tính riêng tư cùng sự sáng tạo mới lạ trong cách kể chuyện đã làm nên một số thay đổi, ít nhiều góp phần xây dựng diện mạo mới cho phim Việt Nam. Đáng chú ý là các bộ phim: Chuyện tình trong ngõ hẹp, Cây bạch đàn vô danh, Khoảng vỡ, Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Người đàn bà mộng du,... Chuyện tình trong ngõ hẹp ra đời cách đây hơn 20 năm. Là tác phẩm đầu tay của nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, phim đề cập tới tình cảm cá nhân của con người với cảm xúc, trạng thái bình thường nhưng không đơn thuần chỉ là bản năng, mà còn chứa đựng tâm tư, nguyện vọng, khát khao sâu kín của họ. Phim đem tới cho người xem nhiều suy ngẫm; đặc biệt, dù phản ánh hiện thực một cách táo bạo, mới mẻ, nhưng các chi tiết thầm kín, ẩn ức nội tâm, trạng thái tâm lý phức tạp, mà phim đề cập lại không gợn lên sự dung tục, mà có thể giúp người xem suy nghĩ về các giá trị chân - thiện - mỹ. Trong phim Đời cát, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân vừa khai thác vấn đề hậu quả của chiến tranh và vết thương từ chiến tranh về mặt thể xác, vừa đi sâu vào các tổn thương trong tâm hồn con người. Một người đàn ông trở về sau chiến tranh và hai người đàn bà với hai nỗi đau của trái tim ứa máu, hoặc giành giật cho mình người chồng mà họ hết mực yêu mến, hoặc là nén lòng và nhường nhịn, chọn phần thiệt. Nhưng cả ba con người ấy lại đều chung một nỗi sợ - nỗi sợ vô tình làm tổn thương nhau, tức là trong hoàn cảnh, tình huống éo le, khó xử như vậy, họ vẫn nghĩ cho nhau. Điều đó làm toát lên ở họ đức hy sinh rất đáng trọng. Mô tả tỉ mỉ, tinh tế của đạo diễn qua các trường đoạn, cảnh phim nói lên được nỗi khao khát, ước vọng giản dị nhưng thầm kín nhất của con người. Điều đó khiến cho Đời cát trở thành một bộ phim xúc động về tình yêu, hạnh phúc của những cá nhân bé nhỏ, đức hạnh nhưng lại có phẩm chất, có nghĩa cử cao đẹp. Trong Thung lũng hoang vắng, đạo diễn Nhuệ Giang như đã đi tới tận cùng thế giới nội tâm của người phụ nữ và hơn nữa là thế giới nội tâm của những con người cô đơn trong xã hội hiện đại ở nơi thâm sơn cùng cốc. Trong Đời cát, ba nhân vật Thoa, Cảnh, Tâm đều có nỗi niềm sâu kín, mặc cảm, phải nén lại tình yêu của mình, nhưng trong Thung lũng hoang vắng các nhân vật Giao, Tành, Minh lại hết sức yêu đời, và rất mãnh liệt trong tình yêu...
Tuy nhiên, trong quá trình phản ánh những vấn đề thầm kín của thế giới con người, đôi khi cái tôi cá nhân và những ẩn ức nội tâm, những vùng tối bản năng của con người bị một số đạo diễn khai thác quá mức, có khi còn làm cho méo mó, gây phản cảm; cùng với đó là cách thể hiện khá xa lạ từ đề tài, cấu trúc đến ý tưởng của bộ phim, đôi khi trở nên kỳ dị, như các bộ phim: Sống trong sợ hãi, Chơi vơi, Bi, đừng sợ, Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt. Có thể nói, cảnh táo bạo nhất của các bộ phim nêu trên đều là các cảnh sex. Và việc cảnh sex xuất hiện trong phim với tần suất dày đặc khiến xem phim thấy nhàm chán, và có vẻ như đạo diễn không chỉ coi đó là yếu tố tạo sức hấp dẫn cho phim, mà dường như còn coi đấy là tìm tòi nghệ thuật? Trong Chơi vơi và Bi, đừng sợ, nếu cảnh nóng là cần thiết đối với mạch hành động phim, nằm trong câu chuyện phim và được thể hiện hợp lý, không thô thiển thì rất cần chia sẻ. Nhưng yếu tố tạo cớ để giải thích hành động phim dường như bị đạo diễn triệt tiêu, làm câu chuyện phim trở nên khó hiểu. Các nhân vật cũng tách rời nhau, mọi mối quan hệ giữa các nhân vật đều rệu rã, đường dây cốt truyện không liền mạch, thiếu lô-gic. Mỗi nhân vật trên phim đều ẩn giấu cái bi kịch mà nguồn gốc nảy sinh bi kịch là sự khao khát, thèm muốn tình dục và họ đều có cách riêng để giải tỏa. Và tâm hồn họ như bị tàn phá bởi các khao khát bản năng đến bức bối, đau đớn. Họ bế tắc trước ngõ cụt nội tâm, một cái gì đó đen tối như bao bọc cả ba thế hệ trong một gia đình vì những dục vọng tầm thường. Khi con người chỉ được khai thác ở khía cạnh "con" nhiều hơn "người" thì trong phim mới có cảnh "nóng" khá thô tục mà không nói được điều gì. Còn Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt lại là câu chuyện về hai nhóm nhân vật (không có nhân vật chính) không liên quan với nhau trong đường dây của cốt truyện phim. Mỗi nhóm có hoạt động riêng khiến câu chuyện phim rất rời rạc, và khó hiểu. Thay vào đó, người xem chỉ hiểu được rằng, phim là một sự chắp nối từng mảng sự kiện để tạo thành một câu chuyện. Và đáng tiếc câu chuyện ấy không toát lên được giá trị tư tưởng - nghệ thuật nào đó khả dĩ có thể chấp nhận và nếu có thể coi tình yêu là một "điểm nhấn" trong bộ phim này thì tình yêu ấy cũng rất khó đưa tới cho người xem sự trân trọng, càng khó mang lại cảm xúc thiêng liêng từ những rung động thầm kín nhất của con người. Nói cách khác, hình như các nhà làm phim đã cố tình làm bộ phim thoát ly khỏi nguồn mạch của quan niệm, tư duy thông thường, liệu có thể coi đó là kết quả của hoạt động sáng tạo?
Những vấn đề trên đây đã được một số nhà nghiên cứu, phê bình điện ảnh và báo chí phân tích, cảnh báo, song hình như vẫn chưa tác động nhiều tới suy nghĩ và lao động nghề nghiệp của một số tác giả. Hơn thế nữa, tình trạng trên dường như lại được "hâm nóng" với sự xuất hiện trên Youtube tập 1 của cái gọi là "phim Căn hộ số 69" vừa thô thiển, dung tục, vừa nhảm nhí nhưng được quảng bá là "dám nói thẳng, nói thật không tránh né những vấn đề về tình dục, tình yêu cũng như những cung bậc tình cảm, tâm lý, sinh lý của những thanh niên thành thị ở độ tuổi trưởng thành và tự lập trong cuộc sống của mình" ! Không thể phủ nhận, từ bối cảnh xã hội - con người đương đại, việc các đạo diễn đưa vào phim những vấn đề riêng tư, cùng những tìm tòi, sáng tạo để có sự thể hiện mới lạ trong cách kể chuyện phim đã tạo nên một số đường nét mới trong diện mạo điện ảnh Việt Nam. Nhưng khi cách tân và sáng tạo vượt quá giới hạn của tính hữu lý về tư tưởng - nghệ thuật thì tác phẩm dễ trở nên xa lạ. Dù tác giả điện ảnh có thể nói rất hay, rất có vẻ "có lý" về sự sáng tạo của mình thì tác phẩm vẫn phải dựa trên điểm tựa là chính cuộc đời; các bi kịch cá nhân, bi kịch thời đại, các vấn đề xuất hiện trong cuộc sống của con người hôm nay cũng không nằm ngoài điểm tựa đó; còn trong tác phẩm, dù có là bi kịch, vấn đề có đen tối, nặng nề đến đâu thì vẫn phải đem lại giá trị thẩm mỹ, đem lại cảm xúc đẹp đẽ, trong sáng. Không thể vì tác giả "tôi thấy", "tôi nghĩ", "tôi cho rằng" mà bỏ qua tính chân thực của sự phản ánh.
Khi nghệ sĩ nắm bắt được bản chất sự vận động xã hội, hiểu rõ nội tâm nhân vật, biết tìm cách đào sâu vào các tầng cảm xúc của tâm hồn con người,... sử dụng hình ảnh một cách sáng tạo từ góc nhìn văn hóa, từ tiếp cận có tính văn hóa để phản ánh vào tác phẩm thì sẽ gạt bỏ được sự thô thiển, tục tĩu. Mô tả con người trong tính đa diện nhưng thống nhất và hoàn chỉnh sẽ tạo nên sự phong phú, sống động, chân thực. Nhưng khi khai thác cái bản năng của con người quá mức, ý thức và tính văn hóa trong suy nghĩ hành động chưa được phản ánh hợp lý và hài hòa sẽ làm cho nhân vật trong phim trở nên méo mó, biến dạng, thậm chí làm câu chuyện phim trở nên kỳ quặc, không thuyết phục được người xem. Đó là những vấn đề cần khắc phục để có thể sáng tạo tác phẩm phù hợp hơn với tính cách, lối sống, quan niệm sống của người Việt Nam. Hơn thế nữa, không thể và không nên vì mục đích câu khách mà làm ảnh hưởng đến thị hiếu của người xem, nhất là người xem trẻ tuổi.
. Theo TÙNG GIANG (Nhân Dân)