KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH CỐ THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT (23.11.1922 - 23.11.2022)
Bác Sáu Dân trong ký ức người Bình Ðịnh
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là dịp để mọi người cùng nhắc nhớ những kỷ niệm tươi đẹp về một vị lãnh đạo trọn đời cống hiến cho đất nước, cho nhân dân.
Đổi mới, quyết đoán, cầu thị
Năm nay đã 88 tuổi, ông Trần Văn Nhẫn, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh (giai đoạn 1988 - 1993), ĐBQH khóa VIII, IX, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và ngân sách Quốc hội (1993 - 1999), vẫn minh mẫn, lưu giữ những ấn tượng đẹp về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (hàng trước, thứ ba từ trái qua) cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với Đoàn ĐBQH tỉnh Nghĩa Bình khóa VIII. Ảnh tư liệu
Theo ông Nhẫn, đồng chí Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo tài ba, giàu thực tiễn vì được tôi luyện và trưởng thành qua quá trình hoạt động cách mạng ở miền Nam, làm lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.
“Anh Kiệt là người tâm huyết, luôn có tinh thần đổi mới, quyết đoán vì dân vì nước, giàu lòng nhân ái. Một trong những điểm tôi tâm phục là anh rất chịu khó lắng nghe, cả với ý kiến trái chiều. Đây là điều rất quan trọng với người lãnh đạo, bởi những người dám phản biện thường là người có tài, tâm huyết. Có lắng nghe ý kiến trái chiều mới làm sáng tỏ các vấn đề chân lý…”, ông Nhẫn nhìn nhận.
Ông Nhẫn kể lại, khi Chính phủ trình Quốc hội dự án đường dây 500 kV Bắc - Nam vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, có nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện rất khó khăn, cần thiết nhưng chưa phải lúc làm… Tuy nhiên, với sự quyết tâm, sẵn sàng chịu trách nhiệm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt bảo vệ quan điểm phải làm, bởi miền Nam khi đó đang rất thiếu điện, điện ở miền Trung cũng khó khăn, trong khi miền Bắc lại thừa điện. Cuối cùng, dự án cũng được triển khai, dưới sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, ủng hộ về mọi mặt của Thủ tướng, tạo nên kỳ tích cho ngành điện, góp phần quan trọng phát triển KT-XH đất nước.
Cũng vào khoảng thời gian đó, ông Nhẫn cho biết tỉnh đã làm việc với một quốc gia, đề nghị Chính phủ cho mua thiết bị máy móc của nước này đầu tư cho công trình Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh). Song, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại chỉ đạo mua thiết bị máy móc hiện đại của Pháp, dù kinh phí nhiều hơn. Sự quan tâm sâu sát này đã góp phần quan trọng đem đến hiệu quả cao cho hoạt động của Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn; đến nay sau gần 30 năm, máy móc của Pháp vẫn bền, hoạt động tốt.
Ông Nhẫn vẫn nhớ rõ, cách đây khoảng 30 năm, Chính phủ có quy định cấm xuất khẩu gỗ tròn. Khi Thủ tướng về thăm, làm việc tại tỉnh, lãnh đạo tỉnh báo cáo địa phương có được nguồn rất lớn gỗ tròn thuộc gỗ nhóm 1 khai thác từ một tỉnh kết nghĩa ở Campuchia. Thủ tướng xuống Cảng Quy Nhơn, thấy gỗ tròn tập kết ở đây rất nhiều mà không xuất khẩu được.
“Sau chuyến công tác, Thủ tướng cho phép riêng Bình Định được xuất khẩu gỗ tròn. Nhờ vậy, tỉnh có được nguồn thu rất lớn để giải quyết khó khăn, góp phần phát triển KT-XH”, ông Nhẫn kể.
Người lãnh đạo nhân ái, rộng lượng
Nhà thơ Lệ Thu (82 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, ĐBQH khóa IX) cho biết, bà quý mến anh Sáu Dân (bí danh của đồng chí Võ Văn Kiệt) có nhiều cống hiến trong kháng chiến, nhiệt tâm đi đầu trong công cuộc đổi mới với nhiều quyết sách có lợi cho đất nước, nhân dân.
Bà Thu kể lại, trong một kỳ họp Quốc hội khóa IX, bà đã chất vấn rất gay gắt đối với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi Chính phủ trình Quốc hội về việc đầu tư một siêu dự án giao thông quốc gia, đặt ra vấn đề đã tính toán kỹ lưỡng thiệt hơn, đảm bảo theo đúng quy định hay chưa?
Sau đó vài năm, nhà thơ Lệ Thu tham gia đoàn thực tế của Hội Nhà văn Việt Nam tại các tỉnh miền Nam. Đồng chí Võ Văn Kiệt khi đó đã hết làm Thủ tướng, biết được đã mời đoàn gặp mặt ở TP Hồ Chí Minh, liên hoan, trò chuyện. Trong lần gặp lại này, nhà thơ Lệ Thu tiếp tục đưa ra “câu hỏi hóc búa” đối với anh Sáu Dân về quy định trong Bộ Luật Hình sự năm 1999 có nội dung liên quan đến việc “hậu xử lý” người phạm tội tham ô, tham nhũng… Ông trả lời nhẹ nhàng, trò chuyện vui vẻ.
“Tôi muốn nhắc lại chuyện này để thấy anh Sáu Dân không chấp nhặt, luôn bao dung đối với người thẳng tính, luôn muốn đấu tranh, lên án những việc chưa đúng, chưa tốt như tôi. Đồng thời, anh cũng là người rất quan tâm đến văn nghệ sĩ và chúng tôi cũng quý mến, kính trọng anh”, nhà thơ Lệ Thu chia sẻ.
GS Hoàng Chương (người Bình Định, Viện trưởng Viện nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc) từng kể về câu chuyện ông khuyên NSND Võ Sĩ Thừa (nguyên Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, ĐBQH khóa VII, mất năm 2005) khi lâm bệnh nặng, hoàn cảnh khó khăn, nên viết thư nhờ Thủ tướng Võ Văn Kiệt giúp đỡ.
GS Hoàng Chương chuyển bức thư này đến tận tay Thủ tướng. Sau đó, nhờ có ý kiến của Thủ tướng, NSND Võ Sĩ Thừa được đưa ra một bệnh viện lớn ở TP Hà Nội phẫu thuật. Sau khi khỏi bệnh, NSND Võ Sĩ Thừa viết thư gửi Thủ tướng, bày tỏ sự biết ơn, kính phục một nguyên thủ quốc gia thực sự quan tâm đến đời sống nghệ sĩ sân khấu truyền thống.
HOÀI THU