Chuyển đổi số trong ngành GD&ÐT: Phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết tâm cao
Ông Nguyễn Ðình Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT, cho hay, Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Giáo dục tỉnh Bình Ðịnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 được tỉnh ban hành xác định tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong những khâu có tính đột phá, hướng đến tạo ra những thay đổi quan trọng trong giáo dục.
Thưa ông, những năm gần đây, ngành GD&ĐT tỉnh đã tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức…
- Những năm gần đây, ngành GD&ĐT tỉnh đã thực hiện chuyển đổi số trên nhiều phương diện. Từ việc tăng cường cơ sở vật chất, nền tảng phục vụ chuyển đổi số đến việc ứng dụng các sản phẩm phần mềm để nâng cao hiệu quả công việc như hỗ trợ tổ chức các kỳ thi, hỗ trợ công tác quản trị trường học (quản lý sổ điểm điện tử, quản lý đội ngũ giáo viên, đánh giá kết quả học tập của học sinh, quản lý thư viện trường học…). Những thành công đó đã góp phần giúp ngành giáo dục hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, trên thực tế còn rất nhiều khó khăn, thách thức cho mục tiêu chuyển đổi số của ngành. Điều dễ nhận thấy là quy mô của ngành GD&ĐT tỉnh khá lớn với hơn 600 trường học, hơn 300 nghìn học sinh và giáo viên, nhân viên. Nhận thức của một bộ phận quản lý, giáo viên, nhân viên còn hạn chế, đòi hỏi quá trình dài để thay đổi “tư duy số”. Trình độ năng lực, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng, còn ngại thay đổi. Cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT tuy được đầu tư nâng cấp, song chưa thể đáp ứng nhu cầu ứng dụng hiệu quả CNTT vào GD&ĐT, đặc biệt vùng sâu, vùng xa; các phần mềm đang sử dụng được cung cấp từ nhiều nguồn nên tính liên thông giữa các ứng dụng chưa tốt và chức năng còn hạn chế chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu ngày càng cao của chuyển đổi số trong tình hình mới.
Để giải quyết tốt những vấn đề trên, ngoài việc hình thành cơ sở dữ liệu chung đầy đủ, cập nhật thường xuyên còn phải có một nền tảng đủ mạnh, hệ thống phần mềm đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo thay đổi phương pháp dạy học tích cực, trong đó ứng dụng CNTT hết sức quan trọng.
Trước những thách thức trên, kế hoạch chuyển đổi số của ngành Giáo dục tỉnh sẽ ưu tiên tạo ra sự thay đổi nào?
- Chuyển đổi số trong giáo dục cần thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, phạm vi rộng lớn. Từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số đến việc vận hành mọi công tác từ quản trị, quản lý, các hoạt động phục vụ, hỗ trợ phục vụ cho việc dạy học, phối hợp các lực lượng giáo dục… đảm bảo các hoạt động, quan hệ, thao tác đang thực hiện trong môi trường số để vận hành, kết nối tốt hơn, rộng mở hơn, tạo ra nhiều cơ hội học tập hơn.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục được triển khai trực tuyến đạt trung bình 5% ở tiểu học, 10% ở trung học. Ảnh: M.H
Dù thực hiện đồng bộ nhưng Kế hoạch của ngành Giáo dục tỉnh vẫn ưu tiên hai mục tiêu. Đó là, “đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hằng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học” và “đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước và các cơ sở giáo dục”. Các nội dung cụ thể là cơ sở giáo dục phải chuẩn bị điều kiện cho môi trường giáo dục trực tuyến, triển khai một số nội dung phù hợp. Ứng dụng cần trong quản trị trường học, quản lý giáo dục và các dịch vụ công trực tuyến.
Đến năm 2030, đưa toàn bộ hệ thống giáo dục tỉnh vào môi trường số. Trong đó, hoàn thiện một nền tảng dạy và học trực tuyến của tỉnh tích hợp kho học liệu số, hỗ trợ 100% học sinh và giáo viên tham gia có hiệu quả hoạt động giáo dục trực tuyến; đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông; 100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trong hệ thống giáo dục của tỉnh được quản lý trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với các cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia.
Vậy giải pháp thực hiện ra sao, thưa ông?
- Kế hoạch chuyển đổi số của ngành đã đặt ra 6 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện quan trọng. Trước hết, tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT. Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học. Triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý GD&ĐT và cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức, đào tạo, bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên và học sinh; nâng cao chỉ số phát triển nguồn nhân lực về Chính phủ điện tử. Huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường giám sát, đánh giá việc thực hiện cơ chế, chính sách. Trong các nhiệm vụ và giải pháp này, xây dựng đội ngũ nhân lực, đặt học sinh và nhà giáo ở trung tâm của quá trình chuyển đổi số là cực kỳ quan trọng.
Xin cảm ơn ông!
MAI HOÀNG (Thực hiện)