Vụ đông xuân 2022 - 2023: Chủ động, linh hoạt triển khai sản xuất phù hợp
Ðể chuẩn bị tốt cho sản xuất vụ Ðông Xuân 2022 - 2023, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất, lịch thời vụ, cơ cấu giống, biện pháp phòng trừ dịch hại, phương án tổ chức sản xuất theo hướng chủ động, linh hoạt phù hợp với điều kiện từng địa phương.
Vụ Đông Xuân 2021-2022 thắng lợi, đảm bảo kế hoạch đề ra
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, năm 2022, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh (tính cả 3 vụ) hơn 94.500 ha, năng suất bình quân 66,9 tạ/ha, tăng 0,4% so với năm 2021, sản lượng đạt hơn 632 nghìn tấn, đạt 100% kế hoạch của năm. Trong đó, vụ Đông Xuân 2021 - 2022, diện tích sản xuất lúa là 47.603 ha, năng suất bình quân đạt 69,7%/ha, sản lượng gần 332 nghìn tấn; sản xuất gần 60.000 ha cây trồng cạn, trong đó vụ Đông Xuân hơn 30.600 ha, năng suất và sản lượng đều tăng so với năm 2021; đậu phụng tăng 0,4 tạ/ha; bắp tăng 2,3 tạ/ha; rau dưa các loại tăng 4,2 tạ/ha. Toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi hơn 3.100 ha trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, trong đó riêng vụ Đông Xuân 2021 - 2022 chuyển đổi 700 ha, trung bình lợi nhuận từ các diện tích chuyển đổi tăng từ 4 - 23 triệu đồng/ha so với trước đó.
Vụ Đông Xuân 2022 - 2023, các vùng chuyển đổi cây trồng cạn sẽ được rà soát hỗ trợ chuyển đổi phù hợp. Ảnh: THU DỊU
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, vụ Đông Xuân 2021 - 2022, dù gặp một số khó khăn, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, thời tiết diễn biến bất thường (mưa lớn cuối tháng 11 đầu tháng 12.2021 gây ngập úng, mất giống ở một số diện tích mới gieo sạ; mưa lũ bất thường vào cuối tháng 3 làm đổ ngã nhiều diện tích lúa thu hoạch, kéo giảm năng suất 1,8 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm 2020 - 2021), song về cơ bản, sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022 thắng lợi, đảm bảo kế hoạch đề ra.
Chủ động, linh hoạt phù hợp với điều kiện từng địa phương
Chuẩn bị bước vào vụ Đông Xuân 2022 - 2023, ngành nông nghiệp triển khai xây dựng kế hoạch sản xuất, trong đó chú trọng các yếu tố thích ứng với biến đổi khí hậu, biến động thị trường. Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), cho biết: “Bên cạnh lịch thời vụ chung của tỉnh, các địa phương dựa vào đó để có kế hoạch chủ động sản xuất phù hợp với thực tế của từng vùng ở địa phương mình. Để thích ứng với thời tiết thay đổi ngày càng phức tạp, chúng tôi rà soát, phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân tuân thủ lịch thời vụ, cập nhật diễn biến thời tiết để linh hoạt trong gieo sạ, tránh tình trạng mất giống do mưa lớn. Cùng với đó, Chi cục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai một số mô hình sản xuất an toàn, giảm áp lực chi phí do giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Điển hình là áp dụng mô hình canh tác lúa cải tiến SRI; mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ…”.
Tương tự, ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chia sẻ, với vai trò là đơn vị chuyển giao kỹ thuật, các tiến bộ trong KHCN, Trung tâm nỗ lực có nhiều cách thức hỗ trợ phù hợp để người dân có thể áp dụng dễ dàng, tổ chức sản xuất hiệu quả hơn. Tiếp nối thành công của mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ năm 2022, vụ Đông Xuân 2022 - 2023 và cả năm 2023, chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô mô hình, nhóm nông dân tham gia, giúp người dân làm quen, chuyển đổi và thích ứng dần.
Rút kinh nghiệm từ vụ Đông Xuân 2021 - 2022, ngay từ thời điểm này, Sở đã giao các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và biến động thị trường. “Những vấn đề này là yếu tố khách quan, nằm ngoài khả năng can thiệp của ngành nông nghiệp. Do vậy, chúng tôi tập trung vào các giải pháp cụ thể để giúp nông dân chuyển đổi từ tư duy sản xuất cũ sang sản xuất kiểu mới nhằm giảm rủi ro. Cụ thể, với trồng trọt, ngoài việc duy trì diện tích lúa để đảm bảo an ninh lương thực, Sở phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch các vùng trồng, lựa chọn các giống cây trồng phù hợp để tăng năng suất, sản lượng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất cho bà con”, ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho hay.
Theo lịch thời vụ và cơ cấu giống vụ Đông Xuân 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh, với chân ruộng 3 vụ/năm xuống giống tập trung từ ngày 25.11 - 5.12.2022; chân ruộng 2 vụ/năm, xuống giống tập trung từ ngày 10.12 - 25.12.2022; chân ruộng trũng thấp xuống giống theo tình hình nước rút, tập trung gieo sạ và kết thúc trước ngày 20.1.2023.
Về cơ cấu giống, tập trung các giống đã được công nhận như Khang dân đột biến, ĐV 108, An sinh 1399, Q5…; một số diện tích sản xuất các giống triển vọng, giống mới như Hương Châu 6, Bắc Hương 9, VNR 88… Với cây trồng cạn tập trung sản xuất từ cuối tháng 11.2022 đến cuối tháng 2.2023.
THU DỊU