Nhiều nỗ lực trong trồng và bảo vệ rừng ngập mặn
Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 với nội dung ưu tiên là trồng và bảo vệ rừng ngập mặn đã mang lại tác động tích cực tại các địa phương ven biển trong cả nước.
Tại tỉnh Bình Định, thực hiện kế hoạch trồng cây ngập mặn phân tán, năm 2022 Trung tâm Khuyến nông Bình Định (Sở NN&PTNT) đã triển khai trồng 2.100 cây đước tại khu vực Cồn Trạng, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước thuộc Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại. Để phục vụ cho công tác trồng rừng ngập mặn, Trung tâm cũng đã triển khai khảo nghiệm ươm thử nghiệm 6.000 cây giống mắm biển thuộc Chương trình phát triển giống cây trồng năm 2022. Đến nay, cây đang sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống ước đạt 75%.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai trồng rừng ngập mặn.
Theo Trung tâm Khuyến nông, từ năm 2006 đến nay, số lượng cây ngập mặn được trồng xung quanh các hồ nuôi trồng thủy sản trên đầm Thị Nại và đầm Đề Gi lên đến 1,5 triệu cây, với diện tích khoảng 1.000 ha. Qua đó đã góp phần tạo cảnh quan môi trường ao nuôi, hạn chế xói lở bờ ao, cải thiện chất lượng nước, hạn chế dịch bệnh, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Trương Xuân Đưa, Trưởng trạm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp (thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh) cho biết: Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ rừng; ngăn chặn các hoạt động xâm hại rừng trồng như khai thác thủy sản, khai thác cát… Đồng thời, tích cực thông tin, tuyên truyền về bảo vệ rừng ngập mặn thông qua hệ thống đài truyền thanh xã và các lớp tập huấn kỹ thuật để nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ rừng ngập mặn.
THÀNH NGUYÊN