ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ HÒA GIẢI VIÊN Ở CƠ SỞ GIAI ĐOẠN 2019 - 2022”:
Góp phần hóa giải mâu thuẫn ở cộng đồng
Hòa giải viên cơ sở giữ vai trò quan trọng trong hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ lúc mới phát sinh. Khi Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn tỉnh được triển khai, công tác này càng đạt nhiều hiệu quả thiết thực.
Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên (HGV) hướng dẫn, giúp đỡ các bên có mâu thuẫn, tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết vụ việc. Việc hòa giải kết hợp cả tình và lý, bên cạnh yếu tố “cái tình”, các HGV còn vận dụng các quy định pháp luật để giải thích, giúp các bên hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình. Qua đó, các quy định pháp luật đến với người dân trực tiếp, có sức thẩm thấu và lan tỏa rộng.
Thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ HGV ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Sở Tư pháp tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Các HGV được tiếp cận những nội dung cơ bản trong công tác hòa giải ở cơ sở, như: Nắm rõ vụ việc, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và yêu cầu cụ thể của các bên; gặp gỡ từng bên tranh chấp để hòa giải, kết hợp với việc giải thích pháp luật, giúp họ nhận thức được các quyền và nghĩa vụ của bản thân.
Các HGV còn tham gia phân tích, xử lý những tình huống pháp luật do báo cáo viên đưa ra tại lớp tập huấn. Đồng thời, trao đổi các vấn đề liên quan đến kỹ năng, nghiệp vụ trong hoạt động hòa giải ở cơ sở thông qua những tiểu phẩm do chính HGV dàn dựng, biểu diễn.
Đáng chú ý, Sở Tư pháp lựa chọn thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát) là địa phương cấp xã thực hiện chỉ đạo điểm nhằm nâng cao năng lực đội ngũ HGV ở cơ sở. Các nội dung thực hiện gồm: Khảo sát, rà soát, đánh giá thực trạng năng lực, trình độ của đội ngũ HGV tại địa phương. Củng cố, kiện toàn tổ hòa giải; bồi dưỡng, hỗ trợ nghiệp vụ thực hiện hòa giải các vụ việc phức tạp, tranh chấp tài sản có giá trị lớn...
Thông qua những tiểu phẩm do chính mình dàn dựng, biểu diễn, các hòa giải viên trao đổi các vấn đề liên quan đến kỹ năng, nghiệp vụ trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Ảnh: Sở Tư pháp
Ông Phạm Dân, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, nhìn nhận: Đến tháng 10.2022, các nhiệm vụ của Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ HGV ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch, mục tiêu đề ra. Là người hoạt động vì lợi ích cộng đồng, các HGV đã tích cực tham gia công tác với tinh thần tự nguyện. Đội ngũ này còn chủ động tìm kiếm phương hướng, cách thức hóa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên nhanh nhất và đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Toàn tỉnh hiện có 1.121 tổ hòa giải, với gần 8.500 hòa giải viên. Năm 2022, các tổ hòa giải tiếp nhận 1.486 vụ việc; hòa giải thành 1.141 vụ việc, đạt tỷ lệ 76,8%.
“Có những vụ việc nếu không được hòa giải kịp thời sẽ dồn nén lâu ngày, đến khi bùng phát trở nên nghiêm trọng. HGV cơ sở có điều kiện phát hiện sớm và nắm bắt được nội dung mâu thuẫn, tranh chấp tại địa bàn dân cư. Từ đó, kịp thời hóa giải ngay khi vụ việc vừa phát sinh, tránh tiến triển theo chiều hướng xấu; góp phần củng cố tinh thần đoàn kết trong nội bộ dân cư”, ông Dân cho hay.
Theo UBND tỉnh, thời gian tới, các địa phương cần phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác hòa giải ở cơ sở để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải, HGV; bảo đảm trình tự, đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, lồng ghép việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở với các phong trào dân vận khéo, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
VĂN LỰC