Phát huy giá trị di sản Hán Nôm
Di sản Hán Nôm ở Bình Định hiện còn khá phong phú, đa dạng được Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Quang Trung sưu tầm, lưu giữ và biên dịch để trưng bày, giới thiệu đến công chúng những giá trị văn hóa, lịch sử đất và người Bình Định.
Di sản Hán Nôm liên quan đến thời Tây Sơn trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Đóng góp trong việc đưa di sản Hán Nôm đến với cộng đồng phải kể đến vai trò của Bảo tàng Quang Trung, Bảo tàng tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ giá trị di sản độc đáo này. Bảo tàng Quang Trung hiện lưu giữ 6 sắc phong thần thời Tây Sơn cùng nhiều hiện vật gốc và hiện vật phục chế các di sản Hán Nôm, như văn bia, câu đối, sách, tài liệu… liên quan đến vương triều Tây Sơn được trưng bày phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Ông Đặng Công Lập, Phó trưởng Phòng Bảo tàng (Bảo tàng Quang Trung), cho biết: “Cùng với việc bảo quản di sản Hán Nôm theo quy định, đơn vị cũng đẩy mạnh việc số hóa để phục vụ công tác nghiên cứu, khai thác lâu dài. Bảo tàng sẽ tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, sao chụp các thư tịch, tài liệu Hán Nôm liên quan đến triều đại Tây Sơn từ nhiều nguồn khác nhau, như tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, từ các thư viện, bảo tàng để bổ sung, làm phong phú thêm hiện vật”.
Bảo tàng tỉnh cũng lưu giữ, trưng bày nhiều sách, tài liệu, tư liệu Hán Nôm liên quan đến Bình Định có giá trị cao, như: Tác phẩm “Thi kinh giải âm” viết năm Quang Trung thứ 5 (1792), Dư địa chí Bình Định, các vở tuồng… được sưu tầm từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Không chỉ tập trung vào công tác sưu tầm, bảo quản, biên dịch hiện vật, chúng tôi còn tìm cách phát huy hiệu quả di sản Hán - Nôm thông qua việc trưng bày sao cho có thể thu hút, giới thiệu đến công chúng thật tốt, bởi càng có nhiều người biết và hiểu sâu sắc giá trị của di sản này thì việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là bản sắc địa phương càng thêm thuận lợi”.
Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (trực thuộc Sở Nội vụ) sưu tầm được 119 sắc phong, hơn 4.300 trang văn bản liên quan đến tài liệu Hán Nôm, như châu bản triều Nguyễn, giấy tờ ruộng đất, gia phả dòng tộc, sử liệu liên quan đến Bình Định… Trung tâm phối hợp với các địa phương trong, ngoài tỉnh và các trung tâm lưu trữ quốc gia để tổ chức sưu tầm, thu thập các tài liệu quý, hiếm liên quan đến Bình Định; trong đó, có nhiều sắc phong, thư tịch, tài liệu Hán Nôm được tìm thấy tại các dòng tộc, đình, chùa, miếu… được Trung tâm chụp ảnh, scan để lưu giữ bản gốc; đồng thời, phân loại, dịch nghĩa, in sao nhằm phục vụ công tác lưu trữ, nghiên cứu những giá trị văn hóa, lịch sử của Bình Định.
“UBND tỉnh rất quan tâm đến công tác bảo tồn di sản Hán Nôm và cấp kinh phí hằng năm để Trung tâm sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch di sản Hán Nôm. Từ tháng 10.2021, với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, trụ sở mới của Trung tâm ở địa chỉ số 12 đường Mai Hắc Đế, TP Quy Nhơn có khu trưng bày riêng để chúng tôi trưng bày, giới thiệu các tư liệu Hán Nôm quý, hiếm phục vụ công chúng đến tham quan, nghiên cứu, góp phần phát huy giá trị di sản Hán Nôm của Bình Định”, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Nguyễn Minh Nhật chia sẻ.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN