Những gương mặt trẻ trên sân khấu nghệ thuật truyền thống: Giàu tiềm năng, đầy triển vọng
Dù còn nhiều trăn trở về thế hệ kế cận, nhưng việc nhiều diễn viên trẻ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh giành được thành tích cao tại các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật toàn quốc gần đây, cho phép ta có thể tin vào tương lai đầy triển vọng của sân khấu Bình Ðịnh.
Gia đình không có ai hoạt động nghệ thuật, nhưng từ nhỏ, Thế Cường (SN 1995, quê xã Ân Đức, huyện Hoài Ân) rất thích bài chòi. Năm 2016, anh quyết định thi vào lớp trung cấp dân ca (khóa VI) Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Bình Định (nay là Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn) để theo đuổi đam mê. Tốt nghiệp năm 2018, Thế Cường trở thành diễn viên của Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, được giao diễn những vai kép phụ. Ngay trong lần đầu tiên giữ vai chính - Thái úy Lê Văn Hưng trong vở bài chòi Cô thần do Nhà hát dàn dựng tham gia Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022 - anh đã giành được HCB.
Nghệ sĩ Thế Cường đóng vai Thái úy Lê Văn Hưng (ngoài cùng bên trái) trong vở Cô thần. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Nghệ sĩ Thế Cường tâm sự: “Xuất hiện rất ngắn trên sân khấu, nhưng vai diễn này buộc tôi phải đầu tư suy nghĩ, hình dung, cố gắng lột tả được nội tâm của một vị dũng tướng trong Tây Sơn thất hổ vừa thắng trận trở về lại bị gian thần hãm vào tội chết. Cái uy dũng của tướng thắng trận chen cùng nỗi đau đớn khi chết oan bởi một vương triều mà ông chung vai dựng xây, cả đời bảo vệ… Diễn cho được nỗi giằng xé của một tấm lòng trung nghĩa cuộn trào trong một khung thời gian rất ngắn hoàn toàn không dễ. Tấm HCB là niềm khích lệ tinh thần rất lớn để tôi tiếp tục theo nghề”.
Sinh ra trong gia đình có cha từng là diễn viên Đoàn tuồng Đào Tấn, nghệ sĩ Thái Anh (SN 1995, ở TP Quy Nhơn) biết và đến với nghệ thuật tuồng như một lẽ đương nhiên. Tốt nghiệp lớp trung cấp nghệ thuật tuồng (khóa VII) Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Bình Định, Thái Anh về công tác tại Đoàn tuồng Đào Tấn. Với dáng người to khỏe, chất giọng đầy nội lực, lại được các NSND Minh Ngọc, NSND Xuân Hợi, NSƯT Đình Trương tận tình chỉ dạy, định hướng, Thái Anh phát huy tốt sở trường đóng những vai kép xéo.
Nghệ sĩ Thái Anh (bên trái) trong vai Thái úy Lê Lăng vở Vua Thánh triều Lê. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Có thể nói việc Thái Anh giành được HCV vai Chu Du trong trích đoạn tuồng Nhị khí Chu Du tại Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca toàn quốc năm 2020; HCB vai diễn Thái uý Lê Lăng trong vở tuồng Vua Thánh triều Lê tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022 cho thấy các nghệ sĩ đàn anh đã chọn đúng nhân tố để đầu tư, rèn dũa và bản thân Thái Anh không phụ công các thầy.
“Những dạng vai kép xéo mà tôi được giao diễn, như Trương Phi (vở Cổ Thành), Tạ Ôn Đình (vở Sơn Hậu)… đòi hỏi rất cao từ vũ đạo, diễn xuất… tất cả đều không dễ diễn, tôi xác định mình còn trẻ cần tích lũy kinh nghiệm sân khấu, nên không ngừng nỗ lực học tập!”, nghệ sĩ Thái Anh chia sẻ.
Nghệ sĩ Cẩm Nhung (SN 1992, quê ở xã Cát Lâm, huyện Phù Cát) sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề tuồng. Được ông ngoại trước đây từng là diễn viên Đoàn tuồng Nghĩa Bình định hướng Cẩm Nhung vào học lớp trung cấp nghệ thuật tuồng (khóa VI) Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Bình Định, rồi trở thành diễn viên của Đoàn tuồng Đào Tấn với thế mạnh đóng các dạng vai đào bi trong tuồng, như vai Lan Anh (vở Hộ sanh đàn), Tạ Phương Cơ (vở Ngọn lửa Hồng Sơn)… Nghệ sĩ Cẩm Nhung cũng gặt hái nhiều thành tích với 3 HCB trong vai Lan Anh (trích đoạn Lan Anh lạc đẻ) tại Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca toàn quốc năm 2014; vai bé Lành (vở Chàng Lía) tại Cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu tuồng, chèo toàn quốc năm 2017; vai Hạ Kiều (vở Vua Thánh triều Lê) tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022.
Nghệ sĩ Cẩm Nhung, bộc bạch: “Thu nhập của các nghệ sĩ tuồng, bài chòi còn thấp, không đủ trang trải cuộc sống, nên có lúc không chỉ tôi mà nhiều đồng nghiệp từng nghĩ đến việc chuyển nghề. Nhưng rồi, được sự động viên của các thầy cô, lãnh đạo Nhà hát, chúng tôi tiếp tục theo nghề, cống hiến trên sân khấu nghệ thuật truyền thống. Chúng tôi mong sao tỉnh sẽ có chính sách đãi ngộ cho các nghệ sĩ để yên tâm theo nghề, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa tuồng, bài chòi Bình Định”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN