Quản lý thuế hoạt động khai thác khoáng sản: Kiểm soát tốt, phát triển nguồn thu
Cùng với việc xác định vị trí các mỏ khoáng sản, trữ lượng khoáng sản và danh sách các DN được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Cục Thuế tỉnh đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ trong quản lý thuế đối với hoạt động này.
Theo Cục Thuế tỉnh, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác quản lý thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) nói riêng phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, sản lượng khoáng sản khai thác đã được quản lý kê khai và số thuế thu nộp vào ngân sách nhà nước từ hoạt động KTKS chưa tương xứng với quy mô, trữ lượng đã được cấp. Ngoài ra, một số DN được cấp phép KTKS chưa thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong việc xác lập các nghĩa vụ tài chính phát sinh, cá biệt có những đơn vị còn cố tình dây dưa không nộp thuế, khiến nợ đọng tiền thuế, tiền cấp quyền KTKS kéo dài nhiều năm.
Công chức ngành Thuế tỉnh cập nhật dữ liệu kê khai thuế trên hóa đơn điện tử của các DN khai thác khoáng sản. Ảnh: TIẾN SỸ
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nói trên, đồng thời từng bước đưa công tác quản lý thuế hoạt động KTKS đi vào nề nếp, năm 2022 Cục Thuế tỉnh đã chủ động kết nối, thu thập thông tin từ Sở TN&MT về các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh; trữ lượng khoáng sản; giấy phép KTKS đã được các cấp có thẩm quyền cấp cho các DN. Theo đó, Sở TN&MT đã chuyển đến Cục Thuế tỉnh 35 giấy phép KTKS đã cấp cho 29 DN với trữ lượng cát vật liệu xây dựng thông thường và trữ lượng các loại cát hỗn hợp, đất, đá.. giúp ngành Thuế tỉnh thực hiện công tác quản lý, thu thuế đối với hoạt động KTKS.
Ông Mang Đức Thanh, Trưởng phòng Quản lý hộ, cá nhân kinh doanh và thu khác (Cục Thuế tỉnh), cho biết: Từ các thông tin, cơ sở dữ liệu do ngành chức năng cung cấp, toàn ngành phát huy các ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước trên lĩnh vực quản lý thuế đối với hoạt động KTKS; cùng với đó chúng tôi gửi thư ngỏ thuyết phục DN tự kê khai, nộp thuế theo đúng quy định. Cục Thuế tỉnh cũng chỉ đạo các chi cục thuế phối hợp với ngành chức năng đôn đốc, thu nộp thuế.
Cách làm này cho phép cơ quan thuế tỉnh cùng Sở TN&MT và địa phương cùng giám sát, quản lý hoạt động KTKS trên địa bàn tỉnh, từ đó quản lý tốt hơn các nguồn thu từ hoạt động này. Nhờ đó, 9 tháng đầu năm 2022, Cục Thuế tỉnh thu được 75,7 tỷ đồng từ tiền cấp quyền KTKS, khai thác tài nguyên nước từ các tổ chức, DN.
Hiện dư địa về thuế đối với hoạt động KTKS còn nhiều, vì thế ngành Thuế tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động này. Ông Nguyễn Đẩu, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết: Cùng với việc đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thuế liên quan đến hoạt động KTKS, trong tháng 12.2022, Cục Thuế sẽ hoàn thiện và đưa vào ứng dụng bản đồ số mỏ khoáng sản được cấp phép trên địa bàn toàn tỉnh. Chúng tôi sẽ công khai toàn bộ thông tin về vị trí từng mỏ khoáng sản; loại khoáng sản và trữ lượng; thời hạn khai thác, sản lượng khoáng sản khai thác đã khai thuế; số thuế mà tổ chức, DN đã nộp, còn nợ… để toàn xã hội cùng tham gia giám sát, phản biện, giúp cho công tác quản lý thuế trên lĩnh vực này được tốt hơn, hiệu quả hơn.
Cục Thuế tỉnh cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Sở TN&MT cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, đối chiếu sản lượng khoáng sản do DN kê khai, nộp thuế, phí với sản lượng đã được cấp phép của các đơn vị KTKS, nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ theo quy định. Cùng với đó là thiết lập hồ sơ quản lý nợ thuế, cung cấp thông tin đề nghị Sở TN&MT cưỡng chế thu hồi giấy phép KTKS hoặc không gia hạn giấy phép khai thác đối với các trường hợp nợ thuế, phí KTKS. Đối với những trường hợp xác định có dấu hiệu trốn thuế, chúng tôi sẽ hoàn thiện hồ sơ, chuyển tin báo tội phạm đến cơ quan điều tra đề nghị xác minh, điều tra và xử lý theo quy định.
PHẠM TIẾN SỸ