Cảng Quy Nhơn vượt khó, đổi mới, sáng tạo
Sau đại dịch Covid-19, tình hình lạm phát ở rất nhiều quốc gia tăng cao, khiến hoạt động kinh doanh của Công ty CP Cảng Quy Nhơn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ dự báo chính xác và có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đội ngũ lao động đồng lòng quyết tâm vượt khó, năm 2022, kết quả kinh doanh tại Cảng Quy Nhơn hứa hẹn nhiều thắng lợi.
Khó khăn chồng chất
Công ty CP Cảng Quy Nhơn có 5 cầu tàu, tổng chiều dài 1.068 m, có thể tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 DWT hoặc tàu có trọng tải 50.000 DWT giảm tải; hệ thống luồng lạch, phao tiêu hoàn chỉnh, đảm bảo phục vụ 24/24 giờ; hệ thống thiết bị, phương tiện, công cụ xếp dỡ hoàn chỉnh, đồng bộ đủ khả năng xếp dỡ tất cả loại hàng (hàng rời, container, hàng siêu trường, siêu trọng).
Cảng Quy Nhơn chuyển đổi phương thức xuất khẩu bằng tàu chuyến sang hình thức container đối với mặt hàng viên gỗ nén xuất đi châu Âu, Nhật Bản. Ảnh: DNCC
Từ đầu tháng 5.2022, bến số 1 phải tạm dừng để thi công cải tạo nâng cấp, do đó toàn bộ 350 m cầu (Bến 1A, 1B và 1C) phải tạm dừng khai thác. Một số khách hàng thuộc nhóm hàng nông sản, thức ăn gia súc, phân bón, xi măng rời, đá granite… đã chuyển sang các cảng lân cận. Do đó, 9 tháng đầu năm 2022, số tàu cập cảng giảm 324 lượt so với cùng kỳ năm 2021.
Công ty CP Cảng Quy Nhơn kinh doanh nhiều dịch vụ: Cảng và bến cảng; lai dắt, hỗ trợ tàu biển; kho/bãi, kho ngoại quan; bốc xếp, giao nhận hàng hóa; đại lý, môi giới tàu biển, vận tải thủy bộ; đại lý kinh doanh xăng dầu; dịch vụ cung ứng lương thực, thực phẩm cho tàu biển; các dịch vụ hàng hải khác… Hiện nay, lợi nhuận trước thuế mới chỉ đạt 29% so với cùng kỳ 2021, đạt 49% kế hoạch năm 2022.
Ông Hồ Liên Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn, phân tích: Năm 2021, tuy có dịch bệnh nhưng lại là năm bùng nổ nhập khẩu thiết bị điện gió; năm 2022 không có nguồn hàng, vì thế doanh thu khai thác đã giảm hơn 290 tỷ đồng. Trong khi đó, giá nguyên liệu, nhiên vật liệu lại tăng cao, tiền thuê đất chu kỳ 2022 - 2025 tăng đến 283% dẫn đến chi phí sản xuất tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2021.
Tháo gỡ từng mối một
Đáng chú ý, những khó khăn kể trên đều đã được lãnh đạo Công ty dự báo sớm, chính xác, để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn, động viên người lao động đoàn kết đồng lòng quyết tâm vượt khó.
Ông Hồ Liên Nam cho biết: Để bù vào giảm sút do khuyết mảng hàng rời, chúng tôi đẩy mạnh thu hút các nhóm hàng container từ khu vực Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia thông qua Cảng Quy Nhơn. Theo đó, Công ty tìm cách thu hút thêm ít nhất 1 tuyến tàu kết nối giữa Cảng Quy Nhơn với khu vực Đông Bắc Á, giúp đa dạng hóa và nâng cao nguồn hàng container.
Kết quả quý III/2022, hãng tàu CMA CGM đã chính thức triển khai tuyến dịch vụ container China South East Asia (CSE) kết nối trực tiếp hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua Cảng Quy Nhơn đến các cảng của Trung Quốc (Dalian, Ningbo, Shanghai), Hàn Quốc (Busan, Incheon), Thái Lan (Bangkok, Laem Chabang), Philippines (Manila). Bên cạnh đó, hàng hóa trên tuyến CSE còn được tiếp cận với thị trường khác trong khu vực châu Á và toàn cầu thông qua mạng lưới vận chuyển rộng lớn của Hãng tàu CMA CGM.
Tháng 11.2022, Công ty CP Cảng Quy Nhơn phối hợp với hãng tàu, các đơn vị Forwarder tổ chức hội nghị nhóm khách hàng may mặc, đề xuất giải pháp logistics cho nguồn hàng nguyên liệu may mặc nhập khẩu từ Shanghai (Trung Quốc) và sản phẩm may mặc xuất khẩu nguyên container đi thị trường Mỹ (thông qua Hãng tàu Maersk Line), châu Âu (thông qua Hãng tàu CMA CGM).
Đặc biệt, Công ty CP Cảng Quy Nhơn đã thu hút thành công Tập đoàn PACORINI mua gom và tập kết hàng cà phê từ khu vực Tây Nguyên về Cảng Quy Nhơn để xuất khẩu, từng bước hình thành chợ cà phê tại Cảng Quy Nhơn. Đây là ngành hàng hoàn toàn mới và hứa hẹn sẽ tác động rất lớn đến nhiều ngành hàng khác.
Nói về định hướng sắp tới, ông Lê Hồng Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn, cho biết: Mục tiêu của Công ty là duy trì ổn định chất lượng dịch vụ, tăng cường chăm sóc khách hàng, thị trường truyền thống như tiếp tục nghiên cứu phương án tăng năng suất xếp dỡ, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ấn tượng khác biệt và có lợi cho khách hàng. Đối với các nguồn hàng ở xa (bán kính trên 150 km) hoặc phương thức vận chuyển, mua bán phức tạp, Cảng sẽ nghiên cứu và xây dựng giải pháp logistics tối ưu nhất cho khách hàng như tập trung nguồn lực đối với các nhóm hàng lương thực, nhu yếu phẩm xuất nhập khẩu; theo dõi nhu cầu thị trường và chủ trương của Nhà nước điều chỉnh giá dịch vụ phù hợp, đảm bảo có lợi cho Cảng; tận dụng giá cước vận chuyển container đang có chiều hướng giảm sâu, nghiên cứu giải pháp chuyển đổi phương thức xuất khẩu bằng tàu chuyến sang hình thức container đối với mặt hàng viên gỗ nén xuất đi châu Âu, Nhật Bản. Tập trung thu hút, phát triển thị trường tại khu vực Tây Nguyên, biên giới Lào, Campuchia, nguồn hàng xuất nhập thông qua cửa khẩu Lệ Thanh, Bờ Y. Ngoài ra, Cảng đang xây dựng giải pháp logistics cho nguồn hàng quặng sắt (Lào) xuất thị trường Trung Quốc và hàng viên gỗ nén (Lào) xuất thị trường Nhật Bản, châu Âu.
HẢI YẾN