Chủ động đấu tranh với tội phạm về trật tự xã hội
Tội phạm về trật tự xã hội có nhiều biểu hiện phức tạp, đòi hỏi các ngành chức năng luôn trong tư thế chủ động để kiểm soát tình hình.
Gia tăng và phức tạp
Theo CA tỉnh, tính từ ngày 1.12.2021 - 15.11.2022, toàn tỉnh xảy ra 612 vụ vi phạm về trật tự xã hội (tăng 86 vụ so với cùng kỳ). Trong đó, nhóm tội gia tăng nhiều tập trung vào các hành vi xâm hại sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác, như cố ý gây thương tích tăng 49 vụ, trộm cắp tài sản tăng 30 vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác tăng 18 vụ…
Đáng chú ý, tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng hoạt động. Các đối tượng chủ yếu dùng thủ đoạn giả danh cơ quan pháp luật, nhân viên giao nhận quà tặng từ nước ngoài, chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội, giới thiệu việc làm thu nhập cao, để lừa đảo. Có vụ bị hại bị chiếm đoạt đến 4,2 tỷ đồng.
“Nguyên nhân là ảnh hưởng tiêu cực từ việc phát triển đa dạng của internet, mạng xã hội. Trong khi đó, công tác quản lý mạng xã hội còn thiếu chặt chẽ. Một bộ phận người dân còn mơ hồ, thiếu cảnh giác trong việc bảo vệ thông tin, tài sản cá nhân, để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội”, đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, Phó Giám đốc CA tỉnh, nhận định.
Bên cạnh đó, tội phạm vi phạm an ninh quốc gia cũng manh nha hoạt động; chúng xuyên tạc, móc nối kích động, gây rối trật tự công cộng. Với sự chủ động bám địa bàn, nắm chắc hành tung của tội phạm, cơ quan CA đã nhanh chóng phát hiện và bắt 2 cha con Huỳnh Tiến (SN 1952), Huỳnh Tài (SN 1986, ở TX Hoài Nhơn) về tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, quy định tại Điều 109 Bộ luật Hình sự.
Cùng với đó, từ thành thị đến nông thôn, tội phạm ma túy với nhiều đối tượng cùng tham gia sử dụng và buôn bán; vi phạm pháp luật về môi trường diễn biến hết sức phức tạp. Tình hình thanh thiếu niên sử dụng hung khí đánh nhau, gây rối trật tự công cộng dẫn đến hậu quả chết người gây bức xúc trong nhân dân.
Tội phạm ngày càng trẻ hóa; có đến 49,3% số đối tượng phạm tội ở độ tuổi 18 - 30, có 10,9% số đối tượng phạm tội từ 14 đến dưới 18 tuổi.
Chủ động kiểm soát, ngăn chặn
Dù tội phạm diễn biến phức tạp, song theo đánh giá của ngành chức năng, tình hình vẫn được kiểm soát, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ. Cụ thể, CA toàn tỉnh đã điều tra, khám phá các loại án đạt 88,2%, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,3%. Ngoài ra, bắt, vận động đầu thú 100 đối tượng vi phạm pháp luật; trên 85% tin báo tố giác tội phạm đã được xử lý, giải quyết.
Tại buổi làm việc giữa Ban Pháp chế HĐND tỉnh với CA tỉnh, Viện KSND tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm năm 2022 mới đây, Trưởng Ban Pháp chế Phạm Hồng Sơn nêu yêu cầu siết chặt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, lao động, xã hội… Từ đó, xây dựng, nhân rộng và phát huy các mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở, khu dân cư, gắn với các phong trào, cuộc vận động, tiêu chí ANTT trong xây dựng nông thôn mới…
“Bên cạnh đó, lực lượng CA cần tiếp tục tập trung đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa từ xa đối với tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, môi trường, tín dụng đen, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo. Tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT, ANTT, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau dịp tết Nguyên đán sắp tới”, ông Sơn nói.
Lực lượng CA tuần tra để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh: K.A
Theo đại tá Huỳnh Bảo Nguyên, là lực lượng nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, các đơn vị nghiệp vụ CA tỉnh, CA các địa phương, nhất là CA cấp xã sẽ tiếp tục bám sát địa bàn, sâu sát người dân để không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
“Lực lượng sẽ tiếp tục nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp phát sinh, không để các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu lợi dụng kích động biểu tình, gây rối. Trong đó, trọng tâm là tấn công trấn áp mạnh các loại tội phạm có tổ chức, liên quan đến tín dụng đen; giết người do nguyên nhân xã hội; chiếm đoạt tài sản…”, đại tá Nguyên cho biết.
Mặt khác, lực lượng cũng tiếp tục nhận diện và đấu tranh có hiệu quả với các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Tăng cường công tác quản lý cư trú, xuất nhập cảnh, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tiếp tục duy trì công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, nhất là các vụ có tính chất phức tạp, nghiêm trọng được dư luận quan tâm.
KIỀU ANH