Khai mạc hội thảo quốc tế về Di sản Văn hóa - Lịch sử và Cải biên Nghệ thuật năm 2022
(BĐ) - Sáng 26.11, tại Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), Hội Gặp Gỡ Việt Nam phối hợp với ICISE, Trường ĐH Văn Lang, Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Công ty TNHH Giải trí Nghệ thuật liên quốc gia tổ chức khai mạc hội thảo quốc tế về Di sản Văn hóa - Lịch sử và Cải biên Nghệ thuật năm 2022. Hội thảo nhận được sự quan tâm đông đảo của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà làm phim/thực hành nghệ thuật trong và ngoài nước, với 82 đề xuất ý tưởng và bài viết toàn văn.
Quang cảnh hội thảo quốc tế về Di sản Văn hóa - Lịch sử và Cải biên Nghệ thuật năm 2022. Ảnh: ICISE
Hội thảo quốc tế về Di sản Văn hóa - Lịch sử và Cải biên Nghệ thuật được tổ chức nhằm cung cấp một không gian toàn diện để giới học thuật, các nghệ sĩ và nhà sản xuất sản phẩm nghe nhìn cùng trao đổi những thông tin khoa học về vấn đề cải biên chất liệu truyền thống/quá khứ Việt Nam. Đồng thời, cùng thảo luận và thúc đẩy việc hiện thực hoá các ý tưởng và dự án nghệ thuật; cung cấp một không gian trưng bày và trình diễn những sản phẩm nghe nhìn có tính văn hóa lịch sử.
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày (26 - 27.11). Tại đây, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà làm phim/thực hành nghệ thuật trong và ngoài nước sẽ tập trung thảo luận 3 nhóm chủ đề, được phân theo 3 tiểu ban.
GS Earl Jackson, ĐH Á Châu Đài Loan tham dự hội thảo quốc tế về Di sản Văn hóa - Lịch sử và Cải biên Nghệ thuật năm 2022. Ảnh: ICISE
Cụ thể, tiểu ban 1 sẽ thảo luận về chủ đề “Tự sự (vi) lịch sử như là chất liệu điện ảnh - truyền hình”, nhằm bàn luận, khơi mở về các diễn ngôn và tự sự lịch sử, những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, những huyền tích - giai thoại ít hoặc chưa được biết đến trong các văn bản chính sử, có tiềm năng trở thành chất liệu cho phim điện ảnh, truyền hình.
Tiểu ban 2 sẽ thảo luận về chủ đề “Tiếp nhận, phê bình phim cải biên lịch sử và những kinh nghiệm thẩm mỹ”, với mục tiêu phân tích, đánh giá quá trình tiếp nhận phim cải biên chất liệu văn hóa, lịch sử trung đại từ điểm nhìn của người xem đại chúng và các nhà phê bình chính thống; mối quan hệ giữa các đặc trưng ngôn ngữ điện ảnh và kết quả chuyển hóa các tự sự lịch sử thành sản phẩm đa phương tiện (ở những bộ phim đã phát hành).
Tiểu ban 3 sẽ làm rõ chủ đề “Sản xuất phim từ chất liệu lịch sử văn hoá trung đại: những tiềm năng và thách thức”, trong đó tập trung bàn luận, chia sẻ những trải nghiệm và suy ngẫm, tranh luận về những phương thức, kinh nghiệm trong việc cải biên câu chuyện quá khứ thành các bộ phim phù hợp với người xem đương đại…
TS Trần Trọng Dương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo quốc tế về Di sản Văn hóa - Lịch sử và Cải biên Nghệ thuật năm 2022. Ảnh: ICISE
Hội thảo lần này là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho việc tái sinh các chất liệu truyền thống, thể hiện nỗ lực và trách nhiệm đối với tiền nhân qua việc chuyển tải những nội dung nghệ thuật, làm sáng tỏ hơn tinh thần nhân văn trong dự án phim điện ảnh huyền sử Trưng Vương (She-kings).
AN NHIÊN