Chỉ bất tiện chứ không bất hạnh
Năm 18 tuổi, bà Mai Thị Bích Thu (SN 1984, hiện là Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh), nhận giấy báo nhập học của Trường ĐH Quy Nhơn vào hôm trước thì ngay hôm sau đôi mắt bỗng nhiên tối sầm lại. Ngồi nhắc về ký ức những năm tháng đó, bà Thu trầm ngâm: “Giấc mơ tà áo trắng” vẫn luôn đau đáu trong tôi. Có lẽ vậy chăng mà cả quãng đời còn lại tôi luôn canh cánh với việc học của người mù”.
6 THÁNG ĐỂ THAY ĐỔI VÀ SỐNG TIẾP
Ba mẹ đã dẫn con gái đi khắp các cơ sở y tế trong nước để chữa trị nhưng vô vọng. Còn cô gái thì luôn sốt ruột, đếm ngược từng ngày đến hạn chót làm hồ sơ nhập học cùng bạn bè…
* Mất bao lâu bà mới chấp nhận thực tế phũ phàng với mình?
- Chỉ 6 tháng sau đó, tôi thấy mình cần định hướng lại để thích nghi với điều kiện thực tế. Nếu cứ ở nhà ăn và ngủ mãi, tôi có cảm giác không giống như mình đang sống mà chỉ tồn tại. Vậy là tôi học chữ braille.
Vì Bình Định lúc đó chưa có hội người mù, thông qua một người bà con sinh sống ở tỉnh Bình Phước, tôi liên hệ với Hội Người mù tỉnh Bình Phước và đăng ký làm hội viên. Tôi nhớ lúc đó, bác Chủ tịch Hội bảo tôi rằng, Hội đang thiếu giáo viên dạy chữ braille. Hội cho tôi đi học lớp giáo viên cho người mù ở TP Hồ Chí Minh trong 1 năm. Hoàn thành lớp, tôi về Hội Người mù tỉnh Bình Phước dạy trong 3 năm sau đó.
Khi Hội Người mù tỉnh Bình Định thành lập, tôi về nhà, tham gia vào Ban Chấp hành Hội, làm ủy viên, sau đó làm Phó Chủ tịch đã được 3 nhiệm kỳ.
*Bà có nghĩ rằng nghề giáo chọn mình?
- Thời trẻ, tôi muốn làm cô giáo và rất mê công nghệ thông tin. Nhà khi đó không có tiền mua máy vi tính, tôi dành dụm mua một bàn phím cũ, hằng ngày luyện gõ 10 ngón. Ngày nhập học lớp giáo viên cho người mù ở TP Hồ Chí Minh, nghe thầy cô giới thiệu chương trình học gồm có hai phần: Chữ braille và tin học, tôi mừng rơn. Sau đó, lần đầu tiên ngồi trước một cái máy vi tính thực sự, dù mắt không nhìn thấy nó nhưng tôi đã rất xúc động, nhớ đến quá trình luyện ngón, tôi ngồi gõ một đoạn khá dài mà không cần sự trợ giúp của âm thanh trên bàn phím, khiến cả lớp rất bất ngờ. Hiểu được tiện ích của việc học tin học, cùng với việc dạy chữ braille, tôi luôn tìm kiếm các điều kiện để mở lớp tin học cho hội viên và tích cực hỗ trợ họ suốt quá trình học.
Nhiều lúc nằm nghĩ, mình thích nghề giáo viên và có lẽ nghề cũng chọn tôi, dù theo một hướng rất khác với dự tính ban đầu. Dẫu vậy, tôi thấy vui trong từng giờ lên lớp. Học viên học được chữ braille, tôi cũng có nhiều hứng thú, cảm xúc khi truyền đạt.
Hội Người mù tỉnh duy trì lớp dạy chữ braille trong nhiều năm qua, do bà Thu (giữa) phụ trách giảng dạy. Ảnh: N.T
MANG “ÁNH SÁNG” ĐẾN NGƯỜI MÙ
Nhờ có mối quan hệ quen biết trong quá trình học lớp giáo viên cho người mù ở TP Hồ Chí Minh và thời gian dạy tại tỉnh Bình Phước, khi về Quy Nhơn, gia nhập Hội Người mù tỉnh Bình Định, bà Mai Thị Bích Thu đã kết nối với 3 trung tâm khiếm thị lớn ở TP Hồ Chí Minh (Trung tâm Khiếm thị Nhật Hồng, Trung tâm Khiếm thị Bừng Sáng và Mái ấm Thiên Ân), đưa trẻ em mù của Bình Định vào các lớp học can thiệp sớm. Một năm sau đó, nếu đáp ứng được yêu cầu, các em sẽ được các trung tâm nhận vào học chính thức và tài trợ toàn bộ mọi chi phí ăn, ở để học đến bậc đại học.
Theo tổng hợp của Hội Người mù tỉnh, đến nay, Bình Định đã có 32 trẻ em mù theo học các trung tâm; một số em đã trở thành thầy cô giáo dạy chữ braille tại các cơ sở này, một số tốt nghiệp đại học, lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.
*Giữ vai trò cầu nối bền chặt với các trung tâm khiếm thị có tiếng trong cả nước, hẳn bà gặp không ít áp lực…
- Thực tế thì tôi lại không gặp áp lực gì từ các trung tâm cả; ngược lại, họ còn bị tôi “gây áp lực ngược” với những trẻ hơi chậm thích nghi đưa vào trung tâm.
Ở những nơi đó, các sơ, các thầy cô luôn tạo những điều kiện tốt nhất cho trẻ và phụ huynh đi theo trong thời gian đầu. Việc tôi gắn chặt với các trung tâm có lẽ xuất phát từ việc gặp gỡ những tấm lòng thấu cảm ở trẻ em mù. Đầu tiên chỉ là sự quen biết, nhưng rồi các sơ lại có cảm tình rất nhiều với trẻ em mù Bình Định. Có những dự án tôi hoàn toàn không biết, nhưng họ lại hỏi trẻ em Bình Định có muốn tham gia vào dự án này không; trong khi có một số nơi xin không được.
Tôi giữ vai trò cầu nối chính, nhưng xung quanh mình luôn có những tấm lòng, sự hỗ trợ, chung tay đắc lực. Như thầy Trần Gia Tín, nguyên Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn, đã cho mượn cơ sở vật chất để dạy, để bất kỳ trẻ em mù nào có nhu cầu đều được tiếp nhận. Thậm chí, chúng tôi đến tận nhà, thuyết phục trong nhiều ngày để các trẻ được phụ huynh đồng ý cho đi học.
* Hiện tại, cùng với việc đưa các em vào những trung tâm của TP Hồ Chí Minh, từ năm học này, với sự hỗ trợ của Hội Người mù tỉnh, Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn đã khai giảng được lớp khiếm thị đầu tiên…
- Đúng vậy, điều này làm tôi rất vui mừng, nhất là khi biết Trường Chuyên biệt Hy Vọng cũng tổ chức dạy âm nhạc và một số môn năng khiếu. Lâu nay, đa số các em trong độ tuổi đi học đều phải vào TP Hồ Chí Minh. Ở Bình Định, Hội Người mù tỉnh mở mỗi năm 1 lớp chữ braille nhưng chủ yếu cho hội viên, người mù từ 16 tuổi trở lên, đa số đã biết chữ trước khi tối mắt.
Trên thực tế, đa số trẻ em mù có hoàn cảnh khá đặc biệt, trong đó có những em cả nhà đều mù; vậy nên, điều kiện học tập của từng em cũng khác nhau. Chẳng hạn, em Mai Anh Tùng (ở huyện Tuy Phước, ba mẹ cũng bị mù) luôn tha thiết học tại Quy Nhơn, chứ vào TP Hồ Chí Minh thì không thể. Mới đây, Tùng đã vào học tại Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn. Trong khi đó, có em ở Tây Sơn, gia đình không có khả năng đưa đón về nhà hằng tuần, nên lựa chọn vào TP Hồ Chí Minh để phù hợp hơn...
Em Nguyễn Lâm Tâm Như (quê TX An Nhơn) (giữa) được bà Thu (phải) giới thiệu vào Trung tâm Khiếm thị Nhật Hồng từ năm học lớp 5, hiện là học sinh lớp 12 tại Trung tâm với thành tích học sinh giỏi nhiều năm liền. Ảnh: N.T
CẦN THAY ĐỔI CÁCH NHÌN
Phụ trách hai mảng lớn của Hội Người mù tỉnh là Tuyên truyền, văn hóa, giáo dục và Phụ nữ, trẻ em, bà Mai Thị Bích Thu không ngừng nỗ lực tìm kiếm cơ hội để người mù học chữ, học tin học, học nghề, cập nhật kiến thức, kỹ năng, có việc làm, thu nhập. Bà tạo mối quan hệ với Hội Người mù Việt Nam, nhà hảo tâm trong nước để chia sẻ thông tin về các cuộc thi, nguồn tài trợ rồi hướng dẫn hội viên, người mù đăng ký tham gia để trải nghiệm, học hỏi, giao lưu, tiếp nhận tài trợ.
Kết quả, những năm qua, Hội Người mù tỉnh Bình Định đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi chữ braille trong nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giải tin học toàn quốc, các cuộc thi theo chủ đề chủ điểm...
* Tất cả những việc làm đó là để chứng minh điều bà hay nói: Người bị mù chỉ bất tiện chứ không bất hạnh?
Điều quý trọng ở Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Mai Thị Bích Thu là thái độ sống lạc quan, năng lượng sống tích cực, sự thấu hiểu thông qua từng cách giải quyết công việc, dù là việc nhỏ.
- Đúng vậy. Bản thân tôi không bị mù bẩm sinh, rồi không nhìn thấy ánh sáng và đã loay hoay rất nhiều để điều chỉnh chính mình hòa hợp với thế giới của người mù, tôi nhận ra rằng, các cháu khiếm thị có khả năng phát triển hoàn thiện được, chứ không đáng bị bỏ quên trong cuộc đời.
Một mắc xích rất quan trọng nối các em lại với cuộc sống chính là gia đình. Đáng tiếc là đang có không ít cha mẹ không nhìn thấy hết tiềm năng của con mình, lại có suy nghĩ tiêu cực rằng, mù mà học hành gì. Không nhìn nhận đúng vấn đề, không biết cách nuôi dạy con và thiếu hợp tác, thành ra chính họ đã góp phần hủy hoại cuộc đời của con mình.
Trong quá trình đi vận động học sinh ra lớp, tôi cũng có những lần bị thất bại đến ám ảnh, do không thuyết phục được phụ huynh. Tôi cho rằng, phụ huynh phải là người thay đổi tư duy trước tiên, tạo điều kiện cho con mình, người thân của mình bị mù, dù ở độ tuổi nào cũng tự tin hòa nhập vào xã hội, sống cuộc đời của chính họ, trong một thế giới nhân ái, chan hòa.
* Xin cảm ơn bà. Chúc bà có nhiều thành công trên con đường đồng hành với người mù!
NGỌC TÚ (Thực hiện)