Quan lộ và dịch trạm ở Bình Định thời nhà Nguyễn
Theo kế hoạch của Chính phủ, tháng 12.2022 sẽ khởi công Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, đến năm 2025 sẽ hoàn thành; tỉnh Bình Định là địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ dự án. Giữa những ngày chờ đợi dự án khởi công, ta thử cùng lùi lại hơn 200 năm trước, hình dung về tuyến đường quan trọng nhất Việt Nam thời đó…
Từ xưa đến nay, việc lưu thông, truyền tin nhanh chóng là yêu cầu cực kỳ quan trọng, bức thiết. Thời nhà Nguyễn, năm 1821 bộ Binh được giao quản lĩnh công tác bưu chính từ bộ Lại để tăng cường hiệu lực quản lý. Việc tổ chức lại Dịch trạm, tu sửa hệ thống đường cái quan, hình thành hệ thống phụ trợ phục vụ việc công nhờ đó đã phát triển tương đối hoàn chỉnh.
Đường cái quan hay là “quan lộ”, ngày xưa chủ yếu để ngựa, xe quan chức triều đình sử dụng, đi kinh lý, đón đưa sứ thần, hoặc để phu trạm chạy chuyển đệ công văn. Nên đường cái quan tuy là cả hệ thống chạy suốt Bắc - Nam (còn gọi là Thiên lý lộ, Thiên lý cù, Dịch lộ, hoặc Quan báo lộ) nhưng chỉ ở quy mô nhỏ; tại Bình Định thời nhà Nguyễn là đoạn từ tỉnh thành đi đến các huyện nha, tấn sở.
Trong hệ thống đường giao thông ngày ấy, “quan lộ” là đường đi qua tỉnh thành, “kỳ lộ” là đường nhánh, “hương lộ” là đường liên thông các thôn xóm; tất cả đều do người dân địa phương sửa, đắp theo hạn mức sưu dịch hằng năm. Thời Gia Long, theo Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí thì quan lộ đoạn qua điếm Gò Găng chỉ rộng 1 tầm (khoảng hơn 2 m). Tới thời Đồng Khánh Dư Địa Chí ghi nhận được nâng cấp rộng hơn, lên đến 1 trượng tức hơn 4 m; đã đủ rộng để ngựa trạm chạy công văn theo mức hỏa tốc.
Quan lộ đoạn đi qua huyện Phù Cát, ảnh chụp khoảng đầu thế kỷ XX. Ảnh: Tư liệu của P.T.N.
Trên hệ thống quan lộ quốc gia có đặt nhiều “dịch trạm” hay thường được gọi “trạm ngựa chuyển tiếp công văn”, giữa trạm này với trạm kế tiếp cung đường xấp xỉ 30 dặm (khoảng 12 km). Dịch trạm được xây ven đường, có rào chắn cẩn thận; người phụ trách dịch trạm là một cai đội gọi là dịch thừa, biên chế của dịch trạm có 4 ngựa cùng 50 phu trạm. Năm 1810 được nâng lên 100 phu trạm, chia làm ba ban, luân phiên một ban làm việc, hai ban nghỉ.
Theo quy định của triều đình, phu trạm được miễn thuế thân cùng các loại sưu dịch. Năm 1812, mỗi năm nhà trạm được cấp 300 quan tiền, 600 phương gạo, năm gặp khó khăn thì cấp thêm, lại đặt cho dịch trạm một phó đội trưởng (gọi là dịch mục). Năm 1827, ban hàm cho dịch thừa là Tòng thất phẩm, dịch mục là Chánh bát phẩm.
Dịch trạm là nơi để quan chức đi qua có chỗ nghỉ trưa, nghỉ đêm, được phép cho khách bộ hành làm chỗ trú chân nhưng dịch trạm không phục vụ dân sinh. Dịch trạm tập trung hoàn thành chức năng chuyển tiếp công văn, chuyển tải hàng hóa, vật dụng của quan chức đi công tác. Làm tốt thì được ban thưởng, ngược lại nếu để hàng hóa hư hỏng, bị mất trộm thì chiểu luật mà luận tội. Dịch trạm được cung cấp vũ khí, súng ống để đối phó thú dữ, bảo vệ công văn, quan chức. Tấn công dịch trạm, phu trạm, cướp phá công văn theo hình luật ngày xưa là tội rất nặng.
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, ở khu vực tỉnh Bình Định ngày xưa có 7 dịch trạm, từ năm Minh Mạng thứ 3 (1822) thống nhất có tên bắt đầu bằng chữ Bình. Cụ thể gồm:
Trạm Bình Đê (sau gọi là Trạm Chương Hòa): Ở thôn Lân Đê huyện Bồng Sơn, đầu đời Gia Long gọi là Trạm Bến Đá. Phía Bắc đến trạm Ngãi Quán tỉnh Quảng Ngãi 33 dặm, phía Nam đến trạm Bình Trung 33 dặm.
Trạm Bình Trung (sau gọi là Trạm Bồng Sơn): Ở thôn Trung An huyện Bồng Sơn. Xuôi về phía Nam 30 dặm là đến trạm Bình Dương.
Trạm Bình Dương: Ở thôn Dương Liễu huyện Phù Mỹ, trước gọi là Trạm Cây Thị. Xuôi về phía Nam 33 dặm là đến trạm Bình Sơn.
Trạm Bình Sơn: Ở thôn Đại Thạnh huyện Phù Mỹ, trước gọi là Trạm Quán Sỏi. Xuôi về phía Nam 31 dặm là đến trạm Bình An.
Trạm Bình An: Ở thôn Kiều An huyện Phù Cát, trước gọi là Trạm Gò Găng. Xuôi về phía Nam 30 dặm là đến trạm Bình Điền.
Trạm Bình Điền: Ở thôn Mỹ Điền huyện Tuy Phước (năm 1928 dời vô thôn Phú Thạnh nên được gọi là Trạm Phú Thạnh), thời Gia Long gọi là Trạm Quán Gạo. Xuôi về phía Nam 30 dặm là đến trạm Bình Phú.
Trạm Bình Phú: Ở đèo Cù Mông, chỗ giáp giới hai huyện Tuy Phước của Bình Định và Đồng Xuân của tỉnh Phú Yên, xuôi phía Nam 24 dặm là đến trạm Phú Khê.
Cũng theo Đại Nam Nhất Thống Chí bản Duy Tân, đến năm 1899 trên tuyến quan lộ đi qua Bình Định nhà nước thiết lập thêm 3 trạm nữa, gồm: Trạm Bình Nghi ở thôn Lai Nghi, Trạm Bình Nghĩa ở thôn An Ngãi đều của huyện Tuy Viễn, Trạm Bình Cẩm ở thôn Cẩm Thượng huyện Tuy Phước. Đến năm 1903 lại thiết lập them 1 trạm nữa là Trạm Bình Giang ở thôn Thượng Giang huyện Bình Khê.
Thời nhà Nguyễn có quy định: Quan chức đi công cán không dược lạm dụng việc phục vụ của dịch trạm, không được buộc phu trạm phục vụ người thân của mình; việc không khẩn cấp cấm thúc giục phu trạm chạy hỏa tốc. Đến năm 1905, hệ thống quan lộ được cải sửa, nâng cấp lên thành quốc lộ 1 và nhanh chóng được nâng cấp liên tục, ô tô thay dần cho ngựa trong vận chuyển hàng hóa, công văn; phương tiện đi lại phong phú hơn nhiều (ô tô, xe lửa…). Ít lâu sau có thêm hệ thống điện báo, điện thoại, tất cả đã làm thay đổi triệt để bộ mặt của ngành bưu chính viễn thông, giao thông vận tải. Các dịch trạm lùi vào quá khứ nhưng hệ thống đường quốc lộ phát triển đến chóng mặt. Và như chúng ta đã biết đường quan lộ, quốc lộ 1 năm xưa nay đang vươn mình trở thành đường cao tốc Bắc - Nam với quy mô ngày càng hiện đại.
PHAN TRƯỜNG NGHỊ