“Ðòn bẩy” nâng chất lượng khám chữa bệnh ở y tế cơ sở
Vừa qua, Bình Ðịnh là 1 trong 5 địa phương được Bộ Y tế và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tặng 1 máy chủ, 15 bộ máy tính, trang thiết bị hỗ trợ và phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”. Qua đó, 15 trạm y tế được nhận trang thiết bị, phần mềm, hỗ trợ đào tạo để triển khai khám chữa bệnh từ xa.
Ông Lê Quang Hùng và lãnh đạo, nhân viên y tế các địa phương, các trạm y tế nhận hỗ trợ phần mềm, thiết bị phục vụ khám chữa bệnh từ xa. Ảnh: T. KHUY
Với nhiều nội dung khác nhau, khám chữa bệnh từ xa là một phần thiết thực, nhiệm vụ quan trọng trong chuyển đổi số của ngành y tế. Đến nay ở tỉnh ta, hoạt động khám chữa bệnh từ xa chỉ tập trung tại tuyến tỉnh, tuyến huyện và cũng chỉ mới dừng lại ở hội chẩn từ xa. Dù vậy, khi tham gia hội chẩn với các bệnh viện Trung ương đối với các ca bệnh nặng, bác sĩ bệnh viện tuyến tỉnh cũng thu nhận, cập nhật được nhiều kỹ năng tiên tiến, kiến thức mới. Theo thông tin từ Sở Y tế, sau khi 15 trạm y tế được hỗ trợ thực hiện chương trình khám chữa bệnh từ xa vận hành và có thực tiễn để đúc kết kinh nghiệm, ngành y tế sẽ trình UBND tỉnh đề xuất mở rộng mô hình này trên toàn tỉnh.
“Hiện nay, với sự cam kết rất cao của lãnh đạo tỉnh, sự hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), UNDP và các nguồn đầu tư khác nữa, thời gian tới, ngành y tế sẽ triển khai đồng bộ các hoạt động về chuyển đổi số bao gồm bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử công dân, khám chữa bệnh từ xa... giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế ngày càng gần và chất lượng hơn. Đây cũng là điều kiện để nhân viên y tế toàn tỉnh nâng cao chuyên môn và khả năng chẩn đoán bệnh.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Hoạt động khám chữa bệnh từ xa đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn, đặc biệt là vùng khó khăn, xa xôi hẻo lánh. Trong đợt này, với sự hỗ trợ của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và UNDP, chúng ta triển khai chương trình “Bác sĩ cho mọi nhà” và triển khai khám chữa bệnh từ xa cho y tế tuyến xã. Đây là cơ hội tốt để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Bởi với sự hỗ trợ của công nghệ cao, người dân được chẩn đoán bệnh sớm hơn, hiệu quả hơn, có điều kiện tiếp cận với các bác sĩ tuyến huyện, tuyến tỉnh và khi cần có thể nhận được sự can thiệp từ tuyến Trung ương. Trong nhiều trường hợp, người dân có thể được điều trị ngay tại chỗ, không phải đưa lên tuyến trên, không mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Ngoài ra, việc khám chữa bệnh từ xa sẽ giúp cho các nhân viên ở trạm y tế có cơ hội rất lớn nâng cao năng lực chuyên môn, học hỏi những kiến thức mới, kinh nghiệm của các bác sĩ tuyến trên.
Xã Cát Minh, huyện Phù Cát, có dân số khá đông, Trạm y tế xã cách TTYT huyện 20 km. Những trường hợp nặng, cần chuyển viện gấp đôi khi gặp khó khăn trong vấn đề xử lý. Bác sĩ Nguyễn Hồng Thuận, Trưởng Trạm Y tế xã Cát Minh, cho biết: Trong quá trình khám chữa bệnh, nhiều lúc chúng tôi cần tham vấn các bác sĩ tuyến trên, chuyên môn cao hơn. Với sự hỗ trợ của phần mềm khám chữa bệnh từ xa, điều này sẽ dễ thực hiện hơn, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng học hỏi, triển khai thật tốt chương trình này.
Tại TP Quy Nhơn, Trạm Y tế Nhơn Hải và Trạm Y tế Nhơn Châu được hỗ trợ công cụ để khám chữa bệnh từ xa. Tuy là thành phố nhưng Quy Nhơn có một số xã ở xa, dễ bị chia cắt như Nhơn Châu, Nhơn Hải, Phước Mỹ... Ông Võ Văn Trung, Phó Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn, cho biết: Đối với những xã này, việc tư vấn khám chữa bệnh cho người dân có một số hạn chế. Lâu nay, những ca phức tạp cần chuyển lên tuyến trên tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Đặc biệt, ngay cả khi chuyển để đảm bảo an toàn cao nhất cho bệnh nhân, chúng tôi cũng phải thực hiện một số thao tác, thủ thuật y khoa. Nếu nhận được sự hỗ trợ của bác sĩ có chuyên môn cao hơn, sâu hơn sẽ có lợi rất lớn cho bệnh nhân; thông qua việc xử lý ban đầu, bác sĩ ở cơ sở cũng dần vững vàng hơn. Chương trình khám chữa bệnh từ xa sẽ kết nối giữa tuyến thành phố và tuyến xã được dễ dàng, tạo thuận lợi cho người dân, đặc biệt là người dân ở xa trung tâm. Chúng tôi sẽ khẩn trương triển khai chương trình này để người dân sớm được hưởng lợi.
“Chương trình khám chữa bệnh từ xa do UNDP phối hợp Bộ Y tế triển khai tập trung vào tuyến y tế cơ sở. Riêng Bình Định, ngoài máy chủ và 15 máy tính, trang thiết bị CNTT phục vụ khám chữa bệnh từ xa cho trạm y tế, chúng tôi còn một Dự án nữa là Làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc. Theo đó, ngoài các hỗ trợ khác, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho 20 trạm y tế xã bộ thiết bị CNTT như thế này” .
ThS.BS Nguyễn Thanh Hà, Chuyên gia của UNDP
THẢO KHUY