Chuyển hướng công tác DS-KHHGĐ
Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BTC-BYT (Thông tư 20) quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2012-2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 15.4.2013. Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Quang cho biết, với sự ra đời của Thông tư 20, công tác DS-KHHGĐ có những thay đổi quan trọng.
● Thông tư 20 có quy định cụ thể nội dung và mức chi đặc thù của từng dự án. Cụ thể quy định này sẽ tác động đến các hoạt động nào, thưa ông?
- Thông tư 20 quy định nội dung và mức chi chung của Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ gồm 19 mục chi, toàn bộ các quy định này đều áp dụng ở tất cả các dự án, đề án. Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định nội dung và mức chi đặc thù của từng dự án.
Đối với hoạt động dịch vụ thuộc Dự án Bảo đảm hậu cần và cung cấp dịch vụ KHHGĐ gồm 7 nội dung. Đầu tiên là cấp miễn phí phương tiện tránh thai (PTTT), dành cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số sống tại xã đặc biệt khó khăn; xã thuộc vùng có mức sinh cao và không ổn định; người làm việc trên biển trước khi đi biển dài ngày, khi cập bờ và vào các âu thuyền tại các xã ven biển. Danh mục PTTT cấp miễn phí do Bộ Y tế quy định.
Thực hiện Thông tư 20, công tác tuyên truyền phải thay đổi theo xu hướng khuyến khích các biện pháp tránh thai không xâm nhập.
- Trong ảnh: Cán bộ DS-KHHGĐ tư vấn biện pháp tránh thai tại hộ gia đình.
Thứ 2 là thực hiện tiếp thị xã hội PTTT, việc tổ chức triển khai thực hiện và cơ chế quản lý tài chính hoạt động này thực hiện theo các quy định hiện hành. Thứ 3 là chi tiền công tiêm thuốc tránh thai, với mức 2.000 đồng/mũi tiêm. Thứ 4 là chi thực hiện dịch vụ KHHGĐ, xử lý tai biến theo chuyên môn y tế của người được cấp miễn phí PTTT, mức chi theo giá dịch vụ khám chữa bệnh hiện hành. Thứ 5 là chi kiểm định chất lượng PTTT theo mức phí kiểm định do cơ quan có thẩm quyền ban hành, trường hợp chưa ban hành mức phí kiểm định, mức chi thực hiện theo kết quả đấu thầu kiểm định chất lượng PTTT.
Thứ 6 là chi thù lao cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ vận động và tư vấn. Người chấp nhận đặt dụng cụ tử cung lần đầu tại xã đặc biệt khó khăn, xã thuộc Đề án 52 và xã thuộc vùng có mức sinh cao và không ổn định, mức hỗ trợ là 10.000 đồng/trường hợp; người chấp nhận triệt sản, mức hỗ trợ 30.000 đồng/trường hợp.
Cuối cùng là chi hỗ trợ công tác quản lý DS-KHHGĐ của Ban DS-KHHGĐ cấp xã, với mức 1,2 triệu đồng/xã/năm.
● Rõ ràng, theo Thông tư 20, đối tượng được miễn phí các hoạt động dịch vụ sẽ bị thu hẹp lại. Điều này sẽ tác động như thế nào đến công tác DS-KHHGĐ của tỉnh?
Sở Y tế đã có tờ trình UBND tỉnh về chủ trương ban hành tạm thời giá thu các dịch vụ KHHGĐ tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thuốc và hóa chất vật tư tiêu hao khi dùng cho mỗi dịch vụ KHHGĐ được thanh toán theo giá mua thực tế (nhưng không vượt định mức tại Thông tư 06/2009/TT-BYT quy định về định mức thuốc thiết yếu và các vật tư tiêu hao trong các dịch vụ, thủ thuật chăm sóc SKSS). Dụng cụ tử cung, thuốc tiêm tránh thai, thuốc cấy tránh thai thu theo giá mua thực tế hoặc giá chuyển nhượng từ Trung ương. Ngoài ra, mỗi dịch vụ KHHGĐ còn thu thêm, cụ thể: đặt dụng cụ tử cung, cấy que và tháo que tránh thai - mức thu 28.500 đồng; tháo dụng cụ tử cung khó - mức thu 43.500 đồng.
- Trước đây, công tác dân số của chúng ta phải quyết liệt thực hiện cho được giảm sinh nhằm ổn định quy mô dân số nên rất chú trọng đến các biện pháp tránh thai lâm sàng (triệt sản, đặt dụng cụ tử cung, tiêm thuốc tránh thai, cấy thuốc tránh thai). Hiện nay, cả nước đã đạt được mức sinh thay thế, nhận thức của người dân cũng thay đổi theo hướng chấp nhận quy mô gia đình ít con, nhất là giới trẻ.
Tránh thai lâm sàng là biện pháp xâm nhập, nên cũng có những tác dụng phụ không mong muốn nhất định nào đó. Xu hướng hiện đại là dùng các biện pháp tránh thai không xâm nhập, như thuốc uống tránh thai và bao cao su. Trong đó, bao cao su là biện pháp tránh thai tốt cho sức khỏe và là biện pháp duy nhất phòng được bệnh lây truyền qua đường tình dục, góp phần bình đẳng giới trong KHHGĐ, tạo một thói quen tốt trong cộng đồng. Đây là biện pháp tránh thai phổ biến ở các nước phát triển. Chúng ta phải dần thay đổi nhận thức cộng đồng. Từ đó, chỉ tiêu thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng giảm sút nhưng tổng các biện pháp tránh thai không ảnh hưởng nhiều.
Người dân không nằm trong đối tượng miễn phí cần thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng nhưng chưa có giá dịch vụ có thể chọn thuốc uống và bao cao su như đã nói. Giá dịch vụ này Trung ương cũng chưa quy định và tỉnh đang xây dựng.
● Việc triển khai Thông tư 20 tại Bình Định được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Khi mới triển khai Thông tư 20, đội ngũ làm công tác dân số, y tế còn bỡ ngỡ. Tại Hội nghị giao ban công tác 3 tháng đầu năm 2014, Chi cục đã hướng dẫn cụ thể nên hầu hết các đơn vị triển khai thuận lợi, nhất là quy định đối tượng được đặt dụng cụ tử cung miễn phí không bị vướng nữa. Vì tỉnh ta có mức sinh không ổn định nên được miễn phí đến 75% số người đăng ký sử dụng dụng cụ tử cung. Khi thực hiện Thông tư 20, ngay cả cán bộ y tế cũng phải thay đổi suy nghĩ, thay đổi xu hướng tuyên truyền theo hướng giảm các biện pháp tránh thai lâm sàng. Việc xây dựng giá dịch vụ phải làm đồng bộ với các giá dịch vụ y tế khác trong thời gian tới.
● Xin cảm ơn ông!
MAI HOÀNG (Thực hiện)