Hơn 10.000 vận động viên thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc
Đại hội Thể thao toàn quốc lần đầu tiên tổ chức trên quy mô lớn với 11 tỉnh, thành và khoảng hơn 10.000 vận động viên thi đấu 43 môn thể thao trong lần thứ 9 tổ chức vào năm 2022.
Ngày 28.11, Ban tổ chức của Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 đã trao đổi với báo chí về những điểm đáng chú ý nhất của sự kiện thường niên của ngành thể thao Việt Nam.
Theo đó, Đại hội Thể thao toàn quốc mang thông điệp ‘Vì Việt Nam cường thịnh’ và dự kiến khai mạc vào ngày 9.12.2022 tại quảng trường Sun Carnival Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Lễ bế mạc được tổ chức vào ngày 21.12 tại nhà thi đấu đa năng tỉnh Quảng Ninh.
Ban tổ chức gặp gỡ báo chí, trao đổi thông tin về Đại hội Thể thao toàn quốc 2022. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đây cũng là lần đầu tiên đại hội được tổ chức với quy mô lớn trên 11 tỉnh, thành và hơn 10.000 vận động viên thi đấu 43 môn thể thao.
Phó ban tổ chức Đại hội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, ông Đặng Hà Việt chia sẻ: “Sau thành công rực rỡ về mọi mặt của SEA Games 31, thể thao Việt Nam tiếp tục chuẩn bị cho kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc với quy mô, chất lượng hơn, được kỳ vọng là lớn nhất trong lịch sử. Sự kiện quy tụ 63 đoàn thể thao, trong đó có đoàn thể thao của hai ngành là Công an và Quân đội.”
Theo ông Đặng Hà Việt, Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 được thừa hưởng thuận lợi từ hệ thống cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực tổ chức, phục vụ cho SEA Games 31 đã có kinh nghiệm. Để “chạy đua với thời gian”, tất cả tỉnh, thành đều đã thành lập Ban tổ chức địa phương, do các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đứng đầu, cũng như các Tiểu ban chức năng để cụ thể hóa nhiệm vụ trên tất cả các mảng công việc.
Ở nội dung phòng chống doping, Trưởng Tiểu ban kiểm tra doping Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, ông Nguyễn Văn Phú cho biết có 4 khâu chuẩn bị cho việc này. Ngoài ra, những hướng dẫn cụ thể đã được ban hành như các vận động viên tuyệt đối không sử dụng thuốc bổ, thuốc điều trị, thực phẩm chức năng nếu không có ý kiến chỉ định của bác sỹ có trách nhiệm.
Ông Phú khẳng định công tác phòng, chống doping tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 sẽ được thực hiện nghiêm ngặt, đặc biệt sau những sự cố từ SEA Games 31. Tại các tỉnh, thành tổ chức Đại hội, ban tổ chức sẽ bố trí trạm lấy mẫu kiểm tra doping trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. Dự kiến, hơn 100 mẫu kiểm tra doping tại Đại hội sẽ được lấy ngẫu nhiên và kiểm tra.
Trong khi đó, về chuyên môn, ngoài bảng xếp hạng toàn đoàn, Ban tổ chức sẽ đánh giá kết quả thi đấu tương tự như cách xếp hạng chung của Đại hội đối với 19 tỉnh miền núi gồm: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Kon Tum.
Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 tiếp tục đánh dấu sự xuyên suốt kể từ lần đầu tiên ra đời vào năm 1985 nhằm mục đích tổng động viên lực lượng thể thao thành tích cao, qua đó cũng tạo nên động lực cho sự đầu tư, phát triển thể dục thể thao tại các tỉnh, thành và ngành trên toàn quốc.
Từ năm 2002, Đại hội Thể thao toàn quốc đã tổ chức định kỳ 4 năm/lần, ổn định theo mô hình của các Đại hội thể thao quốc tế như Olympic và Asiad (Asian Games), qua đó giúp thúc đẩy sự phát triển về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cũng như trình độ tổ chức các sự kiện thể thao của các địa phương đăng cai và các tỉnh, thành khác./.
(Theo Hiển Nguyễn/Vietnam+)