CHUYỂN GIAO KỸ THUẬT BẢO QUẢN CÁ NGỪ ĐẠI DƯƠNG BẰNG CÔNG NGHỆ NANO:
Nâng cao chất lượng, tiết kiệm chi phí
Nhằm triển khai các mô hình phù hợp với yêu cầu phát triển của hoạt động sản xuất nông nghiệp, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) tiếp tục triển khai kỹ thuật bảo quản cá ngừ đại dương bằng công nghệ nano cho ngư dân trong tỉnh.
Thực hiện định hướng chung của ngành nông nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều mô hình thí điểm chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho người dân, và “Ứng dụng công nghệ nano trong bảo quản sản phẩm thủy sản” là một trong những mô hình như vậy.
Trong quá trình triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông tổ chức tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật, công nghệ bảo quản thủy sản cho 70 chủ tàu cá tại phường Tam Quan Bắc và Tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn).
Tàu cá của ngư dân Bình Định áp dụng công nghệ nano trong bảo quản sản phẩm. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Công nghệ nano giúp ngư dân bảo quản ngừ tươi lâu hơn, tiết kiệm được đá lạnh. Để thực hiện công nghệ này, các hầm chứa sản phẩm trên tàu được thiết kế lại, lắp đặt hệ thống bảo quản theo công nghệ mới. Yêu cầu vốn đầu tư ban đầu cao hơn, việc làm chủ kỹ thuật và vận hành máy móc khó khăn; bù lại chất lượng cá ngừ đảm bảo hơn so với bảo quản bằng hầm chứa đánh lạnh thông thường, giá bán cao hơn từ 10 - 15% so với sản phẩm cùng loại. Sau khi thẩm định hệ thống hầm bảo quản và máy tạo bọt nano ổn định, dự kiến tàu mô hình ra khơi vào tháng 12.2022.
Theo ông Lê Hà Ngọc, ở xã Hoài Hải, TX Hoài Nhơn, chủ tàu thực hiện mô hình, công nghệ nano trong bảo quản sản phẩm rất mới mẻ so với cách làm trước đây của ngư dân. “Trước mắt, với sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật, tôi đã nắm rõ quy trình, thực tế chờ đợt đánh bắt tới đây để có đánh giá mức độ chất lượng sản phẩm. Hy vọng công nghệ mới này giúp ngư dân bảo quản tốt, cá chất lượng tốt và giá bán ổn định, đảm bảo đời sống cho ngư dân”, ông Ngọc nói.
Từng bước hiện đại hóa đội tàu cá Bình Định là định hướng được tỉnh quan tâm, trong đó có việc hoàn thiện công nghệ bảo quản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm khai thác. Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện nay tỉnh Bình Định có khoảng 450 tàu thuyền khai thác xa bờ có áp dụng công nghệ cao, sản phẩm khai thác được là 33.800 tấn. Riêng với cá ngừ đại dương, có 1.450 tàu cá được cấp phép khai thác; trong 10 tháng đầu năm 2022 khai thác được 10.521 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện, Bình Định là 1 trong 3 tỉnh khai thác cá ngừ đại dương lớn nhất nước. Thực hiện đề án tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản, tỉnh tập trung đầu tư KHKT, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng cho các đội tàu khai thác xa bờ, trong đó có đội tàu khai thác cá ngừ đại dương. Cùng với đó, Sở đang phối hợp với Công ty TNHH Mãi Tín (DN có vốn đầu tư Nhật Bản) xúc tiến Dự án liên kết khai thác, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương. Sở giao Trung tâm Khuyến nông và Chi cục Thủy sản phối hợp triển khai thí điểm 2 mô hình sử dụng công nghệ nano trong bảo quản cá ngừ để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án và nhân rộng chuỗi liên kết cho tàu câu cá ngừ đại dương trong toàn tỉnh.
Sơ đồ triển khai công nghệ nano trong bảo quản sản phẩm thủy sản. Nguồn: Sở NN&PTNT
Theo ông Kosaburo Kimura, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định, lợi thế lớn của Bình Định là sở hữu đội tàu khai thác lớn, ngư dân chăm chỉ và chịu khó học hỏi. Tuy nhiên, sản phẩm khai thác được chưa thật sự đồng đều về mặt chất lượng, đặc biệt là cá ngừ đại dương. Năm 2020, Công ty bắt đầu phối hợp với Sở NN&PTNT triển khai thí điểm hợp tác với 2 tàu câu cá ngừ đại dương của Bình Định. Để phát triển được chuỗi này, phía Công ty kỳ vọng ngành nông nghiệp mở rộng các nhóm ngư dân tham gia dự án, hỗ trợ về kỹ thuật và chuyển giao công nghệ để tăng chất lượng sản phẩm. Phía Công ty cam kết thực hiện đúng các yêu cầu để mua gom sản phẩm của ngư dân, đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế.
THU DỊU